Phó giám đốc Công an Bình Dương trả lời vụ tử vong sau khi bị 5 bệnh viện, phòng khám từ chối
Hành vi của các cơ sở y tế trên cùng các y - bác sĩ có liên quan đã vi phạm các quy định của Luật Khám chữa bệnh, quy chế tổ chức bệnh viện ban hành kèm theo quyết định của Bộ Y tế.
- 17-08-2021Bình Dương lên tiếng vụ tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận
- 17-08-2021Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong
Sáng 1-9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị thông tin công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã trả lời báo chí xung quanh việc bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 bệnh viện, phòng khám từ chối.
Toàn cảnh hội nghị báo chí do tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 1-9
Theo đại tá Trần Văn Chính, sau khi tiếp nhận thông tin, công an tỉnh đã vào cuộc xác minh để xử lý vụ việc. Bước đầu nhận thấy các cơ sở y tế liên quan trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm.
Trung tâm y tế TP Dĩ An chưa thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc tiếp nhận, thu dung, khám, cấp cứu điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh Cocid-19. Cụ thể là văn bản số 1681/SYT-NV ngày 26-7-2021 về tiếp nhận, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; văn bản số 1843/SYT -Thanh tra ngày 10-8-2021 về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương; văn bản số 1837/SYT -NV ngày 10-8-2021 về việc tiếp nhận, thu dung khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân giai đoạn dịch bệnh Covid-19
Các phòng khám Đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 và Bệnh viện An Phú không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin và tổ chức hướng dẫn cấp cứu, thăm khám điều trị các bệnh nhân là chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh ủy, UBND tỉnh, vi phạm khoản 1 điều 76 Luật Khám chữa bệnh .
Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng tiếp nhận ca bệnh cấp cứu nhưng cho rằng vượt quá phạm vi chuyên môn nên đã yêu cầu người nhà chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên, không lập hồ sơ bệnh án (do cơ sở báo không dùng thuốc trong quá trình cấp cứu), không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng (cơ sở báo xe cấp cứu đã được trưng dụng cho hoạt động phòng, chống dịch). Hành vi trên đã vi phạm các điều 32, điều 52, điều 54 Luật Khám chữa bệnh.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương trả lời báo chí sáng 1-9
Bệnh viện Quân Y 4 sau khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu đã không tổ chức cấp cứu, không lập hồ sơ bệnh án, không thực hiện giấy chuyển viện, chuyển tuyến theo quy định mà yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Hành vi vi phạm các quy định tại các điều điều 32, điều 52, điều 54 Luật Khám chữa bệnh.
Hành vi của các cơ sở y tế trên cùng các y - bác sĩ có liên quan đã vi phạm các quy định của Luật Khám chữa bệnh, quy chế tổ chức bệnh viện ban hành kèm theo quyết định của Bộ Y tế. Xét thấy cần phải được làm rõ, xử lý nghiêm khắc.
Riêng phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân Y 4 cần tập trung làm rõ dấu hiệu của tội phạm: Không cứu giúp người đang ở trong trình trạng nguy hiểm đến tính mạng, được quy định tại điều 132 Bộ luật Hình sự, cần tập trung điều tra, xử lý vì gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh
Như Báo người Lao Động đã thông tin, trước đó, người nhà ông D. (57 tuổi, quê ở Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, Bình Dương) phản ánh sau khi đi nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị từ chối, ông D.đã mất vào sáng 14-8.
Theo lời bà P., con gái của ông D., khoảng 20 giờ ngày 13-8, ông D. bị nôn, ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được nên người này sau đó được hàng xóm hỗ trợ chở đi cấp cứu. Điểm đầu tiên ông D. đến là Trung tâm y tế TP Dĩ An nhưng nơi này không nhận vì đang điều trị bệnh nhân Covid-19 .
Sau đó bà P. tiếp tục đưa ông D. đến Phòng khám Ngọc Hồng nhưng nơi này cũng không nhận. Mọi người tiếp tục chuyển ông D. đến Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và cuối cùng là Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh và cũng không một nơi nào tiếp nhận với lý do các bác sĩ đi chống dịch Covid-19 và không đủ trang thiết bị để cấp cứu.
Đáng nói, tại điểm đến thứ 2 là phòng khám Ngọc Hồng, trước khi cho ông D. và chị P. vào cấp cứu, nơi đây bắt buộc phải vào test Covid-19. Ông D. và chị P. phải trả 700.000 đồng để test nhanh nhưng sau đó bác sĩ không nhận và chỉ đi bệnh viện khác.
Đến khoảng gần 1 giờ sáng ngày 14-8, khi không nơi nào chịu nhận, mọi người đành phải cắn răng đưa ông D. về phòng trọ. Đến khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, ông D. trút hơi thở cuối cùng.
Trước đó sau khi có thông tin nhiều bệnh viện, phòng khám từ chối tiếp nhận bệnh nhân, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận cấp cứu các bệnh nhân.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nghiêm túc thực hiện đúng thời gian đã đăng ký hoạt động. Nếu cơ sở y tế nào không tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh vi phạm y đức, không tiếp nhận các bệnh nhân khi được chuyển đến để xảy ra trường hợp tử vong thì xử lý theo quy định, nếu cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Người lao động