Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: 'Chưa nhận được văn bản đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỷ đồng'
"Liên quan đến quy mô gói phục hồi kinh tế sau đại dịch, tới thời điểm hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất từ Chính phủ", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh.
- 05-11-2021Quảng Trị sắp có thêm nhà máy sản xuất linh kiện 81 tỷ đồng
- 05-11-2021Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ tháng 1/2022
- 05-11-2021Quảng Trị muốn có sân bay 5.800 tỷ theo hình thức PPP
Thời gian vừa qua, hàng loạt các thông tin về Chương trình khôi phục kinh tế liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý, trong đó có đề xuất gói phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng và cho rằng dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ 2.
Liên quan đến thông tin này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh: "Văn phòng Quốc hội khẳng định: Đây là thông tin không chính thống. Việc đề xuất nội dung vào chương trình nghị sự của Quốc hội cần bảo đảm quy trình của Luật định. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc, thống nhất với Chính phủ về việc dự kiến những nội dung có hay không đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp".
Ông Tuấn khẳng định, liên quan đến quy mô gói phục hồi kinh tế sau đại dịch, tới thời điểm hiện nay, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được văn bản đề xuất từ Chính phủ. "Do đó, những thông tin của cá nhân, tổ chức đăng tải cho rằng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận về chương trình phục hồi kinh tế là không có căn cứ và không đáng tin cậy".
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn thông tin thêm: "Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang chủ động, tích cực nghiên cứu đề xuất gói kích thích kinh tế theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 4 là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt và quy mô phù hợp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".
Theo ông Vũ Minh Tuấn, kể từ cuối năm 2019, sau khi xuất hiện đại dịch COVID-19 nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, năm 2021, sự lây lan và bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta, với các đợt giãn cách liên tiếp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm tránh tình trạng thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tình hình kinh tế- xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, trong đó có hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho hay: "Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan có liên quan trong quá trình chuẩn bị văn bản chỉ khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thì mới cung cấp thông tin nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định của pháp luật; đồng thời cần phát huy tính dân chủ, nhất là tổ chức việc lấy ý kiến của nhân dân, tránh việc thông tin lệch lạc, phát ngôn không đúng thẩm quyền sẽ ảnh hưởng đến tình hình thị trường, ổn định xã hội và các quyết sách của các cơ quan có thẩm quyền".
"Vì vậy, theo tôi, các cơ quan thông tin cần nêu cao trách nhiệm trong việc thẩm định thông tin, bảo đảm đưa tin chính xác, khách quan, nhất là những thông tin, tài liệu còn đang trong quá trình xây dựng, thảo luận thì vẫn cân nhắc để tránh ảnh hưởng, tác động đến tâm lý người dân và ổn định xã hội", ông Tuấn nói thêm.
Trước đó, theo Cổng thông tin Quốc hội, tại họp báo ngày 19/10, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến tháng 12 tới Quốc hội tổ chức họp chuyên đề theo hình thức trực tuyến để giải quyết những vấn đề cấp bách, thực tiễn đặt ra.
Đề nghị tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào cuối năm từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội ngày 14/10.
Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Trong trường hợp do Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu hoặc theo quyết định của mình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ triệu tập kỳ họp bất thường".
Trong chủ trì đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tối 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 6 trụ cột chính phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. Thủ tướng khẳng định, khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi, Chính phủ Việt Nam quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tầm nhìn, mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước.