MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó thủ tướng: Doanh nghiệp đừng dựa vào “quen biết”

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước có thực lực yếu nhất, nhưng lại kém được ưu đãi nhất...

“Doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều ở Chính phủ, và Chính phủ cũng đòi hỏi doanh nghiệp đi trên đôi chân của chính mình, trên cơ sở đổi mới sáng tạo, chứ không phải bằng con đường thân hữu, quen biết, quan hệ...”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016, sáng 3/6.

15 ý kiến từ các chủ doanh nghiệp trẻ tại buổi gặp cho thấy doanh nhân Việt còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ là thiếu vốn, thiếu “kinh nghiệm” ứng xử với các thủ tục hành chính “hành là chính”, với sự đánh đố của các quy định về thuế, với thanh tra kiểm tra... mà rộng hơn là môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng.

Theo một số doanh nhân trẻ thì hiện nay khu vực kinh tế tư nhân trong nước có thực lực yếu nhất, nhưng lại kém được ưu đãi nhất, so với doanh nghiệp Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Doanh nhân mong muốn Chính phủ tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh và thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Đánh giá cao ý kiến của các doanh nhân trẻ, vì thời gian có hạn Phó thủ tướng không thể trả lời từng ý kiến ,song ông cho biết các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu.

“Đảng và Nhà nước luôn coi doanh nhân là lực lượng xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế, và thực tế đã chứng minh điều đó. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân là chủ trương nhất quán, có từ rất sớm của Đảng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc đến Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp mới được Chính phủ ban hành, Phó thủ tướng nói diễn đàn doanh nghiệp tư nhân được Hội Doanh nhân trẻ tổ chức chiều cùng ngày là hoạt động đầu tiên có ý nghĩa lớn thực hiện nghị quyết đó.

Ông cũng thông tin tới các doanh nghiệp là Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ coi mọi thành phần kinh tế đều quan trọng và cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, tôn trọng tự do kinh doanh, Phó thủ tướng khẳng định.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ sẽ tác động cả chiều ngang và chiều dọc để doanh nghiệp phát triển.

“Chiều ngang là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân”, ông nói.

Còn tác động theo chiều dọc, Phó thủ tướng cho biết là sẽ có chính sách với từng chủ thể, mà Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa chính ví dụ.

Về các giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương và thực thi, ông cho biết Chính phủ sẽ áp đặt trách nhiệm thực thi của cán bộ công chức, nếu người nào không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Ông đề nghị doanh nghiệp khi có vấn đề gì cứ phản ánh thẳng, có thể nói trực tiếp với Thủ tướng. Chính phủ không bao che cho ai cả.

Ông cũng cho rằng, hiện nay có tình trạng lệch pha, khi doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ, còn doanh nghiệp tư nhân trong nước còn hạn chế.

Đề cập đến phong trào khởi nghiệp, Phó thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam muốn có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu của Chính phủ thì phải có khát vọng, nhưng muốn thành công thì phải đổi mới và sáng tạo.

Chính phủ sẽ có thể chế, chính sách hỗ trợ cho qúa trình khởi nghiệp. cả quốc gia khởi nghiệp, chứ không phải chỉ có sinh viên mới khởi nghiệp.

Khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó thủ tướng nhấn mạnh các nguyên tắc hỗ trợ đều phải theo nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên