MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Chủ tịch VCCI: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong "giai đoạn vàng" để phát huy vai trò kênh dẫn vốn

Phó Chủ tịch VCCI: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong "giai đoạn vàng" để phát huy vai trò kênh dẫn vốn

"Chúng tôi tổng kết lại và gọi đó là hiện tượng 4D gồm: Điều chỉnh của thị trường, Đầu cơ tương đối nhiều, Đòn bẩy tài chính cao; Tâm lý đám đông. 4D này khá khớp với hiện tượng đang quan sát được tại thị trường chứng khoán Việt Nam", TS Cấn Văn Lực cho hay.

Việt Nam vừa trải qua giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID toàn cầu và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Đây là giai đoạn thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình để mang đến cơ hội vốn cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm và nâng cao thu nhập, hiệu suất sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán biến động mạnh đã tác động lớn tới việc đầu tư tài chính của các cá nhân,tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay.

Phó Chủ tịch VCCI: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để phát huy vai trò kênh dẫn vốn - Ảnh 1.

Toạ đàm ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH 2022 - CHUYÊN ĐỀ II: CƠ HỘI TRONG BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

"Giai đoạn vàng" phát huy vai trò kênh dẫn vốn

Phát biểu trong buổi tọa đàm ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH 2022 - CHUYÊN ĐỀ II: CƠ HỘI TRONG BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/6, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nửa năm 2022 đã đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam, và cả những biến động trên thị trường chứng khoán.

"Riêng với thị trường chứng khoán, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên thị trường đã bộc lộ. Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả", Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Đồng thời cho biết, thực tế các vụ việc vừa qua cho thấy, một số tổ chức, cá nhân có những vi phạm, pháp luật như bắt tay nhau thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián không công bố, tác động đến giá chứng khoán để trục lợi… Việc cơ quan chức năng vào cuộc không chỉ để xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường. Niềm tin đó của nhà đầu tư nước ngoài, hướng phục hồi mạnh là sự ủng hộ của thị trường đối với những giải pháp, bước đi quyết liệt của Chính phủ trong chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và bền vững.

"Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi", Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để phát huy vai trò kênh dẫn vốn - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong rất nhiều cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, Thủ tướng luôn nhấn mạnh định hướng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Thủ tướng cũng nêu rõ thông điệp làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế.

Cùng với định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc của các đầu mối chức năng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và ngay cả trong nước đang dần mở rộng sự đồng hành trên thị trường này. Và trong số nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị về thị trường vốn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, một giải pháp rất quan trọng là khẩn trương ban hành các quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của thị trường trái phiếu tập trung; xa hơn, là hoàn thiện, nâng cấp để tiến tới đạt mục tiêu nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi theo chuẩn MSCI.

"Trong môi trường có xu hướng lành mạnh hơn, minh bạch hơn với quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước như vậy, thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng có cơ sở để kỳ vọng phát triển bền vững. Và ở đó, các doanh nghiệp tốt chứng minh được uy tín và năng lực sẽ tự tin gọi vốn mà không nhất thiết phải sẵn có nhiều tài sản đảm bảo; nhà đầu tư được nắm bắt các cơ hội và được bảo vệ tốt hơn, bên cạnh năng lực sàng lọc và quản trị rủi ro của chính họ", ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Thị trường đang theo hiện tượng 4D, song "trong nguy có cơ"

Cũng tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, về tình hình thế giới, bức tranh phục hồi năm 2021 rất tốt, tuy nhiên năm nay đã khó khăn hơn nhiều và tiếp tục không đồng đều. Năm trước, Việt Nam có vẻ như đã lỡ nhịp khi tăng trưởng của thế giới ở mức 5,7%, còn Việt Nam lại ở mức thấp nhất chỉ đạt 2,58%. Tuy nhiên năm nay, ông Lực kỳ vọng Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn so với các nước trong khu vực. Riêng về lạm phát thời gian gần đây, chủ yếu là do giá cả và đứt gãy chuỗi cung ứng, kết hợp với tình hình chiến sự khiến cho giá cả nhất là xăng dầu tăng mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để phát huy vai trò kênh dẫn vốn - Ảnh 3.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Xét riêng về diễn biến thị trường chứng khoán, một điểm băn khoăn lớn việc các chỉ số đã, đang điều chỉnh và giảm điểm tương đối mạnh từ đầu năm. Giá cổ phiếu của một số ngành phục hồi còn chậm, giá cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thậm chí đã giảm trong những tháng đầu năm, cho thấy mức độ băn khoăn của nhà đầu tư đối với lĩnh vực này ngày càng lớn. Ông Lực kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và việc lành mạnh hóa thì thị trường sẽ tốt lên.

Vị chuyên gia chia sẻ thêm, về cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán, trong khó khăn thách thức vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn. Cùng với đó, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được UBCKNN bổ sung đa dạng hóa. Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay vẫn có thể tăng từ 20 - 25%, chỉ thấp hơn mức 30 - 33% của năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn tích cực.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua các thách thức cần lưu tâm trên thị trường, như các rủi ro từ bên ngoài, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán hay câu chuyện cho vay ký quỹ, cùng các chính sách lành mạnh hóa của cơ quan quản lý....

"Chúng tôi tổng kết lại và gọi đó là hiện tượng 4D gồm: Điều chỉnh của thị trường, Đầu cơ tương đối nhiều, Đòn bẩy tài chính cao; Tâm lý đám đông. Hiệnnt 4D này khá khớp với hiện tượng đang quan sát được tại thị trường chứng khoán Việt Nam", vị chuyên gia cho hay.

Về triển vọng các kênh đầu tư dài hạn, ông Lực dẫn nghiên cứu của Dragon Capital, cho rằng đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh tương đối tích cực, sau đó đến bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và đô la Mỹ.

Song, ông Lực muốn khuyến nghị rằng, vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trên thị trường, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro để có chiến lược phù hợp, đồng thời tiếp cận theo hướng đa dạng hóa hơn, đòn bẩy tài chính hợp lý hơn, hạn chế tâm lý đám đông và tích lũy thêm kiến thức kinh nghiệm...

Chứng khoán đang chịu tác động từ thị trường quốc tế hơn là kinh tế vĩ mô Việt Nam, nhà đầu tư

Cũng tại tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị tác động mạnh bởi việc FED tăng lãi suất hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Hai ngày sau khi Fed tăng lãi suất, chỉ số Down Jone giảm mạnh xuống mức 29.889 từ mức 36.585 vào ngày đầu năm, giảm khoảng 14%, gây ra tâm lý nghi ngại trên toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Lạm phát cũng được dự báo sẽ giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên chỉ số VN Index giảm khoảng 20% từ đầu năm, và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22/6, khoảng 1 tuần sau động thái tăng lãi suất trên của FED.

Theo ông Hiếu, thực tế thì TTCK Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, do đó sẽ chịu nhiều tác động bởi những nhà đầu tư tới từ nước ngoài. Khi FED tăng lãi suất khiến các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn, từ đó đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên thị trường Việt Nam rút tiền đầu tư để quay trở về với TTCK Mỹ với lợi suất cao hơn và an toàn hơn. Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường.

Hơn nữa, vị chuyên gia này cũng cho biết TTCK Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Khi các thị trường lớn đi vào trạng thái "bearish" - thị trường con gấu với xu hướng giảm - thì TTCK Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ.

Lời khuyên của ông Hiếu cho các nhà đầu tư là đây là lúc nên chọn "ngủ yên" hơn là "ăn ngon" với những chiến lược đầu tư mang tính bảo thủ và phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Nhà đầu tư nên đi tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định. Cuối cùng, nhà đầu tư cần phải có điểm cắt lỗ và chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng.

https://cafef.vn/pho-chu-tich-vcci-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-dang-trong-giai-doan-vang-de-phat-huy-vai-tro-kenh-dan-von-20220629160858472.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên