MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân: “Ngân hàng còn lo hơn cả doanh nghiệp bất động sản"

17-02-2023 - 13:54 PM | Bất động sản

Đó là nhận định của GS. TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Tại hội nghị, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định về đóng góp quan trọng của thị trường bất động sản vào tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, theo ông Cường, khi thị trường bất động sản bị ngưng trệ, sẽ kéo theo hàng loạt các hoạt động kinh tế bị đình trệ theo sẽ là nguy cơ gây đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, bất động sản còn là một kênh hấp thụ và chiếm giữ vốn rất lớn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bất động sản hiện đang chiếm khoảng 21,2% tổng dự nợ tín dụng. Cộng thêm với dự nợ trái phiếu doanh nghiệp mà các doanh nghiệp địa ốc đã phát hành thì tổng dự nợ bất động sản hiện đang bằng khoảng 36% GDP, tương đương với tỷ lệ dư nợ bất động sản trên GDP năm 2012 cũng khoảng 36-40% GDP.

Theo ông Cường, các ngân hàng còn lo hơn cả doanh nghiệp bất động sản vì tiền vốn ngân hàng cho vay đang nằm ở các dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm để bán.

Nếu thị trường bất động sản bị sụp đổ, không chỉ làm các doanh nghiệp địa ốc phá sản mà kéo theo hàng loạt các ngành nghề và hoạt động kinh tế đình trệ. Tất yếu sẽ kéo theo đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái kinh tế và cuốn theo cả hệ thống tài chính mất thanh khoản. Hệ lụy sau đó sẽ đưa nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, mất lòng tin.

Nhìn nhận lại về khó khăn của thị trường địa ốc, ông Cường cho rằng, giai đoạn hiện tại hoàn toàn khác so với tình trạng của thị trường bất động sản năm 2010-2012. Giai đoạn hơn 10 năm trước, thị trường tồn kho do thừa cung bất động sản nên giá giảm rất sâu nhưng hàng hóa vẫn không bán được. Trái lại, hiện nay, thị trường đình trệ nhưng giá các loại có thể đưa vào sử dụng ngay như căn hộ chung cư giá vẫn tăng, và trên thị trường không có hàng bán do lượng cung ở hầu khắp các phân khúc đều sụt giảm mạnh.

Ông Cường chỉ ra, thị trường đình trệ do thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở, trong khi cầu về nhà ở vẫn có. Còn thị trường bất động sản công nghiệp vẫn phát triển tốt, các luồng thu hút đầu tư đang tăng, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mở rộng nên dự báo cầu BĐS sẽ sớm phục hồi và tăng nhanh.

Theo ông Cường, việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc của thị trường bất động sản không chỉ là giải cứu bất động sản mà đó chính là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Đây còn là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án bất động sản dở dang.

Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh thêm, nếu được tháo gỡ các nút thắt để tái lập nguồn cung thì thanh khoản của thị trường sẽ hồi phục trở lại. Như vậy, các nguồn lực bỏ ra để giải quyết các nút thắt của bất động sản sẽ nhanh chóng được hoàn trả.

“Giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản hiện nay được nhìn nhận rõ ràng hơn, mức độ rủi ro ít hơn nếu can thiệp kịp thời, nhưng nếu can thiệp quá muộn, hoặc Nhà nước không can thiệp sẽ sinh ra hiệu ứng domino sẽ là nguy cơ đổ vỡ cả nền kinh tế”, ông Cường nói.

Triệu Vương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên