Phó Thủ tướng 'lệnh' thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam
Liên quan đến những lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch làm việc với Tổng công ty Vận tải thuỷ để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Thu hồi cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư
Văn phòng Chính phủ mới đây đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
PThông báo nêu rõ, theo kết luận thanh tra, việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch (VH-TT-DL) căn cứ Kết luận thanh tra tháng 8/2018 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo tháng 8/2019 của Văn phòng Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Trong đó, làm việc với Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso - nhà đầu tư) để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, trường hợp Vivaso không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về số tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn Bộ VH-TT-DL thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo trước đó.
Loạt vi phạm trong việc cổ phần hóa VFS
Như Tiền Phong thông tin trước đó, ngày 20/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”. Kết luận thanh tra chỉ rõ, việc thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm.
Theo đó, ngoài việc chậm trễ xây dựng, ban hành Kế hoạch và tiến độ thực hiện cổ phần hóa Công ty và lựa chọn đơn vị tư vấn thì việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để Công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng các quy định của Chính phủ và Luật Đấu thầu.
Mặt khác, kết quả thanh tra cho thấy việc VFS ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại 4 lô "đất vàng" ở Hà Nội và TP. HCM là sai mục đích, trái thẩm quyền. Cùng với đó là việc chọn lựa và bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược có nhiều vi phạm, thiếu sót; việc xác định giá trị thương hiệu của Công ty này cũng để xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm...
Nhiều lùm xùm xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.
NĐặc biệt, cơ quan thanh tra kiến nghị, Bộ VH-TT-DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy - Vivaso xin rút vốn trước thời hạn.
Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.
Tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ VH-TT-DL rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Tiền phong