Phó Thủ tướng: Sớm nghiên cứu giảm thuế xăng sinh học
Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, đặc biệt là ở thời điểm lễ Giáng sinh, Tết dương lịch để có giải pháp điều hành phù hợp.
- 26-07-2018Bộ Công Thương: Tiêu thụ xăng sinh học E5 có tín hiệu khả quan
- 03-05-2018Thứ trưởng Bộ Công thương: "Bỏ bán xăng RON 95, chỉ bán xăng sinh học" chỉ là đề xuất của doanh nghiệp
- 18-10-2017Nhiều doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng sinh học E5
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành như trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, ngày 28-9.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương , Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng quỹ bình ổn giá một cách phù hợp trên cơ sở Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nói chung.
“Sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sinh học E5, phấn đấu tăng tỉ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học so với tổng lượng cung xăng dầu ra thị trường, đáp ứng hai mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm mặt bằng giá xăng dầu . Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỉ giá tăng cao, có thể sử dụng quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 28-9. Ảnh: TC
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng nhận định việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại của năm có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng. Tuy nhiên, cũng có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu “đứng” ở mức cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% – 3,95%.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas, đặc biệt là ở thời điểm lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, thiên tai, bão lũ để có giải pháp điều hành phù hợp và chuẩn bị các nguồn cung kịp thời để hạn chế tăng giá, điều hòa cung cầu.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh điều hòa cung cầu đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là thịt heo hơi, phối hợp với Bộ Công Thương có giải pháp bình ổn giá thực phẩm thành phẩm, khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ, tâm lý kỳ vọng, “găm” hàng chờ giá cao như hiện nay; theo dõi sát dịch tả heo châu Phi đang lây lan rộng ở Trung Quốc, không để ảnh hưởng đến đàn heo trong nước.
Pháp luật TPHCM