Phó Thống đốc: Sẽ thí điểm cho vay ngang hàng
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, hình thức P2P Lending có những điểm thuận lợi như giải ngân nhanh nhưng cũng có mặt tiêu cực và có thể gây hệ lụy cho người tham gia.
Tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng quý 1/2019, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về định hướng quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) ở Việt Nam.
Bà Hồng cho biết, P2P Lending là hình thức giao dịch dân sự và trong pháp luật hiện hành chưa có quy định giao cho cơ quan chức năng nào quản lý hoạt động này. Hình thức này có những điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt tiêu cực và có thể gây hệ lụy cho những người tham gia do chưa có cơ chế kiểm soát.
"Về vấn đề này, Chính phủ đã giao cho NHNN là đầu mối nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và đề xuất cho thực hiện thí điểm, theo đó sẽ coi hoạt động này là ngành kinh doanh có điều kiện. Sau khi thí điểm thì sẽ có tổng kết đánh giá", Phó Thống đốc chia sẻ.
Lãnh đạo NHNN cũng nói thêm, chủ trương của cơ quan quản lý là hướng tới hoàn thiện để phù hợp với xu hướng kinh doanh mới, nhưng vẫn phải đảm bảo có sự quản lý chặt chẽ.
Trước đó, tại cuộc họp về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) hồi đầu tháng 3, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ cho biết dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về phương thức hoạt động truyền thống của P2P Lending giúp kết nối trực tiếp người vay với người cho vay, đồng thời xem xét việc mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh dự thảo Quyết định thể hiện rõ quan điểm Nhà nước nghiêm cấm và sẽ xử lý nghiêm các hành vi biến tướng của mô hình kinh doanh mới này do vi phạm pháp luật. Một mặt nhanh chóng tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới nhưng phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đánh giá rõ hơn thực trạng hoạt động của 40 công ty P2P Lending ở Việt Nam và giao NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo Quyết định của Thủ tướng, bao gồm các nội dung cơ bản về khuôn khổ quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan.