Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La khai "nâng điểm do lãnh đạo gửi gắm"
Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La khai đã nâng điểm thi cho 13 thí sinh, trong đó cấp trên trực tiếp nhờ ông nâng điểm thi cho 8 thí sinh.
- 29-05-2019Vụ gian lận điểm thi THPT ở Sơn La: "Bí ẩn" thí sinh N.H.P.
- 29-05-2019Bị triệu tập liên quan đến gian lận điểm thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La thừa nhận sai rồi lại thay đổi lời khai
- 27-05-2019Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Cần làm rõ thông tin "giá" chạy điểm 1 tỉ đồng
Nâng điểm vì được nhờ cậy
Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 người trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại địa phương này.
Theo kết luận điều tra, ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La đã nâng điểm thi cho 13 thí sinh. "Đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả", ông Yến nói.
Đáng chú ý, trong số 13 thí sinh này, có 8 trường hợp do chính Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức "gửi gắm".
Ông Yến cho rằng, ngày 28.6.2018, ông Đức đã gọi điện cho ông Yến đến phòng làm việc của ông Đức. Tại đây, ông Đức đưa cho thuộc cấp của mình 2 tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng". Và ông Yến phải làm theo.
Một số cán bộ cấu kết lấy khóa phách để nâng điểm môn Ngữ văn
Cũng theo kết luận điều tra, từ ngày 29.6.2918 đến 4.7.2018, các bị can mở phòng lấy bài thi trắc nghiệm mang ra ngoài chỉnh sửa để nâng điểm theo nguyện vọng của 44 thí sinh.
Đối với bài thi môn Ngữ văn, một số bị can cấu kết lấy khóa phách rồi cung cấp cho thành viên ban thư ký và tổ chấm tự luận thực hiện việc nâng điểm.
Nhiều cán bộ của Sở GDĐT Sơn La đã bị khởi tố vì có hành vi sửa bài, nâng điểm cho hàng chục thí sinh. Ảnh: Công an cung cấp.
Căn cứ khai nhận của các bị can và các tài liệu thu thập được, xác định trong số 44 thí sinh được nhờ tác động nâng điểm, có 36 thí sinh có tham dự thi môn Ngữ văn. Sau khi tổ công tác của Bộ GDĐT chấm thẩm định ngẫu nhiên 110 bài thi môn Ngữ văn, trong đó có 11/36 thí sinh được chấm thẩm định, cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị Bộ GDĐT tiếp tục chấm thẩm định đối với bài thi Ngữ văn của 24/36 trường hợp..
Kết quả có 11/36 thí sinh bị hạ điểm môn Ngữ văn, trong đó có 9 thí sinh bị hạ điểm so với điểm trên bài thi và điểm công bố gồm: thí sinh L.T.T (bị hạ 0,5 điểm); N.L.B.N (bị hạ 1,25 điểm); N.Đ.A (bị hạ 3 điểm); L.V.T (bị hạ 0,5 điểm); N.H.P (bị hạ 2.75 điểm); N.Y.K (bị hạ 1,25 điểm); L.V.H (bị hạ 4,5 điểm); Đ.V.Q (bị hạ 1,5 điểm); D.H.T (bị hạ 1,75 điểm).
Có 4 thí sinh bị hạ điểm, do có sự chênh lệch giữa điểm trên bài thi với điểm công bố, điểm trên phiếu chấm thi (có dấu hiệu bị thay phiếu chấm thi để nâng điểm), gồm N.T.A (bị hạ 1 điểm); N.T.Đ (bị hạ 1,5 điểm); Đ.T.L (bị hạ 2 điểm); N.D.P (bị hạ 3 điểm).
Như vậy, đến nay, cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 6 thí sinh được các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Nguyễn Thanh Nhàn, Lò Văn Huynh tác động nâng điểm môn Ngữ văn cho các thí sinh.
8 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GDĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GDĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên Đội phó Đội Giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ).
Lao động