Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Triển khai đồng bộ 'chiến lược vùng' để sớm kiểm soát dịch COVID-19 khu vực phía Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo tỉnh An Giang kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN
Gần 1 tháng qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 liên tục có các chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
- 11-08-2021Chống dịch không có nghĩa là bỏ qua Hiệp định EVFTA
- 11-08-2021Doanh nghiệp thủy sản đuối sức với “3 tại chỗ”
- 11-08-2021Chuyên gia Nhật Bản nói gì về làn sóng thâu tóm ồ ạt các doanh nghiệp Việt của người Nhật trong 1 thập kỷ qua? Xu hướng tiếp theo sẽ là gì?
Ngày 10/8, Phó Thủ tướng đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề đáng chú ý trong việc triển khai “chiến lược vùng” từ thực tiễn phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam thời gian qua nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh.
Chiến lược vùng
Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương khu vực Nam sông Hậu vừa qua, Phó Thủ tướng nhiều lần nhắc đến việc hình thành “vùng xanh”. Vì sao chúng ta có cách tiếp cận chiến lược vùng như vậy?
Một tháng trước khi vào TP Hồ Chí Minh, trực tiếp khảo sát, tôi xác định tình hình TP Hồ Chí Minh rất khó khăn, phải hình thành ngay chiến lược sơ bộ là khoanh vùng Thành phố. Khi khoanh vùng, chắc chắn sẽ có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người dân từ Thành phố tỏa ra các địa phương khác, do đó, cần phải khoanh vùng khu vực xung quanh rộng hơn, tránh nguy cơ cả khu vực này sẽ trở thành “vùng đỏ” trong thời gian ngắn. Tôi đã quyết định trình cấp có thẩm quyền để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở Thành phố và ngay sau đó là 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đúng như dự liệu ban đầu, các địa phương này đều nhận định, nếu không thực hiện giãn cách xã hội ngay, tình hình bây giờ sẽ vô cùng phức tạp.
Sau khi định hướng chống dịch riêng cho TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn lân cận, chúng ta phải thúc đẩy để các địa phương xung quanh Thành phố (như Bình Phước, các địa phương khu vực Nam sông Hậu) củng cố vững chắc và hình thành “vùng xanh” bền vững, rồi bó chặt “vùng đỏ”. TP Hồ Chí Minh cũng tương tự như vậy, phải tích cực mở rộng từng khu vực xanh, giữ vững và mở rộng dần ra.
Do đó, chiến lược chung của 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) là phải mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp và khoanh nhiều lớp “vùng đỏ”, để bên ngoài dần quay lại cuộc sống bình thường mới sớm nhất.
19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã áp dụng Chỉ thị 16 trong khoảng 20 ngày qua. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến xấu, số ca tiếp tục tăng. Vậy xin Phó Thủ tướng cho biết, mục tiêu thiết lập vùng xanh vững chắc liệu có khả thi?
Qua công tác kiểm tra thực tế, lãnh đạo các địa phương đều nhận thấy, nếu thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đồng bộ, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến tích cực hơn. Do vậy, nguyên nhân chính khiến số ca mắc chưa giảm, thậm chí một số nơi vẫn tiếp tục tăng do vẫn có những nơi chưa thực sự giãn cách xã hội giữa người với người, nhà với nhà… Ví dụ, vẫn còn hàng chục, thậm chí hàng trăm người “trốn chốt” để về quê.
Ghi nhận những nỗ lực, chia sẻ khó khăn do một số địa phương có địa bàn rộng, khó kiểm soát, tuy nhiên, phải khẳng định rằng, đây là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi người dân trong việc phải thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội. Nếu làm nghiêm, sau khoảng 2 tuần sẽ thấy kết quả tương đối rõ rệt và thường sau tuần thứ 3 hoặc 4 sẽ kiểm soát tốt tình hình. Nhưng thực hiện không nghiêm, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, khiến kinh tế sẽ bị thiệt hại, người dân sẽ rất mệt mỏi. Kiểm soát tốt không có nghĩa sẽ hết sạch ca bệnh trong cộng đồng mà những điểm nóng sẽ được khoanh gọn lại, vây bằng nhiều lớp.
Tôi cho rằng, cả khu vực này hoàn toàn có thể hình thành một vùng xanh để làm hậu cứ, tiếp tục kiểm soát dịch ở TP Hồ Chí Minh và các điểm nóng lân cận.
Thực hiện quyết liệt hai mũi phòng, chống dịch
Phương châm “4 tại chỗ” đã được triển khai rộng rãi nhưng trên thực tế, mỗi địa phương lại có cách làm rất khác nhau, đặc biệt liên quan đến“vật tư tại chỗ”, “chỉ huy tại chỗ”. Theo Phó Thủ tướng, các địa phương cần làm gì để tối ưu hóa nhân lực và nguồn lực trong truy vết, điều trị, phòng dịch?
Phương châm “4 tại chỗ” đã được nhắc đến ngay từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, không đơn thuần là vật tư, thiết bị, cơ sở cách ly tập trung, thu dung, điều trị... Mỗi địa phương có cách triển khai khác nhau.
Chúng ta đã xây dựng các kịch bản để hướng tới tình huống xấu hơn nhưng phần lớn, chỉ sau khi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh bùng phát rất nặng, nhiều địa phương mới bắt đầu xây dựng các kịch bản cao hơn. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cần lưu ý. Nếu chỉ có 1-2 địa phương bị nặng (như Bắc Ninh, Bắc Giang trước đây, đến nay là TP Hồ Chí Minh) chúng ta còn tập trung dồn sức để hỗ trợ. Nhưng nếu không thực hiện tốt “4 tại chỗ”, không thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để nhiều nơi cùng bị nặng, sẽ không có đủ lực lượng chi viện, lúc đấy hậu quả sẽ rất lớn.
Qua theo dõi công tác phòng, chống dịch, dường như các địa phương chỉ tập trung dập dịch ở các điểm nóng mà ít chú ý đến hình thành, nhân rộng “vùng xanh” dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi, “vùng xanh” ngày càng bị thu hẹp. TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra tình trạng này, khoảng 1 tháng trước có rất nhiều “vùng xanh” nhưng đến nay đã dần bị co lại. Phó Thủ tướng có những lưu ý gì về việc này?
Đây là tình trạng đã diễn ra ở nhiều địa phương. Đợt dịch thứ tư bùng phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đều nhấn phải thực hiện quyết liệt cả hai mũi. Mũi thứ nhất là truy vết, khoanh vùng những điểm, ổ dịch nóng; mũi thứ hai phải giữ bằng được những vùng còn an toàn. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa chú ý đến mũi thứ hai.
Qua các cuộc làm việc, Ban Chỉ đạo Quốc gia nêu rõ vấn đề này, các địa phương đã bắt tay vào thực hiện. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện các “vùng đỏ”, các địa phương lại dồn sức truy vết, xét nghiệm và bỏ quên “vùng xanh”. Trong khi để có thể dập được “vùng đỏ” phải có “vùng xanh” thật vững chắc.
Đến nay, tôi rất mừng bởi gần đây, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”. Đáng chú ý, cùng với sự lãnh đạo cấp tỉnh, một số địa phương đã rất sáng tạo, phát động nhân dân tự đứng lên đăng ký, tổ chức để giữ cho ấp, cụm, tổ dân phố, xã hình thành “vùng xanh”. Đây là kinh nghiệm rất quý, không chỉ với chính các địa phương này mà cần nhân rộng trên cả nước. Nơi nào còn xanh, chúng ta phải giữ cho chắc.
Xét nghiệm sáng tạo, điều trị linh hoạt
Trong đợt dịch lần này, phương thức xét nghiệm của các địa phương rất khác nhau. Có nơi thực hiện hàng trăm nghìn kit xét nghiệm nhanh, thậm chí có hợp đồng mua hàng triệu kit xét nghiệm nhanh. Nhiều người cho rằng, những địa phương sử dụng nhiều xét nghiệm nhanh, tình hình dịch bệnh không chắc đã tốt hơn các địa phương khác. Ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Xét nghiệm là vấn đề thuộc chuyên môn của ngành Y tế, ngành đã có hướng dẫn. Việc xét nghiệm đòi hỏi nhiều vào sự nhạy bén của từng địa phương, đặc biệt y tế cơ sở. Sau khi làm việc với các địa phương, tôi nhận thấy, ngành Y tế báo cáo cụ thể tình hình dịch bệnh để lãnh đạo địa phương chỉ đạo thật sát, công tác phòng, chống dịch nói chung, công tác xét nghiệm nói riêng sẽ hiệu quả hơn.
Mục tiêu lớn nhất của xét nghiệm là phát hiện F0, truy vết, bóc tách ra khỏi cộng đồng. Với cách làm hiệu quả, chúng ta sẽ tiết kiệm hơn về tài chính, nhân lực... Những địa phương không bám sát hoặc không căn cứ vào thực tiễn, không phát huy tính sáng tạo, thường sử dụng rất nhiều xét nghiệm. Đây là kinh nghiệm thực tế, tôi đã yêu cầu ngành Y tế phải cập nhật ngay các hướng dẫn xét nghiệm; tùy vào tình hình dịch khác nhau, sẽ sử dụng công nghệ, loại xét nghiệm khác nhau với tần suất phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm.
Hướng dẫn của Bộ Y tế áp dụng chung cho cả nước, nhưng trên tinh thần hiệu quả trên hết, các địa phương phải phát huy sáng tạo để có biện pháp xét nghiệm hiệu quả nhất.
Trong các cuộc làm việc gần đây, các địa phương đều rất quan tâm đến sự linh hoạt, chủ động trong công tác điều trị. Xin Phó Thủ tướng chia sẻ thêm về vấn đề này?
Trên cơ sở phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo 3 tầng của Bộ Y tế, các địa phương phải dựa vào tình hình thực tiễn của dịch bệnh để có các giải pháp điều trị linh hoạt.
Ví dụ, Bộ Y tế chia hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 thành 3 tầng, trong đó, tầng 1 là cơ sở thu dung điều trị ban đầu cho người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, đã hình thành khu điều trị dành riêng cho F0 không triệu chứng (chưa coi là bệnh nhân) được quản lý chặt để không tiếp xúc, lây ra bên ngoài. Tại các khu này, người bệnh được chăm sóc đầy đủ về tinh thần và thể chất để nâng cao sức khỏe, từ đó, tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng giảm rất nhiều.
Điển hình, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh là một trong số những nơi rất sáng tạo trong công tác điều trị. Tại đây, tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng dưới 5-10%, trong khi tỷ lệ trung bình khoảng 20%. Thậm chí, những nơi không làm tốt, tổ chức cách ly chung người có triệu chứng với người không có triệu chứng trong điều kiện chật chội, tỷ lệ này có thể lên đến 30%.
Với những kinh nghiệm thực tiễn như vậy, chúng ta cần phải phát huy sáng tạo của các cấp cơ sở. Muốn giảm tử vong ở tầng điều trị trên cùng, chúng ta phải giảm tỷ lệ chuyển nặng ở tất cả các tầng, đặc biệt ở tầng 1.
Trên phạm vi cả nước, chiến lược của chúng ta tập trung ngăn chặn, giảm tối đa số người mắc mới. Bởi, với hệ thống y tế nói chung, hệ thống điều trị của Việt Nam nói riêng, khi có nhiều người mắc chắc chắn sẽ quá tải. Ngay trong lúc không có dịch bệnh, rất nhiều bệnh viện tuyến trên đã quá tải.
Vừa qua, số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh đã tăng lên, các bệnh viện điều trị đều quá tải. Cùng với việc Bộ Y tế chỉ đạo khẩn cấp để xây thêm bệnh viện, điều quan trọng không kém là phải tận dụng toàn bộ các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn để cứu chữa ngay từ khi F0 mới có triệu chứng nhẹ, với phương châm “sớm hơn một bước, cao hơn một mức”.
Tại TP Hồ Chí Minh, một số quận, huyện mạnh dạn, sáng tạo, đột phá trong tăng cường hệ thống oxy tập trung, các máy thở dòng cao (HFNC) tại các trung tâm, bệnh viện dã chiến quận, huyện (tầng 2) để cấp cứu, điều trị ngay bệnh nhân nặng (tầng 3).
Ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh
Khi làm việc tại các địa phương, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh liên quan đến việc duy trì hoạt động sản xuất. Theo Phó Thủ tướng, làm thế nào để các địa phương cân bằng mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội?
Khi xuất hiện dịch bệnh, nếu giãn cách xã hội diện rộng trên quy mô một tỉnh hay toàn quốc, công tác phòng, chống dịch sẽ thuận lợi hơn, nhưng mục tiêu phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngược lại, nếu giãn cách xã hội trên quy mô hẹp, chống dịch sẽ vất vả hơn nhưng nếu làm tốt, thiệt hại về kinh tế sẽ ít hơn. Ở quy mô rộng hay hẹp, đã giãn cách xã hội phải làm thật nghiêm.
Giống như một khu rừng có nhiều đám cháy nhỏ, nếu chỉ khoanh bên ngoài, không dập bên trong sẽ cháy lan ra cả khu rừng; nhưng nếu khoanh và dập từng đám, sẽ giữ được cả khu rừng.
Mục tiêu kép đã được xác định từ khi bắt đầu có dịch. Tuy nhiên, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo vệ sức khỏe nhân dân lên trên hết, đặc biệt, trong tình hình hiện nay, trước mắt, chúng ta phải bảo vệ được tính mạng, sức khỏe nhân dân. Làm nghiêm Chỉ thị 16 trong thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân nhưng nếu không làm chặt, dịch bệnh tiếp tục lây lan, khiến công tác phòng, chống dịch rất khó khăn.
Việc thực hiện giãn cách xã hội ở 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh nhằm hai mục tiêu chính: Kiểm soát người dân từ vùng dịch đi về các địa phương khác; hình thành được các “vùng xanh” (trong từng tỉnh và liên tỉnh) để các hoạt động giao thương, đi lại thuận lợi trong nội tỉnh, nội vùng. Thực hiện mục tiêu kép, chúng ta cố gắng ở mức cao nhất để kiểm soát dịch nhưng không để đình trệ hoạt động kinh tế trên quy mô toàn quốc. Phải giãn cách xã hội ở khu vực này, vẫn còn những khu vực khác làm hậu phương hỗ trợ, chi viện, không để đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng.
Vaccine phòng COVID-19 đang là vấn đề được người dân TP Hồ Chí Minh rất quan tâm. Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế có thể đảm bảo được nguồn vaccine để Thành phố đạt mục tiêu tiêm 70% dân số trên 18 tuổi trong tháng 8/2021 không, thưa Phó Thủ tướng?
Thời gian qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế làm đầu mối đàm phán, nhập khẩu vaccine; đã ký mua số lượng lớn vaccine, đủ để miễn dịch cộng đồng cho toàn bộ người dân Việt Nam, mỗi người tiêm đủ 2 mũi.
Tuy nhiên, thời gian vaccine về khi nào, chúng ta không chủ động được. Dự kiến, đến cuối năm nay, vaccine sẽ không thiếu, nhưng trong vài tuần tới, theo báo cáo của Bộ Y tế, các lô vaccine đã cam kết, sẽ về rất ít.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các địa phương đều mong muốn sớm có vaccine để tiêm phòng. Chính phủ đã thảo luận, thống nhất ưu tiên cho Thành phố Hồ Chí Minh, một phần cho Đồng Nai, Bình Dương, Long An - những nơi đang bị nhiễm rất nặng và sâu; để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất.
Mới đây nhất, sáng 9/8, Bộ Y tế đã bổ sung cho TP Hồ Chí Minh gần 530.000 liều vaccine AstraZeneca.
Qua kiểm tra thực tế, theo quan điểm của Phó Thủ tướng, dự kiến, thời điểm nào các tỉnh, thành phố phía Nam cơ bản kiểm soát dịch bệnh?
Khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất (gồm các tỉnh vùng Nam sông Hậu, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Phước) phải hạ quyết tâm, khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16 sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh trên quy mô từng tỉnh và cả khu vực. Kiểm soát tốt ở đây không có nghĩa không còn các ca bệnh mà phải củng cố vững chắc “vùng xanh” trong từng tỉnh, dồn gọn các ổ dịch, khoanh nhiều lớp; từ đó, cả khu vực hình thành vành đai xanh vững chắc.
Nhóm thứ hai (khu vực TP Hồ Chí Minh, một phần Đồng Nai, Bình Dương, Long An) với tình hình phức tạp hơn. Đặc biệt, Đồng Nai, Bình Dương và Long An phải cố gắng kiểm soát dịch vào cuối tháng 8 này; nếu muộn hơn, đến giữa tháng 9, cùng với TP Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch.
Nhóm thứ ba (các địa phương còn lại) phải hạ quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trong 20 ngày tới. Quy mô “vùng đỏ” những tỉnh này cũng phải khoanh vùng nhiều lớp, nhiều vòng.
Cụ thể, nếu có đủ vaccine phòng COVID-19 về, chúng ta cố gắng tiêm hết; giữ vững, mở rộng các “vùng xanh” bên trong và giữ thật chặt; khôi phục lại hoạt động sản xuất và đi lại của người dân có điều kiện. Bởi vì, tiêm vaccine xong chưa thể sinh miễn dịch ngay, vẫn có thể lây ra cộng đồng nếu nhiễm SARS-CoV-2.
Như vậy phải có trạng thái “bình thường mới” ở khu vực TP Hồ Chí Minh khác với các khu vực còn lại trên cả nước, tương tự như một số nước mở cửa dần trở lại sau khi đã bị lây nhiễm rất nặng và đạt được miễn dịch cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Phó Thủ tướng!
Báo tin tức