Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam giải mã bí mật của phiên đấu giá ‘băng tần vàng’ cho 5G
Sau 2 cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) – còn gọi là “băng tần vàng” và khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) cho 15 năm sử dụng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam - một chuyên gia về tần số vô tuyến điện.
Nửa đầu tháng 3/2024 vừa qua, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia đã tổ chức hai cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) cho 15 năm sử dụng với giá khởi điểm lần lượt là 3.983 tỷ đồng và 1.956 tỷ đồng.
Theo đó, Viettel là nhà mạng đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1, và VNPT đã đấu giá thành công khối băng tần C2.
Với khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz), cuộc đấu giá ngày 14/3 đã không thành do không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định. Cụ thể, có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (17h ngày 13/3/2024) chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền.
"Giá khởi điểm khối băng tần C3 sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá", theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vừa qua, việc đấu giá các khối băng tần B1 và C2 đã thành công, trong khi đó khối băng tần C3 lại không thành công do không đủ số lượng doanh nghiệp tối thiểu đủ điều kiện. Điều này xảy ra liệu có phải là do mức giá khởi điểm được đưa ra cao hay không?
Theo tôi mức giá không có gì là cao cả. Khi thiết lập giá, Cục Tần số, Bộ Thông tin Truyền thông đã tham khảo số liệu thống kê về giá băng tần trên thị trường quốc tế, và cố gắng đưa ra một tính toán tương đối hợp lý cho thị trường Việt Nam với các điều kiện về dân số, GDP/đầu người và các yếu tố khác của thị trường… và tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà mạng.
Hiện tại, thị trường đang có 4 nhà khai thác, cạnh tranh để có được 3 băng tần. Khi vào cuộc đấu giá, thì cả băng tần B1 và C2 đều có sự cạnh tranh thực sự quyết liệt, qua hàng chục vòng.
Với sự cạnh tranh như thế, thì tôi nghĩ giá đó là không cao, đặc biệt là nếu so với tổng chi phí nhà mạng bỏ ra để khai thác mạng di động trong vòng 15 năm.
3 khối băng tần được đưa ra đấu giá đều có độ rộng 100 MHz, vì sao giá khởi điểm của khối B1 cao gấp đôi khối C2? Và vì sao các nhà mạng lại cạnh tranh rất gay gắt cho khối B1 này (bằng chứng là giá trúng đẩy lên cao gần gấp đôi giá khởi điểm, trong khi đối với khối C2 thì giá trúng chỉ cao hơn khoảng 20%)?
Thứ nhất là giá trị của băng tần. Băng tần B1, giá trị sử dụng của nó trong mạng 5G và 4G cao hơn hẳn băng tần C2.
Một là, vùng phủ sóng một trạm BTS của băng tần B1 rộng hơn C2 từ 1,3-1,7 lần, dẫn đến giảm chi phí đầu tư cho nhà mạng là rất lớn. Hai là, băng tần B1 sử dụng được cho cả 5G và 4G, C2 thì không dùng được cho 4G mà chỉ dùng được cho 5G.
Nhu cầu hiện tại của thị trường Việt Nam nói riêng, và thậm chí cả thế giới trong một thời gian dài nữa, dịch vụ 4G vẫn là chủ đạo của thông tin di động. Theo dự báo, đến năm 2028 vẫn còn khoảng 50% thuê bao sử dụng băng tần này, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Điều đó có nghĩa là đối với nhà mạng đang khai thác 4G lớn, băng tần B1 vô cùng giá trị. Không những để tiếp tục cung cấp dịch vụ, mà băng tần này còn giúp tối ưu mạng lưới, giảm chi phí kinh doanh và khai thác 4G trên hệ thống, mang lại lợi ích đến hàng nghìn tỷ cho bất cứ nhà mạng nào trúng đấu giá. Đó là lý do giá khởi điểm của băng tần B1 cao gấp đôi C2, nhưng còn chưa tính đến sự khác nhau khi nhận được băng tần của từng doanh nghiệp.
Hiện nay, Viettel đang là nhà mạng có số lượng thuê bao data lớn nhất, chiếm đến hơn 50% thị phần (tổng số khoảng 40 triệu), nếu tính chi phí băng tần trên từng thuê bao, Viettel có lợi thế hơn rất nhiều. Thêm nữa, đây cũng là nhà mạng có số trạm BTS lớn nhất nên chi phí băng tần trên mỗi trạm BTS cũng có lợi thế hơn.
Đặc biệt, người dùng Viettel phân bổ ở mọi vùng miền, với tỷ trọng người dùng nông thôn, miền núi, hải đảo là lớn hơn hẳn nhà mạng khác. Người dùng ở những khu vực này chưa có nhu cầu sử dụng 5G sớm, nhu cầu 4G vẫn cao. Do đó, băng tần B1 lại càng có ý nghĩa hơn nữa đối với Viettel, so với các nhà mạng khác.
Viettel, với tiềm lực kinh tế của họ, đương nhiên không dễ gì họ bỏ qua băng tần B1 này. Tuy nhiên, không chỉ một mình Viettel muốn có được "băng tần vàng" này, mà các nhà mạng khác cũng mong muốn như vây. Đây cũng là lý do cuộc đấu giá "băng tần vàng" diễn ra rất quyết liệt qua hàng chục vòng bỏ giá và một nhà mạng chỉ chấp nhận rời cuộc chơi khi mức bỏ giá cuối cùng đã chạm vào giới hạn sử dụng hiệu quả băng tần này đối với họ.
Tất cả những yếu tố đó cho thấy, mức giá mà Viettel bỏ ra là hợp lý, nhất là khi tính chi phí băng tần trên từng thuê bao. Đối với nhà mạng này, băng tần B1 không còn là "băng tần vàng" mà phải là "băng tần kim cương".
Việc đấu giá tần số vô tuyến điện là chưa có tiền lệ, nhưng cuộc đấu giá tần số 5G vừa rồi đã bước đầu được thực hiện thu về ngân sách cả chục nghìn tỷ đồng. Vậy lợi ích đem lại có cân bằng hay không?
Tôi cho việc đấu giá này là rất là hợp lý. Thứ nhất, khi các nhà mạng đã đấu giá thành công băng tần này với giá cao hơn mức khởi điểm một cách hợp lý (hơn 30% đối với băng tần C2 và chưa đến 100% với băng tần B1), và Nhà nước đã thu được một khoản ngân sách phù hợp.
Thứ hai, đối với nhà mạng, tính toán trên cả công nghệ, vùng phủ và thị phần, thì việc đấu giá thành công ở 2 khối băng tần với 2 mức giá khác nhau cũng hợp lý, phù hợp với yêu cầu triển khai mạng lưới, điều kiện kinh doanh của hai doanh nghiệp, đặc biệt là với Viettel với băng tần B1.
Băng tần là tài nguyên thiết yếu của kinh doanh viễn thông, cũng giống như đất đai là thiết yếu của kinh doanh bất động sản vậy, nên đấu giá tần số là cực kỳ quan trọng với việc đầu tư cho mạng di động. Với mức giá 2.500 tỷ cho 15 năm thì mỗi năm nhà mạng chỉ phải trả 166 tỷ đồng/năm. Nếu so với hàng nghìn tỷ đầu tư mỗi năm cho mạng lưới thì con số đó là hợp lý, không hề cao.
Cảm ơn ông!
An ninh Tiền tệ
Sự kiện: TECH INSIDER
Xem tất cả >>- CEO Grab Việt Nam: Khi các đối thủ đến và ra đi, chúng tôi cũng nhìn lại chính mình
- Nâng cao chiến lược quản lý điểm đến thông qua chuyển đổi số
- AI đang biến đổi ngành khách sạn như thế nào: Thông tin chuyên sâu và chiến lược
- CEO Amazon Global Selling ‘giải mã’ lý do thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam với hạt nhân là các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ
- Điều đặc biệt phía sau sản phẩm công nghệ Việt xuất hiện tại khai mạc Olympic Paris 2024