MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch Jetro Tokyo: Mong doanh nghiệp Việt lựa chọn Nhật Bản để kinh doanh

05-07-2016 - 22:00 PM | Doanh nghiệp

Công Vinh từng sang Nhật Bản theo diện xuất khẩu cầu thủ, Công Phượng – “Messi của Việt Nam” – đã tham gia thi đấu cho đội Mito Hollyhock. Trong ngành giải trí, Noo Phước Thịnh và Đông Nhi cũng chọn Nhật Bản cho các cảnh quay video của mình. “Tôi hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy" Phó Chủ tịch Jetro Tokyo bày tỏ.

Trở lại Hà Nội sau 3 năm, ông Shigedi Maeda, trước công tác tại Jetro Singapore, nay giữ cương vị Phó Chủ tịch Jetro Tokyo, ngỡ ngàng tưởng đến nhầm sân bay.

“Các bạn mới xây thêm nhà ga mới, lần gần nhất tôi đến Hà Nội còn chưa thấy, rồi cầu Nhật Tân mới, đường cao tốc nối với thành phố… Việt Nam đang phát triển không ngừng và tôi cảm nhận rất sâu sắc điều này”, ông Maeda bày tỏ.

Cùng với việc rót vốn phát triển kinh tế trong nước, từ năm 2000, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có dòng vốn đổ sang Nhật Bản .

“Tôi biết người Việt rất yêu bóng đá. Khách sạn tôi đang ở cũng treo các bảng đấu về các trận bóng đá. Năm 2013, Lê Công Vinh đã sang Nhật Bản đấu cho CLB Sapporo. Mới đây, “Messi của Việt Nam” là Nguyễn Công Phượng cũng được mời sang đội Mito Hollyhock”.

“Trong lĩnh vực giải trí, Noo Phước Thịnh cũng lựa chọn Osaka cho video âm nhạc của mình. Ca sĩ Đông Nhi cũng vậy. Tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng lựa chọn Nhật Bản như họ”, ông Maeda nói.

Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam rót vốn sang Nhật Bản, tiêu biểu nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin . FPT là doanh nghiệp Việt đầu tiên thành công trong việc đầu tư tại Nhật Bản, hiện đang có khoảng 200 đối tác tại quốc gia này.


Ảnh minh họa. Nguồn: It.njit.edu.

Ảnh minh họa. Nguồn: It.njit.edu.

Nối gót FPT là bước tiến của một loạt doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam như VietSoftware International, TMA, Tinh Vân Outsourcing…

Nhật Bản có gì hấp dẫn?

Theo ông Maeda, Nhật Bản có 3 điểm cực hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Một là, đây là thị trường rất lớn và chuyên nghiệp. GS. Michael A. Porter của Harvard từng đặt vấn đề: “Vì sao Tập đoàn P&G thực hiện test thử nghiệm sản phẩm tã giấy mới tại Nhật Bản? Vì những bà mẹ Nhật Bản là những khách hàng khó tính nhất”.

Như vậy, thành công tại Nhật Bản tương đương với việc doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh lớn trên thế giới.

Hơn nữa, Nhật Bản là quốc gia có GDP lớn thứ 3 thế giới. Riêng GDP của Tokyto đã tương đương Anh, GDP của Hokkaido tương đương cả nước Thụy Sỹ, GDP của Shigoku cao hơn Việt Nam, tức đầu tư vào 1 Nhật Bản tương đương với đầu tư vào nhiều quốc gia khác.

Hai là, Nhật Bản đang đầu tư vào du lịch với mục tiêu đến 2020, lượng khách du lịch sẽ tăng từ 20 triệu lượt người lên 40 triệu lượt. Với lượng khách du lịch dự kiến tăng lớn như vậy, các dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, bán lẻ, ăn uống, du lịch giải trí khác… cũng là các lĩnh vực rất lớn, là cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp khai thác.

Ba là, cơ hội về mảng công nghệ thông tin (IT). Mục tiêu 2020, Nhật Bản sẽ trở thành xã hội ứng dụng IT mạnh nhất trên thế giới. Hiện nay, ngay cả các cửa hàng sushi tại Nhật cũng dang ứng dụng Big data (dữ liệu lớn) để tránh lãng phí thức ăn.

Các mảng đầu tư cũng được chính phủ Nhật Bản cởi mở hơn như lĩnh vực phát điện và truyền tải điện, thuốc và dược phẩm... Riêng về thuế, Nhật cũng đã giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 20%, bằng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên