Phó Chủ tịch tỉnh đi xe Lexus: Chưa được công nhận là Đại biểu Quốc hội?
Theo ông Lê Văn Cuông, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang chưa được xác nhận tư cách đại biểu thì chưa công nhận là Đại biểu Quốc hội được.
- 14-06-2016Cấp biển xanh cho Lexus ở Hậu Giang là vi phạm pháp luật
- 12-06-2016Vụ Lexus biển xanh: Những bất thường trong điều chuyển nhân sự
- 11-06-2016Từ chuyện xe tư nhân gắn biển số xanh: Đặc quyền đang được thừa nhận?
- 10-06-2016Người cho Phó Chủ tịch Hậu Giang mượn xe Lexus gắn biển xanh là ai?
- 09-06-2016Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra vụ xe Lexus biển số xanh
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XII - người nổi tiếng với những ý kiến thẳng thắn trên nghị trường, bày tỏ quan điểm khi trả lời chúng tôi liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang đi xe Lexus trị giá hàng tỷ đồng được gắn biển số xanh.
Tổng Bí thư yêu cầu thì chắn chắn sẽ làm rõ
- Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Văn Cuông: Vừa qua Tổng Bí thư có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội, trong đó nêu rất rõ vấn đề cán bộ. Dư luận đánh giá rất cao.
Việc Tổng Bí thư cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí phản ánh liên quan đến một lãnh đạo tỉnh cho thấy lời nói đi đôi với việc làm. Sự chỉ đạo kịp thời đó như “phát súng lệnh” cho toàn Đảng, toàn dân tập trung hành động, chứ lâu nay ta nói và đề cập nhiều rồi nhưng hành động chưa mạnh nên ảnh hưởng lòng tin của dân. Tổng Bí thư yêu cầu việc này “cần làm ngay” thì rất được lòng dân. Tôi rất đồng tình và hoan nghênh.
Tổng Bí thư chỉ đạo thì các cơ quan chức năng chắc chắn vào cuộc quyết liệt và làm rõ một cách khách quan, công tâm để nêu được hết các khía cạnh về vị lãnh đạo địa phương mà dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn.
Biển xanh, biển trắng cũng là vấn đề mang tính kỹ thuật thôi, còn thực ra vấn đề là về tư cách, quá trình công tác, việc đề bạt cất nhắc cán bộ. Lãnh đạo công ty gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, trách nhiệm cá nhân chưa làm rõ mà đề bạt lên cao hơn rất nhanh, luân chuyển và vào Quốc hội là không bình thường.
PV: Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng cho thấy công tác cán bộ sẽ được “siết” hơn, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Công tác cán bộ là khâu vẫn còn vấn đề đáng quan tâm về chất lượng đội ngũ cán bộ, quy trình bổ nhiệm, luân chuyển. Cán bộ là khâu then chốt nhưng Đảng cũng chỉ rõ là còn bộ phận tiêu cực. Qua thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư sẽ thấy được nhiều điều.
Vụ việc cụ thể ngoài liên quan cá nhân thì cũng có cơ sở cho thấy những sơ hở, khiếm khuyết, tạo kinh nghiệm thực tiễn để từ đó có giải pháp chấn chỉnh, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để công tác cán bộ đáp ứng sự nghiệp cách mạng, đáp ứng thực tế và yêu cầu của nhân dân.
Chưa đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội
PV: Tại cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử với số phiếu cao. Điều này đặt ra câu hỏi về quy trình giới thiệu, hiệp thương để giới thiệu người ứng cử?
Ông Lê Văn Cuông: Ta nói hiệp thương là cơ sở để xem xét, giới thiệu chuẩn xác nhưng thực tế cho thấy vẫn có người không đủ tiêu chuẩn “lọt lưới”. Có đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, bị truy tố một phần do sự lựa chọn chưa chuẩn xác, chưa kỹ càng.
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh cũng thế thôi, số phiếu cao nhưng lại rất tai tiếng, buộc hơn 10 cơ quan của Trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Tổng Bí thư phải vào cuộc làm rõ.
- Dù đạt phiếu trúng cử song những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một đại biểu sẽ phải được đưa ra đối chiếu để quyết định ông Thanh có trở thành đại biểu Quốc hội hay không, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Luật quy định rồi, sau khi công bố đại biểu trúng cử, nếu có đơn khiếu nại, tố cáo thì Hội đồng Bầu cử quốc gia phải vào cuộc và trong thời gian một tháng phải làm rõ vấn đề, trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới phải báo cáo kết quả kiểm tra tư cách để quyết định người đó có trở thành đại biểu Quốc hội hay không.
Số phiếu là kết quả bầu cử chứ anh chưa phải là đại biểu Quốc hội vì cần có ý kiến cuối cùng về xác định tư cách đại biểu. Việc này chắc chắn được thực hiện vì sắp khai mạc kỳ họp thứ nhất (dự kiến 20/7) và liên quan đến chỉ đạo của Tổng Bí thư về kiểm tra, xác minh thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh nên các cơ quan phải khẩn trương vào cuộc. Chưa có kết quả xác định tư cách đại biểu thì làm sao công nhận là đại biểu Quốc hội được.
- Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho dân, phải tạo được uy tín với cử tri. Ông suy nghĩ như thế nào qua những thông tin liên quan tới vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang?
Ông Lê Văn Cuông: Tôi có nhận thức là uy tín Đại biểu Quốc hội rất quan trọng, có thể nói cử tri nhìn người mà họ tin tưởng ủy quyền là người gương mẫu. Nhưng vấn đề tài sản xe cộ của ông Thanh liên quan đến phẩm chất trung thực quy định trong tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội.
Chưa nói đến vấn đề khác mà ngay câu chuyện đeo biển số xanh cho xe cá nhân đã là không tuân thủ quy định pháp luật mà theo lợi ích cá nhân, là chưa đảm bảo tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội rồi. Người dân bình thường còn không chấp nhận được nữa là gắn với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
-Xin cảm ơn ông!./.
VOV