MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch UBCK: “Sẽ có nhiều CTCK bị gạt khỏi cuộc chơi mới”

Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, theo ước tính, trong giai đoạn này chỉ có khoảng 15 công ty chứng khoán đáp ứng được điều kiện để tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh.

Việc triển khai vận hành thị trường chứng khoán phái sinh đã đi vào giai đoạn nước rút. Chỉ 1 tháng nữa, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội dự kiến sẽ ban hành hệ thống quy chế, quy trình nghiệp vụ có liên quan. Đồng thời, Sở cũng sẽ công bố thiết kế sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số dựa trên các chỉ số thị trường và Hợp đồng tương lai Trái phiếu chính phủ.

Đặc biệt, thời gian Test hệ thống giao dịch CKPS giữa HNX và các CTCK dự kiến diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 12/2016. Việc hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ và xem xét chấp thuận thành viên giao dịch CKPS dự kiến diễn ra trong tháng 12/2016.

Với kế hoạch triển khai như trên, các CTCK có nhu cầu tham gia làm thành viên TTCKPS cần có kế hoạch để nhanh chóng tăng vốn (nếu cần); triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thanh toán và giao dịch; chuẩn bị các điều kiện về nhân sự cũng như tổ chức đào tạo và tuyên truyền cho nhà đầu tư của mình.

Chia sẻ bên lề Hội nghị thành viên 2016, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước cho biết, theo ước tính, trong giai đoạn này chỉ có khoảng 15 công ty chứng khoán đáp ứng được điều kiện để tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh.

Điều này rõ ràng đã tạo ra một sự “phân cấp” sâu hơn nữa giữa các CTCK mặc dù hiện tại, sự phân cấp đã ngày càng trở nên sâu sắc. Đối với các CTCK lớn, tiêu chí về vốn không phải là vấn đề, nhưng với các CTCK nhỏ, muốn tham gia sẽ buộc phải tăng vốn. Và đây là một thách thức không nhỏ.

Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch HĐQT của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nói:

“Cần phải hiểu là ngay trong đề án ban đầu khi xây dựng TTCKPS, cũng muốn thị trường này phát triển có lộ trình và đặt tiêu chí an toàn lên đầu.”

Vì vậy, năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết. Ông Long cho rằng, các CTCK nhỏ có thể tăng vốn, có thể hợp nhất, sáp nhập với nhau hoặc tìm đối tác chiến lược để bán vốn.

Ngoài ra, việc đề ra các tiêu chí cao khi tham gia TTCKPS không chỉ phân lớp CTCK mà còn phân lớp nhà đầu tư. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn mới có thể tham gia vào thị trường tài chính phức tạp hơn và sử dụng những công cụ đầu tư tiên tiến hơn hiện tại.

Như vậy có thể thấy, việc xây dựng khung pháp lý mới, triển khai các sản phẩm mới cho thị trường sẽ tiếp tục tạo nên một cuộc tái cơ cấu đối với các thành viên là CTCK.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, thực hiện theo đề án tái cấu trúc các CTCK đề ra từ năm 2012, đến nay đã giảm được 30% số lượng CTCK. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là sự chuyển đổi của chính các CTCK về nhận thức, quản trị rủi ro và cách thức vận hành. Thời gian tới UBCK tiếp tục tái cấu trúc CTCK, nâng cao hiệu quả QTRR và tiếp tục giảm số lượng CTCK.

Mới đây, UBCK đã lấy ý kiến thị trường sửa đổi Thông tư 26 quy định về quy chế an toàn tài chính. Tinh thần chung của dự thảo sửa đổi TT26 vẫn là siết chặt hoạt động của các CTCK để đảm bảo an toàn hệ thống, thậm chí có những CTCK theo dự thảo nếu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt có thể bị đình chỉ ngay các nghiệp vụ môi giới.

“Hiện còn 76 CTCK hoạt động nhưng vẫn còn hơn 20 CTCK yếu kém. Với những khung pháp lý mới, những CTCK không đáp ứng được sẽ bị gạt khỏi cuộc chơi này.” – Phó Chủ tịch UBCK kết luận.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên