Phó Chủ tịch Hội thương mại điện tử: Amazon không về Việt Nam như cách mọi người đang nghĩ!
"Amazon không tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam như Lazada", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét trong buổi hội thảo sáng 14/3.
Phó Chủ tich VCOM Nguyễn Ngọc Dũng
Thông tin Amazon vào Việt Nam đã có từ cuối năm 2017 và được nhắc lại trong thời gian gần đây khi VECOM thông tin Diễn đàn thương mại điện tử 2018 có sự tham dự của đơn vị này cùng với một kế hoạch hợp tác. Theo đó, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra nếu "ông lớn" đến từ Hoa Kỳ thực sự đổ bộ.
Tờ Nikkei Asia Review hôm 12/3, 2 ngày trước Diễn đàn đã có bài viết "Amazon vào Việt Nam trong nỗ lực đối đầu với Alibaba". Trong đó, Nikkei cho biết Amazon sắp chính thức tung ra dịch vụ thương mại điện tử ở Việt Nam. Nikkei cũng cho biết Amazon đã hợp tác với VCOM.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng tỏ ra hết sức bất bình với thông tin này. Ông cho biết phía Amazon Mỹ đã gọi điện cho VCOM để xác minh thông tin.
"Nikkei không hề có liên lạc với chúng tôi. Từ "partnership" họ dùng trong bài viết gây rắc rối. Đối với Amazon, từ này có ý nghĩa rất quan trọng", ông Dũng cho biết.
Ông Dũng nhấn mạnh Amazon không về Việt Nam theo cách mọi người nghĩ, tức tham gia vào thị trường như Lazada, Tiki... Thay vào đó, ông lớn đến từ Mỹ sẽ thông qua VCOM để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhận Việt Nam tham gia xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng của họ.
VCOM được hiểu là chiếc cầu nối.
Đại diện VCOM không bình luận nước cờ của Amazon tại Việt Nam cũng như không đưa ra bất cứ dự đoán gì về bước đi tiếp theo của Amazon tại thị trường 90 triệu dân với tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình khoảng 20% (riêng năm 2017 là 25%). Vị này chỉ khẳng định lần tham dự này của Amazon đơn thuần là cung cấp thông tin, công cụ, giáo trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Gijae Song, Head of Amazon Global Selling Singapore khẳng định doanh nghiệp, cá nhân có thể ngồi tại Việt Nam nhưng vẫn có thể bán hàng qua thị trường Mỹ, châu Âu mà không cần có văn phòng, nhà kho tại những địa điểm đó. Nền tảng của Amazon có thể hỗ trợ những công việc này.
Dịch vụ mà họ cung cấp là Fulfillment by Amazon (FBA) cho doanh nghiệp. Tức là khi có đơn hàng, Amazon sẽ tự động đóng gói và vận chuyển cho khách. Việc của người bán chỉ là gửi hàng sang kho cho Amazon và những việc còn lại phía Amazon sẽ thực hiện.
"Đó là bán hàng toàn cầu", ông Gijae Song nói.
Hiện Amazon đang có tổng cộng 13 thị trường với 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và người bán đến từ 172 nước bao gồm Việt Nam. Bên cạnh đó, 25% doanh số bán lẻ trên amazon thuộc về người bán quốc tế.