MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam nói gì về vụ Boeing 737 MAX?

12-03-2019 - 20:44 PM | Xã hội

Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường ngày 12-3 cho biết nhà sản xuất hiện vẫn chưa gửi hồ sơ xin chứng chỉ loại Boeing 737 MAX tới cơ quan quản lý này của Việt Nam.

Dù giới chuyên gia thận trọng cho rằng vẫn còn quá sớm để rút ra bất kỳ kết luận gì về lý do chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu ET 302 của hãnghàng không Ethiopian Airlines rơi hôm 10-3, song một số nơi đã tạm ngừng bay Boeing 737 MAX 8 sau khi chỉ trong vòng 5 tháng đã có tới 2 vụ tai nạn máy bay liên quan đến dòng máy bay này. 

Ngoài Ethiopian Airlines, Trung Quốc yêu cầu các hãng hàng không trong nước tạm ngưng hoạt động của toàn bộ 96 máy bay Boeing 737 MAX 8, còn Ủy ban An toàn giao thông Indonesia khẳng định sẽ thảo luận về khả năng yêu cầu các hãng trong nước ngừng khai thác, Hàn Quốc bắt đầu đợt kiểm tra đặc biệt đối với máy bay nêu trên...

 Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam nói gì về vụ Boeing 737 MAX?  - Ảnh 1.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Trao đổi với báo chí ngày 12-3, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), khẳng định hiện nay Việt Nam chưa có hãng hàng không nào khai thác máy bay Boeing 737 MAX. Trước đây, đã từng có hãng thuê máy bay Boeing 737-300 thuộc dòng 737 Classic với cả 2 hình thức thuê ướt (bao gồm tất cả các dịch vụ đi kèm như bảo hiểm, phi hành đoàn, kỹ thuật mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng hay các trang thiết bị hỗ trợ) và thuê khô (chỉ thuê máy bay). HKVN hiện có khai thác các dòng khác của Boeing 767, 777, hiện nay là 787…

Trước câu hỏi về việc xem xét cấp chứng chỉ loại cho máy bay Boeing 737 Max để đưa vào khai thác trong khi Vietjet đã ký hợp đồng đặt mua 200 chiếc Boeing 737 MAX, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ về vào tháng 10 năm nay; Bamboo Airways trước đó cũng đã tiết lộ "nghiên cứu bổ sung 25 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, ông Võ Huy Cường cho biết các hãng HKVN muốn đưa máy bay vào khai thác phải được Cục HKVN cấp chứng chỉ loại. "Nhà sản xuất hiện vẫn chưa gửi hồ sơ xin chứng chỉ loại Boeing 737 MAX tới Cục HKVN, nhưng công tác chuẩn bị đã bắt đầu được triển khai" - ông Cường cho biết.

Hãng hàng không Vietjet có kế hoạch mua máy bay, đã báo cáo Cục HKVN về kế hoạch đưa máy bay vào khai thác, nên công tác chuẩn bị được Cục HKVN tiến hành. Cụ thể, để chuẩn bị về nguồn nhân lực, cục đã giao cán bộ tìm hiểu về dòng máy bay Boeing 737 Max để sau này phục vụ cho việc đánh giá cấp chứng chỉ loại cho máy bay này; đồng thời để kiểm tra giám sát sau này, khi hãng đưa máy bay vào khai thác.

Ông Cường cũng khẳng định không phải Cục HKVN dừng xem xét cấp chứng chỉ loại máy bay này. "Cục HKVN sẽ theo sát những diễn biến của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, của nhà chức trách hàng không châu Âu và nhiều nhà chức trách hàng không, khi họ có những quan điểm, nhận xét, đánh giá, kết luận cụ thể về việc khai thác dòng tàu bay Boeing 737 MAX. Có rất nhiều kênh thông tin, dữ liệu luôn cập nhật" - ông Cường nêu rõ.

Ông Võ Huy Cường cũng cho biết Cục HKVN đã trao đổi với Vietjet về việc này, vì Cục HKVN là cơ quan đầu mối về an toàn khai thác máy bay, sau này cũng là cơ quan thay mặt cho Bộ GTVT, Chính phủ thực hiện quy trình công nhận chứng chỉ loại máy bay. Cục cũng có những mối liên hệ trực tiếp với Cục Hàng không Liên bang Mỹ và nhà sản xuất Boeing để có những thông tin cập nhật.

Đến nay, Cục Hàng không Liên bang Mỹ chưa có một bằng chứng nào nói rằng 2 vụ tai nạn ở Indonesia và Etiopia là giống nhau. Tất cả các loại máy bay Boeing 737 MAX đang khai thác đều an toàn, chưa có chỉ dẫn gì dừng khai thác dòng máy bay này. Hiện ở Mỹ có 74 chiếc đang khai thác, trong đó Southwest Airlines có tới 34 chiếc.

Theo cục phó hàng không, việc một số nước dừng khai thác, đó là quyền của nhà chức trách nơi đăng ký quốc tịch máy bay, khi chưa có thông tin cụ thể nào thỏa mãn vấn đề họ đặt ra, họ có thể dừng. "Việt Nam cũng thế, trong những tình huống đánh giá không an toàn, ta chấp nhận ra quyết định dừng. Nhà quản lý bao giờ cũng phải cẩn trọng, đặc biệt vấn đề quản lý an toàn liên quan đến sinh mệnh hành khách; tàu bay; cơ sở và người dưới mặt đất trong trường hợp tai nạn xảy ra. Do đó, phải đánh giá hết sức cẩn trọng, nếu không tin tưởng an toàn hoặc có bằng chứng rõ ràng là sẽ liên tục xảy ra thì buộc phải dừng. Không ai có thể hy sinh tính mạnh con người vì lý do thương mại" - ông Cường nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục HKVN khẳng định việc đưa ra quyết định dựa trên thông tin chính thức khẳng định của các nhà chức trách hàng không nơi chế tạo máy bay hoặc của các nơi khai thác máy bay. Việc này phải trên cơ sở đánh giá an toàn chung, kiểm tra khách quan, toàn diện. Quá trình điều tra đang được tiến hành kỹ lưỡng, hiện khẳng định hai vụ tai nạn này không phải là nguyên nhân để cả đội máy bay phải dừng khai thác.

Hiện nay có 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất cung cấp phần lớn máy bay cho hàng không dân dụng là Airbus và Boeing. Trong quá trình chế tạo các loại máy bay trong giai đoạn đầu thường có các sự cố. Khi đó, các nhà chức trách, nhà chế tạo, các đơn vị cung cấp trang thiết bị phụ tùng có liên quan… tham gia vào quá trình điều tra, xác định nguyên nhân gốc, từ việc thiết kế, chế tạo cho đến việc vận hành, khai thác, kể cả bảo dưỡng, để hoàn thiện sản phẩm, khắc phục các sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Các nước có các công ty chế tạo máy bay thường thành lập một ủy ban về điều tra tai nạn.

Đối với Boeing, nhà chức trách Nhật Bản trước đây từng cho dừng bay 787 một thời gian ngắn vì sự cố để thẩm định, xác định nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục và sau đó lại khai thác bình thường. Có những máy bay quá trình khai thác rất lâu, rất an toàn song sau đó có sự cố cũng phải dừng khai thác để điều tra.

Tất cả sự cố nếu lặp lại ở nhiều tàu, có dấu hiệu mang tính hệ thống, cần phải kiểm tra kỹ hơn, sẽ quyết định dừng khai thác để kiểm tra toàn bộ.


Theo Bài-ảnh: Dương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên