Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN: “Không có chuyện Việt Nam thiếu gạo“
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ không bao giờ có chuyện Việt Nam thiếu gạo, trên các cánh đồng ĐBSCL luôn có cây lúa hiện diện và các tỉnh trong vùng luân phiên thu hoạch lúa.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020, để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 24/3, việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu bị tạm dừng. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Công Thương đã công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng xin cho phép hoãn việc dừng xuất khẩu gạo .
Bởi theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, lý do xin hoãn là sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo và để có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế hiện nay tại các doanh nghiệp.
BizLIVE đã trao đổi với ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group về vấn đề này.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group
Lo ngại hạn hán ở ĐBSCL và dịch Covid-19 nhiều nước tăng mua gạo, khiến thị trường gạo xuất khẩu sôi động, ông nhận định gì về vấn đề này?
Nhằm dự trữ lương thực trong mùa dịch nên các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia và Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Thường các doanh nghiệp không mua gạo cùng một lúc mà rải đều ra trong năm, bây giờ họ mua gạo sớm là để chống dịch và ổn định thị trường, thật ra nhu cầu của các nước này không tăng bao nhiêu so với năm 2019.
Thị trường gạo của Philippines đã được tư nhân hóa nên lượng gạo nhập khẩu sẽ tùy thuộc vào năng lực tài chính của các doanh nghiệp, dần về cuối năm khi Philippines đã mua đủ lượng gạo cần thiết họ sẽ giảm hoặc ngừng nhập khẩu.
Thị trường Malaysia, Indonesia cũng chưa có gì đặc biệt lắm, cơ bản sản xuất gạo trong nước cũng đủ trang trải, nhưng năm nay do dịch bệnh nên họ tăng mua thêm một ít.
Trong khi chúng ta tăng bán và thị trường Đông Nam Á lại giảm bán vào thị trường châu Phi, đã có một loạt hợp đồng đi Châu Phi bị hủy, do phía khách hàng xin hủy giao hàng. Bất lợi của thị trường châu Phi là giá bán thấp, thanh toán chậm, thị trường xa nên rất ít doanh nghiệp muốn bán trừ khi các thị trường gần không tiêu thụ được mới bán sang Châu Phi.
Trước đây, chúng ta bán vào châu Phi khoảng 1,4 triệu tấn/năm, nay giảm bán vào châu Phi chuyển về bán các thị trường gần để thu tiền nhanh và tránh được rủi ro, bởi các thị trường gần có đặc điểm là mua ngay, bán ngay tránh được những biến động bất lợi. Đây là sự điều phối hàng hóa trên thị trường không phải do nhu cầu chung của cả thị trường tăng.
Gần đây có nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, vậy thực hư câu chuyện này như thế nào?
Trung Quốc vừa là nước mua gạo mà cũng là nước bán gạo lớn trên thế giới, họ đang dừng xuất khẩu và với khối lượng gạo tồn kho của Trung Quốc được cho là dư cho tiêu dùng nội địa.
Philippines, Trung Quốc và gần đây là Malaysia tiến hành nhập khẩu cho thấy nguồn cung thị trường thắt chặt. Song, Trung Quốc chỉ nhập khẩu nếp của Việt Nam, không nhập khẩu gạo, vì nước này không thiếu gạo.
Bây giờ, Trung Quốc chỉ thiếu nếp và họ đang đẩy mạnh nhập khẩu nếp để có đủ nguồn cung bột làm bánh chuẩn bị Tết Đoan Ngọ tại Trung Quốc.
Năm 2020, hạn ngạch nhập khẩu gạo Trung Quốc dành cho Việt Nam vẫn là 390.000 tấn gạo, nhưng họ chỉ nhập khẩu nếp ra tấm nếp. Tấm nếp không có hạn nhập chỉ đánh thuế nhập khẩu.
Hạn hán và xâm nhập mặn có thể khiến nông dân vùng ĐBSCL sẽ giảm diện tích trồng lúa, và nếu doanh nghiệp tăng bán gạo vậy liệu chúng ta có đảm bảo anh ninh lương thực và có đủ gạo để bán cho khách hàng?
Việt Nam là nước nông nghiệp, năm 2019 sản lượng lúa cả nước đạt 43,8 triệu tấn. Trong đó, khu vực phía Nam với khoảng 1,6 ha đất lúa sản xuất khoảng 27,5 triệu tấn, ĐBSCL đạt 24,7 triệu tấn.
Khu vực ĐBSCL lại sản xuất lúa 3 vụ/năm, trong khi các nước trên thế giới không có nước nào sản xuất lúa 3 vụ/năm như Việt Nam. Do vậy, sẽ không bao giờ xảy ra chuyện Việt Nam thiếu gạo, trên các cánh đồng ở ĐBSCL luôn có cây lúa hiện diện và các tỉnh trong vùng luân phiên thu hoạch lúa.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, các tỉnh phía Nam xuống giống được 1,505 triệu ha, tăng 60 nghìn ha so với vụ Đông Xuân năm ngoái (1,445 nghìn ha), đạt năng suất khá cao từ 6,8-6,9 tấn/ha.
Vụ Hè Thu 2020 đã xuống giống được 80 nghìn ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch. Với giá lúa gạo tốt như hiện nay chắc chắn vụ Hè Thu bà con sẽ tăng diện tích, cơ hội xuất khẩu gạo sẽ tăng, có thể vụ Thu Đông cũng sẽ tăng diện tích sản xuất.
Ngoài ra, chúng ta có lượng lúa gạo từ Campuchia về, vì giá lúa Campuchia thấp hơn giá lúa trong nước do người dân Campuchia đưa qua Việt Nam bán. Cùng với đó còn có một lượng lúa gạo nhất định do nông dân sống ở biên giới sang Campuchia thuê đất trồng lúa, thu hoạch xong bà con chở lúa về. Tuy nhiên, thời gian gần đây do dịch Covid-19 biên giới bị đóng cửa nên việc vận chuyển lúa của bà con gặp khó khăn.
Nếu lo sợ thiếu gạo mà giữ lại thì giá gạo sẽ rớt sâu nông dân trồng lúa sẽ than oán, vì đang thu hoạch lúa Đông Xuân bà con rất cần giá lúa lên. Bài học dừng xuất khẩu gạo năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị!
Xin cảm ơn ông!
BizLive