MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Hồi đồng Lý luận Trung ương: Kéo dài nghiên cứu đến mấy năm mà không ra được chính sách là mất hết cơ hội!

Tại hội thảo khoa học quốc gia: "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", PGS.TS Nguyễn Văn Thạo nhấn mạnh, gói cứu trợ mới chỉ cần ở một mức nhất định, bởi khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, những vấn đề xã hội theo đó sẽ được giải quyết.

Để doanh nghiệp chết thì lúc đó cứu ai?

Phó Chủ tịch Hồi đồng Lý luận Trung ương, PGS. TS Nguyễn Văn Thạo cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, thì cần hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế. Cụ thể, cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa hơn nữa, để ảnh hưởng từ thành công chống dịch Covid-19 sẽ không bị giảm đi.

"Việc đặt ra mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không chỉ là cứu trợ và đảm bảo ổn định xã hội là một hướng đi có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần đánh giá tác động của đại dịch và các chính sách vừa qua sâu hơn nữa", ông Nguyễn Văn Thạo nhận định.

Liên quan đến việc đánh giá tác động của đại dịch, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo chỉ ra: "Không thể phủ nhận tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam là chưa từng có. "Chỉ một con virus rất nhỏ nhưng có thể làm cho cả guồng máy xã hội, kinh tế gần như dừng lại tại một thời điểm.

Đơn giản như việc một đoàn xe đang di chuyển trên xa lộ, chỉ cần một chiếc dừng lại, đã đủ gây ra ách tắc. Đối với một nền kinh tế, ảnh hưởng của nó còn lớn hơn rất nhiều. Một con virus nhỏ đã làm đứt gãy tất cả chuỗi cung ứng, dòng đầu tư, dòng thương mại, đảo lộn sinh hoạt cả xã hội. Đáng chú ý hơn nữa, không một quốc gia nào có kinh nghiệm trong việc ứng phó với cuộc đại dịch này. Vì vậy, cần đánh giá kỹ hơn về tác động của Covid-19 đến mọi mặt đời sống".

Đối với việc đánh giá tác động của chính sách, ông Thạo cho rằng, chính sách cứu trợ vừa rồi chỉ hướng tới mục tiêu "tồn tại". Tuy nhiên, chính sách mới cần phải bao trùm lên hết những doanh nghiệp mà trước đó chưa nằm trong diện được hỗ trợ.

Cụ thể, 80% đối tượng là không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ trước đó do "không đủ điều kiện". Do vậy, cần đánh giá sâu  hơn, kỹ hơn những điều kiện đó là gì, và tại sao 80% doanh nghiệp không tiếp cận được.

"Theo đó chúng ta cần đánh giá rằng gói hỗ trợ lần 1 vẫn chưa đủ thực tế. Khi doanh nghiệp sắp chết rồi mà vẫn còn phải đủ điều kiện thì làm sao họ có thể tiếp cận được? Để doanh nghiệp chết thì lúc đó cứu ai?", ông Thạo đặt vấn đề.

Ông Thạo cũng đề xuất việc đánh giá cần tập trung vào tác động của chính sách đến từng lĩnh vực, bao gồm: sản xuất, du lịch, hàng không... Từ đó có thể rút ra những hạn chế của gói cứu trợ lần thứ nhất và đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn.

Tập trung vào phục hồi và phát triển

TS Nguyễn Văn Thạo khẳng định, gói cứu trợ mới vẫn cần, nhưng căn bản Việt Nam cũng đã kiểm soát được dịch bệnh, do vậy cần đặt mục tiêu chính trong giai đoạn tới là phục hồi và phát triển. Theo ông Thạo, khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, những vấn đề xã hội theo đó sẽ được giải quyết.

"Chúng ta cần tạo ra môi trường và điều kiện để phục hồi và phát triển, chứ nếu chỉ đặt mục tiêu dành ra 3% GDP hay 10-15% GDP như các quốc gia khác thì không phù hợp. Bởi khi đã vượt qua giai đoạn bùng phát của dịch bệnh, thì gói cứu trợ chỉ cần ở một mức nhất định, còn phục hồi và phát triển trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các lĩnh vực khác nhau mới là quan trọng".

Chính sách mới cần rất nhanh, hiệu quả, không có kẽ hở

Ông Thạo phát biểu: "Đây là tình huống, thời cơ mà chúng ta cần làm nhanh, có hiệu quả. Bởi nếu chúng ta kéo dài nghiên cứu đến mấy năm mà không ra được chính sách thì mất hết cơ hội. Đồng thời, chính sách mới cần có tính chất cứu trợ, nhưng phải có ý nghĩa lâu dài; phải rất nhanh, nhưng cần hiệu quả, không tạo ra kẽ hở chứ không chỉ sử dụng ngân sách để thực hiện các mục tiêu ngắn hạn. Điều này mặc dù khó, nhưng chúng ta sẽ làm được".

Cuối cùng, TS. Nguyễn Văn Thạo kết luận: "Trong nguy có cơ. Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi số nhanh hơn bao giờ hết. Điển hình như học trực tuyến, hội nghị trực tuyến, chính phủ điện tử đã tiến một bước rất dài. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để chuyển đổi, phát triển nền kinh tế số hơn nữa".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên