MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Giám đốc BV Việt Đức: 3-5% dân số bị phình mạch não nhưng không phải ai cũng cần điều trị, duy trì lối sống lành mạnh rất quan trọng để tự "cứu mình"

28-08-2020 - 12:58 PM | Sống

Các bệnh lý về mạch não rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vì thế, hiểu biết về căn bệnh này rất quan trọng giúp người dân dự phòng và phát hiện bệnh kịp thời.

Não là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể con người. Não chỉ nặng khoảng 1,5kg nhưng được cấp máu nhiều gấp 10-20 lần so với các cơ quan khác. Mỗi phút có 1 lít máu được chuyển tới não, não tiêu thụ khoảng 20% oxi nạp vào cơ thể.

Phình mạch máu não là căn bệnh thường gặp ở những người cao tuổi và đôi khi là ở người trẻ tuổi do bẩm sinh, chấn thương hay do các khối u và các bệnh lý khác. Phình mạch máu não nếu không được điều trị, không chỉ gây ảnh hưởng đến nuôi dưỡng não, đến các bộ phận khác trên cơ thể mà còn có thể gây tử vong.

Trong chương trình Tư vấn trực tuyến Y học Việt Đức về chủ đề bệnh lý mạch não, PGS TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật thần kinh đã có những tư vấn cụ thể, chi tiết cho người dân về bệnh lý này.

Phó Giám đốc BV Việt Đức: 3-5% dân số bị phình mạch não nhưng không phải ai cũng cần điều trị, duy trì lối sống lành mạnh rất quan trọng để tự cứu mình - Ảnh 1.

PGS TS Đồng Văn Hệ trong buổi giao lưu trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình).

Theo PGS TS Đồng Văn Hệ, các phương pháp thăm dò hiện đại cho thấy, cứ 100 người sẽ có 3-5 người bị dị dạng mạch não. Các loại hay gặp là phình động mạch não, u máu, u máu thể 2, dò động tĩnh mạch…Nhưng dị dạng mạch máu não thông thường ít khi có triệu chứng. 

Khi những triệu chứng lâm sàng biểu hiện ra thì đã phát bệnh, các dị dạng đã phát triển,chèn ép đến các cơ quan bên cạnh, tạo ra các triệu chứng như sụp mi, méo miệng, liệt… thì chúng ta mới cần thiết phải gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác và cần thiết và kịp thời.

Đau đầu là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý trong đó có dị dạng mạch não. Có những bệnh dị dạng mạch não không có triệu chứng gì, có những bệnh cần phải điều trị trong thời gian dài…

Trong khi đó, bệnh lý phình động mạch não là mạch máu tại một vị trí bất kỳ bị phồng lên hình túi hoặc hình thoi. Phình động mạch có thể xảy ở mọi vị trí trên cơ thể, mọi mạch máu trong cơ thể. Phình mạch ở động mạch não gọi là phình động mạch não. Phình động mạch não sẽ nguy hiểm nếu vỡ, hoặc to chèn ép vào các cấu trúc giải phẫu xung quanh (chèn ép vào tổ chức xung quanh).

Bác sĩ Đồng Văn Hệ cho hay: "Phình động mạch não khá hay gặp, khoảng 3-5% dân số bị phình động mạch não, nhưng phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không có triệu chứng và không được chẩn đoán. Phình động mạch não gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em".

Theo ông, nguyên nhân bệnh phình động mạch não chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như: chấn thương, nhiễm trùng, huyết áp cao, hút thuốc, bệnh thận. Một số ít trường hợp phình động mạch não có yếu tố gia đình.

Phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não và người bệnh có nhiều biểu hiện như: đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều. Khối phình động mạch não lớn dù không vỡ có thể chèn ép gây một số triệu chứng như: đau đầu, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù…

Phó Giám đốc BV Việt Đức: 3-5% dân số bị phình mạch não nhưng không phải ai cũng cần điều trị, duy trì lối sống lành mạnh rất quan trọng để tự cứu mình - Ảnh 2.

Mạch máu bị vỡ có thể gây ra tình trạng đột quỵ xuất huyết. Nguồn ảnh: Vinmec.com

Hầu hết các trường hợp phình động mạch não nhỏ không gây triệu chứng gì và được chẩn đoán tình cờ khi chụp não. Để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sĩ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não.

Trả lời thắc mắc của rất nhiều người dân về nguy cơ của bệnh phình mạch não và khi nào cần điều trị, bác sĩ Đồng Văn Hệ cũng lưu ý: "Không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị. Bác sĩ sẽ điều trị phình mạch não nếu phình động mạch não bị vỡ, khối phình to chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn. Điều trị phình động mạch não có nhiều phương pháp, mổ kẹp túi phình hoặc can thiệp nút mạch".

Các bệnh nhân nghi ngờ bị dạng mạch não, phình mạch não phải trải qua nhiều bước kiểm tra, chẩn đoán hình ảnh để được chẩn đoán chuẩn nhất. Khi túi phình lớn hơn 5mm đường kính, túi phình nằm ở động mạch tiểu não, động mạch thân nền ở phía sau đầu thì sẽ dễ vỡ hơn. Với những người bị phình mạch não nhưng chưa có dấu hiệu vỡ, việc theo dõi tiến triển cũng rất quan trọng.

PGS TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh những điều cần chú ý như sau: "Người bệnh bị huyết áp cao, hút thuốc thì túi phình mạch não có nguy cơ vỡ cao hơn. Vì thế người bệnh cần phải kiểm soát huyết áp, bỏ hút thuốc, thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, rèn luyện sức khỏe... Vì chính lối sống hàng ngày là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ gặp tai biến mạch não. Đồng thời, người bệnh cũng cần kiểm tra định kỳ hàng năm tại các cơ sở y tế chuyên khoa".

Thiên An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên