Phó chủ tịch IATA: 'Hàng không đang bị ảnh hưởng rất nặng nề và cần mọi sự giúp đỡ có thể'
Sáng 2/8 đã diễn ra buổi tọa đàm liên quan đến những vấn đề, giải pháp nhằm giải cứu cho ngành hàng không của Việt Nam thông qua những kinh nghiệm của thế giới.
- 02-08-2021Tiêu dùng 'mùa' giãn cách ở Việt Nam và Singapore: Mỳ tôm có phải là lựa chọn hàng đầu?
- 02-08-2021PMI tháng 7 tăng lên 45,1 điểm, hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục suy giảm
- 01-08-2021Việt Nam nằm trong top 3 khu vực ASEAN về hoạt động xuất nhập khẩu
- 01-08-2021Sau giảm giá điện, Chính phủ yêu cầu giảm giá nước sạch sinh hoạt cho người dân
Sáng 2/8 đã diễn ra buổi tọa đàm "Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh bay hàng không Việt". Nội dung chính của buổi thảo luận xoay quanh những vấn đề, giải pháp nhằm giải cứu cho ngành hàng không của Việt Nam.
Tại đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đã đưa ra những chính sách mà một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhằm giúp cho các hãng hàng không vực dậy từ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
10 giải pháp chính sách Chính phủ các nước áp dụng để giúp ngành hàng không vượt qua đại dịch Covid-19
1. Giãn hoãn nộp thuế, bào gồm thuế giá trị gia tăng
2. Giãn hoãn các nghĩa vụ nợ
3. Miễn giảm thuế, lệ phí
4. Trợ cấp để trả lương cho người lao động
5. Cho phép kết chuyển lỗ trong hoạt động kinh doanh
6. Tăng hạn mức vận chuyển hàng hóa cho các hãng hàng không
7. Cho vay lãi suất thấp nhằm hỗ trợ thanh khoản.
8. Hỗ trợ phí cho các ghế trống
9. Chính phủ đặt mua trước vé, ứng trước vé máy bay
10. Kích cầu du lịch ở trong nước, từ đó kích cầu cho lĩnh vực hàng không.
Điển hình như Air France và KLM đã nhận được gói cứu trợ trị giá 10,4 tỷ EUR từ Chính phủ Pháp và Chính phủ Hà Lan dưới hình thức gói vay trực tiếp và bảo lãnh vay. Với điều kiện, KLM phải giảm lượng khí thải CO2 xuống 50% vào năm 2030. Air France sẽ phải cắt các chuyến bay ngắn để tạo thuận lợi cho ngành đường sắt, cũng như đáp ứng mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 còn 50% vào năm 2024.
Vào tháng 3/2021, Chính phủ Singapore đã đưa ra gói cứu trợ 19 tỷ SGD từ ngân sách quốc gia để hỗ trợ Singapore Airlines
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn đưa ra gói cứu trợ "khổng lồ" lên tới 50 tỷ USD để hỗ trợ cả những hãng tư nhân, gồm United Airlines, Delta Airlines, Alaska Airlines, Jet Blue Airways và Southwest Airlines. Trong đó, 25 tỷ USD để trả lương nhân viên (không hoàn lại) nhằm đảm bảo việc làm cho nhân viên hàng không tới tháng 9/2020 và 25 tỷ USD dưới dạng cho vay với quyền chuyển đổi thành cổ phần công ty với các mức giá theo thỏa thuận từ trước.
Một số trường hợp khác như Bồ Đào Nha, Chính phủ đầu tư 1,2 tỷ EUR vào TAP Airlines (hãng hàng không quốc gia) để tăng vốn chủ sở hữu nâng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 72,5%. Hay như tháng 3/2021, Chính phủ Singapore đã đưa ra gói cứu trợ 19 tỷ SGD từ ngân sách quốc gia để hỗ trợ Singapore Airlines.
Với Hàn Quốc, cuối tháng 4/2021, các ngân hàng do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu 100% (gồm Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc) đã cung cấp khoản vay ưu đãi gần 2,35 tỷ USD cho 2 hãng hàng không là Korean Air và Asiana Airlines.
Chia sẻ thêm về các giải pháp hỗ trợ tài chính, chuyên gia tài chính, ThS Nguyễn Đắc Dũng cho biết, khoảng 80% các gói giải pháp ở các nước châu Âu thiên về sử dụng công cụ nợ thông qua các khoản vay hoặc hình thức trái phiếu. Còn các giải pháp liên quan đến việc mua cổ phần thì ít được sử dụng hơn, chỉ chiếm khoảng 20%.
Vai trò của Chính phủ Việt Nam trong giải cứu ngành hàng không
Ở Việt Nam, tính riêng tháng 5 và tháng 6, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 100% so với năm 2019. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày. Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của Phó chủ tịch IATA khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lĩnh vực hàng không đang bị ảnh hưởng rất nặng nề và cần mọi sự giúp đỡ có thể. Vì thế, ông hy vọng Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các hãng hàng không tại Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Hưng – Nguyên Chủ tịch, TGĐ Vietnam Airlines chia sẻ ở tọa đàm về vai trò của ngành hàng không, liên quan đến khía cạnh đối nội, hàng không là một trong những hạ tầng quan trọng trong ngành giao thông của đất nước. Về mặt đối ngoại, hàng không là một công cụ rất quan trọng để kết nối giữa Việt Nam với thế giới về mọi mặt từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quân sự.
"Nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ thì vô hình trung, Việt Nam đang hạ thấp vị thế ngành hàng không của quốc gia so với các nước lân cận", ông Hưng nhấn mạnh.
Nhằm giải quyết những khó khăn của ngành hàng không, hàng loạt những chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm hỗ trợ các hãng bay vượt qua giai đoạn khó khăn đã được ban hành. Mới đây nhất, Vietnam Airlines đã nhận được gói hỗ trợ trị giá 4 nghìn tỷ đồng, nằm trong gói hỗ trợ 12 nghìn tỷ đồng mà Quốc hội đã thông qua vào tháng 12/2020 theo hình thức tái cấp vốn. Gói hỗ trợ này đã giúp Vietnam Airlines chi trả được các khoản nợ quá hạn và chi trả cho các dịch vụ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, đối với các hãng hàng không tư nhân, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại và các giải pháp tài chính khác vào lúc này đều khó khả thi nếu không có một cơ chế đặc biệt. Trong khi đó, khó khăn vẫn đang bào mòn sự chịu đựng và khiến các hãng bay tư nhân tiệm cận gần đến tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản.
Vì vậy, các chuyên gia nghiên cứu tại buổi tọa đàm mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ, cơ chế hợp lý không chỉ cho hãng bay nhà nước mà còn cho hãng bay của các khu vực tư nhân. Vì không chỉ Vietnam Airlines, các hãng tư nhân khác như Bamboo Airways hay đều có đóng góp to lớn cho kinh tế của quốc gia.