MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng trực tiếp bấm nút khai trương thị trường chứng khoán phái sinh

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sự kiện này là mốc son trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư.

Sáng nay (10/8), tại Sở GDCK Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sự kiện này là mốc son trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển của TTCK nói chung, sự ra đời của TTCK phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới.

“Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán. Do vậy, thị trường chứng khoán phái sinh thường được phát triển sau thị trường cơ sở; các nước trong khu vực thường mở cửa TTCK phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở.

Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCK phái sinh vận hành theo các thông lệ quốc tế. Trong suốt từ thời gian đó tới nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo BTC và UBCKNN nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất”, Phó Thủ tướng cho hay.

Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn, vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, TTCK phải phát triển mạnh hơn nữa để đảm nhận vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế.


Mở ra cơ hội mới cho chứng khoán Việt Nam

Mở ra cơ hội mới cho chứng khoán Việt Nam

Và để thực hiện được nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài Chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan ở trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước; Vận hành thị trường chứng khoán phái sinh thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển TTCK; Tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK phái sinh, đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, ổn định của thị trường, có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường; Ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ: cơ quan quản lý, công ty chứng khoán...


Đại diện các bộ ngành có mặt tại buổi lễ

Đại diện các bộ ngành có mặt tại buổi lễ

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trước mắt là Bộ Tài Chính phải tập trung xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở GDCK theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và TTCK phái sinh để tạo tiền đề cho phát triển sau này.

Như vậy, sau 17 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được mức độ ổn định chuyên sâu và đòi hỏi sự hoàn thiện tiếp theo của cấu trúc thị trường. Trong đó, thị trường chứng khoán phái sinh là mảnh ghép cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Được biết, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh ban đầu sẽ có 7 công ty chứng khoán đã được chấp thuận trở thành thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của HNX và thành viên bù trừ thanh toán của VSD bao gồm: Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS), Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Theo Hà Giang. Ảnh: Nam Nguyễn

Tổ Quốc

Trở lên trên