MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó TGĐ KPMG: “Những rung lắc của thị trường lúc này là bình thường, tôi khẳng định Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài”

17-11-2022 - 07:50 AM | Doanh nghiệp

Phó TGĐ KPMG: “Những rung lắc của thị trường lúc này là bình thường, tôi khẳng định Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài”

“Ở một số nước ví dụ như Nhật Bản, lãi suất vẫn đang giữ ở mức gần như bằng 0 cho nên cơ hội làm ăn ở đó chưa sáng sủa như ở Việt Nam. Sau covid 19, chúng tôi vẫn nhận thấy sự quan tâm rất lớn của NĐT nước ngoài tới thị trường Việt Nam.” - Ông Nguyễn Công Ái nói.

Sáng thứ 6 tuần trước, Phó TGĐ KPMG Nguyễn Công Ái tham gia cùng các đơn vị khác trong buổi gặp gỡ với 50 doanh nghiệp Singapore sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều biến động, với kinh nghiệm làm việc lâu năm cùng nhà đầu tư nước ngoài ông Nguyễn Công Ái khẳng định cách NĐT nước ngoài nhìn nhận “rất khác biệt” với góc nhìn của một số doanh nghiệp về những “cú sốc” trên thị trường tài chính lúc này.

Phó TGĐ KPMG: “Những rung lắc của thị trường lúc này là bình thường, tôi khẳng định Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài” - Ảnh 1.

Chúng ta đang chứng kiến sự khó khăn trong huy động vốn từ các kênh chủ đạo như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp tuyên bố thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, với tư tưởng là phải sống sót trước khi có cơ hội. Để đưa ra lời khuyên cho một chủ doanh nghiệp lúc này, ông sẽ nói gì?

Xu hướng cẩn trọng, cố gắng tồn tại và tập trung vào việc tiết kiệm, không mở rộng sản xuất là xu hướng phổ biến trên thị trường lúc này. Nó không diễn ra trong một ngành mà ở nhiều ngành, đặc biệt là bất động sản.

Trong lúc kinh tế khó khăn, tôi cho rằng đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp, tăng cường quản trị và đào tạo cho nhân viên. Đó là những việc quan trọng mà họ chưa có thời gian để làm trong lúc đang phát triển nóng.

Còn nói về nguồn vốn, đúng là nguồn vốn từ ngân hàng, từ thị trường chứng khoán đều thiếu nhưng vẫn có những có nguồn vốn khác có thể đến khi mà Việt Nam vẫn thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sáng thứ 6 tuần trước, tôi tiếp một đoàn 50 doanh nhân từ Singapore sang tìm hiểu cơ hội làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này chứng tỏ vẫn có những cơ hội hợp tác với doanh nghiệp quốc tế.

Ở nước ngoài bây giờ, người ta cũng thiếu tiền. Sự khó khăn trong dòng tiền là khó khăn chung nhưng có thể thấy ở một số nước ví dụ như Nhật Bản, lãi suất vẫn đang giữ ở mức gần như bằng 0 cho nên cơ hội làm ăn ở đó chưa sáng sủa như ở Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, sau covid 19, chúng tôi vẫn nhận thấy sự quan tâm rất lớn của NĐT nước ngoài tới thị trường Việt Nam. Họ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển cho kinh tế nước ta.

Vậy lúc này phải là lúc tăng cường các vấn đề về quản trị, cách vận hành doanh nghiệp để làm sao mình trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp Việt cũng có thể hợp tác cùng nhau để vượt qua khó khăn.

Theo kinh nghiệm của ông, gu của các NĐT nước ngoài lúc này là ngành nào? Và doanh nghiệp có vị như thế nào thì hấp dẫn được họ?

Trong năm 2022 và 2023, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến doanh nghiệp có thương hiệu tốt, làm trong những ngành như bán lẻ, sản xuất hàng hóa tiêu dùng, tức là những ngành rất truyền thống. Họ cũng quan tâm đến những doanh nghiệp trong ngành sản xuất điện, nước – những ngành rất cơ bản với nền kinh tế.

Tôi thấy giá trị những thương vụ đã trở nên nhỏ hơn trước đây, tức là cơ hội được nhà đầu tư quan tâm lúc này không phải là cơ hội cho những doanh nghiệp lớn mà chính là cơ hội cho những DN có quy mô vừa phải nhưng có dự án tốt, có công trình tốt.

Ví dụ trong ngành điện, năng lượng tái tạo hay một số sản phẩm hàng tiêu dùng được nhiều người biết đến vẫn thu hút sự chú ý. Trong năm 2022 những thương vụ lớn nhất là những thương vụ trong ngành bán lẻ.

Ông có cho rằng đây là cơ hội cho những doanh nghiệp Việt có sẵn tiền đi thu mua tài nguyên giá rẻ từ doanh nghiệp khác hay không?

Tôi cho rằng ít. Tôi không phủ nhận việc những DN lớn còn sức mạnh của họ nhưng đợt khó khăn về nguồn vốn này không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Trước đây các doanh nghiệp lớn tham gia tích cực vào thị trường M&A, thì bây giờ cũng gặp khó khăn về nguồn tiền. Cho nên thị trường M&A trong năm tới có lẽ sẽ lại chuyển thành thị trường của khối ngoại.

Phó TGĐ KPMG: “Những rung lắc của thị trường lúc này là bình thường, tôi khẳng định Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài” - Ảnh 2.

Ông từng chia sẻ rằng, 3 xu hướng lớn quyết định sự phát triển của DN Việt là sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, xu hướng chuyển đổi số và xu hướng phát triển bền vững. Với 3 xu hướng này, DN Việt có thể nhìn nhận cơ hội nào trong các năm tới?

Nếu là một DN thực hiện thay đổi các hoạt động của bản thân để đáp ứng nhu cầu càng ngày càng khó hơn của khách hàng, phù hợp với xu hướng tăng trưởng của tầng lớp trung lưu thì họ sẽ thu hút được sự chú ý của NĐT nước ngoài, cũng như là thành công hơn trên thị trường trong thời gian tới.

Nếu DN ấy lại làm tốt việc số hóa, sử dụng các công cụ để hoạt động hiệu quả hơn thì cơ hội của họ càng tăng lên nữa. Đặc biệt bây giờ DN bắt buộc phải đi theo xu hướng phát triển bền vững. Xu hướng này không thể đảo ngược được. Trong khủng hoảng, chúng ta càng thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật, nâng cao trình độ quản trị và phát triển bền vững, suy nghĩ về trách nhiệm xã hội.

Những yếu tố ấy đóng góp cho sự thành công trong nước lẫn ngoài nước.

Tôi cho rằng 3 xu hướng này là chủ đạo cho nền kinh tế Việt Nam, không phải trong 1-2 năm tới mà thậm chí trong khoảng thời gian 5-10 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam kém hấp dẫn đi, sau khi các kênh huy động vốn bùng nổ rồi bị thắt chặt đột ngột, khiến thanh khoản trở thành vấn đề đau đầu với doanh nghiệp. Ông nghĩ sao?

Tôi khẳng định vẫn hấp dẫn vì cách NĐT nước ngoài nhìn nhận rất khác biệt với góc nhìn của một số doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường mà gặp cú sốc như trên.

Ở các nước khác, họ cũng trải qua các quá trình lên và xuống như vậy. Các cú sốc với nền kinh tế không chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà với Mỹ, Anh, châu Âu đều có hết. Đặc biệt, giá điện, gas tăng lên vùn vụt cũng là cú sốc với các DN sử dụng đầu vào là các nguyên liệu đó.

Ở Việt Nam, chúng ta đang trực tiếp trải qua điều này nên cảm thấy khủng khiếp nhưng với thị trường chung, nó là những rung lắc bình thường. Sau khi trải qua những rung lắc đó, thị trường sẽ phát triển tốt hơn, bền vững hơn khi mà mọi thứ đã đi vào khuôn khổ.

Cho nên NĐT nước ngoài nhìn nhận cơ hội vẫn có, và đầu tư vào Việt Nam là cơ hội hữu ích. Hơn nữa hãy nhìn những cột trụ của nền kinh tế Việt Nam không thay đổi.

Ví dụ, việc sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các ngành kinh tế mũi nhọn vẫn hoạt động tốt, xuất khẩu vẫn duy trì tốt. Tất nhiên là có gặp khó khăn nhưng các cột trụ còn tốt và đặc biệt thị trường tiêu dùng của 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam vẫn là thị trường thu hút sự chú ý của NĐT nước ngoài. Cho nên vấn đề là DN Việt Nam phải vượt qua thử thách này và vượt qua được thì thành công trong tương lai sẽ lớn hơn.

Phó TGĐ KPMG: “Những rung lắc của thị trường lúc này là bình thường, tôi khẳng định Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài” - Ảnh 3.

Ông có nhận định rằng thị trường M&A bây giờ thuộc về người mua. Trong quá trình tư vấn của KPMG giai đoạn này, có thương vụ nào mà người bán đang thắng thế thì bây giờ lợi thế thuộc về người mua hay không?

Thắng thế hay không không phải là quan trọng đến thế đâu. Thường là thuận mua vừa bán. Khi thị trường là của người bán thì người bán sẽ đưa ra các điều kiện chờ người mua chấp nhận còn khi thị trường là của người mua thì người mua đưa ra điều kiện chờ người bán chấp nhận. Thị trường là của 2 bên, cái chính là mình tính được lợi ích, mình có lợi thì mình làm.

Cả 2 bên hiện nay đều là các thành viên thị trường rất thông minh. Các DN Việt Nam đã học được những bài học trong thời gian trước đây và hiểu về định giá thị trường như thế nào, lợi ích trong việc hợp tác như thế nào, làm sao để tạo ra giá trị gia tăng cho cả 2 bên. Còn người mua cũng biết cách hợp tác với bên Việt Nam và đồng thời người ta cũng làm những soát xét rất kỹ càng. Trong bối cảnh hiện nay, họ càng đặt nặng vấn đề soát xét kỹ càng trước khi chốt các thương vụ.

Điều kiện như vậy là điều kiện thị trường binh thường. KPMG giờ rất bận, chứng tỏ vẫn có rất nhiều thương vụ đang tiếp tục trên thị trường. Đó là mặt tốt, khi mà thị trường vẫn đang vận động.

Nếu ông là chủ doanh nghiệp đang ở vị thế đi mua, ông sẽ chọn hàng như thế nào?

Trong tình hình như hiện nay, tôi sẽ cẩn trọng hơn. Không mua. Còn nếu mua thì tôi sẽ chọn DN trong ngành liên quan đến lĩnh vực của tôi, chứ không phải lĩnh vực mới. Và khi mua tôi sẽ chú trọng đến những giá trị gia tăng, tức là những gì tạo ra synergy giữa 2 DN chứ không phải tìm đến lợi ích về tài chính.

Thời điểm này, giá không phải là quan trọng.

Còn nếu nói về cơ hội để mua những hàng giá rẻ thì có thể tôi sẽ đợi tiếp một thời gian nữa chứ không gấp.

Tại sao không đặt lợi ích tài chính lên lúc này?

Bởi vì lúc này mà tìm đến lợi ích tài chính thì sẽ rất rủi ro. Khi làm một thương vụ, doanh nghiệp không bao giờ chỉ dùng tiền của mình mà phải đi vay tiền để thực hiện các thương vụ đó. Trong môi trường tiền đắt, việc đầu tư tài chính sẽ phải rất thận trọng, việc đi vay hẵng dừng lại đã. Còn nếu là nhà đầu tư chiến lược thì họ có những mục tiêu lớn hơn và ở một mặt nào đó, doanh nghiệp cũng thuyết phục ngân hàng dễ hơn với mục tiêu này.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!


Ngô My

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên