Phó Chủ tịch Sudico gia nhập HĐQT của Địa ốc Dầu khí, cổ phiếu PVL tăng trần liên tục
Trước thềm ĐHCĐ lần 1 của PVL, nhóm cổ đông lớn trong đó có Sudico đã gửi lá đơn kiến nghị bãi nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT đương nhiệm của PVL.
- 02-04-2016Địa ốc Dầu khí (PVL)-"Khối u" còn đó, vẫn muốn phát triển thêm dự án mới
- 24-03-2016Cổ phiếu PVL bị đưa vào diện bị cảnh báo
- 27-10-2015Sau khi “gán nợ” Quỳnh Lưu Plaza, PVL giải thể chi nhánh Quỳnh Lưu
- 14-09-2015Nguyên Tổng Giám đốc PVL lĩnh án 30 năm tù, người mua nhà như "ngồi trên đống lửa"
Trong tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều cổ phiếu penny gắn liền với những câu chuyện riêng. Một trong số đó là PVL của CTCP Địa ốc Dầu khí. Từ mức giá 2.500 đồng, PVL tăng mạnh lên 3.800 đồng, tương ứng mức tăng 46%, trong đó 4 phiên gần đây, cổ phiếu tăng liên tục với 3 phiên trần.
Sự xuất hiện của Phó Chủ tịch Sudico trong HĐQT
ĐHCĐ lần 2 diễn ra ngày 22/06/2017 của PVL đã thông qua việc miễn nhiệm 3 vị trí thành viên HĐQT là ông Trương Sỹ Minh, Hoàng Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Toàn (TV HĐQT kiêm Phó TGĐ); đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên mới là ông Đỗ Văn Bình, ông Trần Quốc Huy và ông Nguyễn Hưng Bường.
Trong đó, ông Đỗ Văn Bình hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT của Sudico.
Việc miễn nhiệm và bầu TV HĐQT là nội dung mới được bổ sung vào chương trình đại hội theo đề nghị của nhóm cổ đông lớn cùng với đơn xin thôi vị trí TV HĐQT của ông Trương Sỹ Minh, Hoàng Quốc Khánh và xin thôi BKS của ông Trần Doãn Hoàng Tùng và bà Vũ Thị Châm.
Theo Biên bản ĐHCĐ, các cổ đông lớn này bao gồm nhóm 1 là CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico, SJS) và ông Nguyễn Doãn Tuấn; Nhóm 2 là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ Việt Nam và ông Trần Quốc Huy; Nhóm 3 là Ông Bùi Văn Tứ, ông Nguyễn Hưng Bường; Nhóm 4 là Công ty TNHH phát triển Công nghệ, bà Nguyễn Thị Hoàn; Nhóm 5 là ông Phạm Quang Minh, ông Bùi Quang Minh.
Trước đây, Sudico từng là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn năm giữ 5% vốn điều lệ của PVL nhưng đã thoái vốn từ năm 2010 – 2011.
Cuộc chiến trước thềm ĐHCĐ thường niên lần 1
PVL thu hút sự quan tâm khi trước thềm ĐHCĐ thường niên lần 1 đã xuất hiện một lá đơn kiến nghị.
Nhóm cổ đông bao gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Nam và các cổ đông lớn (pháp nhân và cá nhân) sở hữu lượng cổ phiếu tương đương 28% vốn điều lệ đã gửi đơn kiến nghị đề nghị đưa vào chương trình ĐHCĐ nội dung bãi nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT công ty đương nhiệm.
Các cổ đông trên cho rằng, việc Công ty thực hiện chưa nổi 1% doanh thu và hầu hết không đạt 60% các chỉ tiêu khác theo Nghị quyết ĐHCĐ 2016, dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty càng ngày càng bết bát, khả năng phục hồi công ty mờ mịt. Thêm nữa, việc cổ phiếu PVL bị đưa vào diện bị kiểm soát, hạn chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là lý do cần nhanh chóng thay đổi bộ máy HĐQT, lãnh đạo công ty càng sớm càng tốt.
HĐQT công ty đã họp và ra nghị quyết không chấp thuận kiến nghị nêu trên với lý do “nội dung bãi nhiệm là không có cơ sở, không đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan và điều lệ công ty”. Ngoài ra, theo HĐQT đương nhiệm của PVL thì lý do kiến nghị của nhóm cổ đông trên là sai sự thật, bịa đặt và vu khống với ý đồ xấu, phủ nhận công sức, trách nhiệm cũng như thành quả của HĐQT, ban điều hành và toàn thể nhân viên của công ty.
HĐQT của PVL còn nhấn mạnh rằng “Qua tìm hiểu sơ bộ công ty thấy rằng một số cổ đông vốn là các cá nhân thuộc một công ty nhưng lại tách ra thành một số nhóm cổ đông với ý đồ gây rối để thôn tính công ty với biểu hiện lợi ích nhóm nhằm trục lợi”.
Như vậy, mặc dù HĐQT của PVL không chấp thuận kiến nghị bãi nhiệm toàn bộ HĐQT cũ nhưng nhóm cổ đông lớn vẫn đưa được 3 người vào HĐQT mới và đặc biệt, tỷ lệ biểu quyết tán thành lên tới 99,99%.
Kỳ vọng gì đã đẩy cổ phiếu tăng mạnh?
PVL vốn đã lâm vào cảnh bết bát từ lâu. Vốn là thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khi mới thành lập, với sự hỗ trợ từ PVN, Công ty đã bắt đầu là chủ đầu tư của các dự án lớn như: Dự án Petrovietnam Land Mark, Dự án chung cư Linh Tây – Thủ Đức- Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án nhà ở tại xã Lê Minh Xuân, Dự án khu dân cư xã Phước Khánh – Nhơn Trạch – Đồng Nai, Dự án Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, Trung tâm thương mại và Khách sạn Quỳnh Lưu Plaza...
Tuy nhiên, tại công ty này đã xảy ra những vụ “rút ruột” khiến lãnh đạo phải vào vòng lao lý. Công ty cũng chuyển từ “chủ” này sang “chủ” khác, sau khi được đẩy về Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) thì đến tháng 4/2016, Tổng công ty này cũng hoàn tất thoái vốn khỏi PVL.
Để trang trải nợ nần, PVL đã phải gán dự án Quỳnh Lưu Plaza cho Vietinbank. Còn dự án Linh Tây Tower được thông báo sẽ hoàn thành và hạch toán doanh thu, lợi nhuận vào năm 2017, nhưng dự án này đã lỗ trước khi tái khởi động với mức lỗ 102 tỷ đồng.
Nhìn vào kế hoạch kinh doanh 2017 của PVL, nhà đầu tư chưa thể thấy điều gì sáng sủa khi doanh nghiệp chỉ dự kiến không lỗ. Mặc dù vậy, PVL cùng với các công ty con cũng vẫn đang có một số dự án đang dang dở như DA trung tâm thương mại, Dịch vụ văn hóa thể thao tại một phần ô đất Cv4.4, Khu nhà ở phường Trường Thành (Q9. HCM), Tháp Kim Cương tại đường Phạm Hùng (Hà Nội).
Ngoài ra, dự án PetroVietnam Landmark đã bán hết 141/141 căn hộ và số tiền còn phải thu của khách hàng khoảng 40 tỷ đồng.
Có lẽ kỳ vọng rõ ràng nhất đối với PVL lúc này là sự lột xác về quản trị để giải quyết những dự án dở dang, đem lại bộ mặt đẹp hơn cho Doanh nghiệp khi Ban lãnh đạo xuất hiện những nhân tố mới. ĐHCĐ đã thông qua việc đổi tên công ty (giữ nguyên mã chứng khoán) như một động thái để chuẩn bị cho điều này.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Sudico tại đây cũng đang khiến cho nhiều người kỳ vọng về một cuộc thâu tóm như nhiều vụ đã xảy ra trong thời gian qua.
Trí Thức Trẻ