MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu thế nào với ngành ngân hàng thời gian tới?

28-08-2018 - 13:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ngành ngân hàng không được để chậm quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, phải đẩy nhanh xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ…

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 tại Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Thống đốc NHNN về sự kiện tổng kết lần này. Chính phủ, Thủ tướng và cá nhân Phó Thủ tướng cũng rất quan tâm đến nội dung tái cơ cấu ngân hàng.

Phó Thủ tướng cho biết hiện nay nợ xấu vẫn còn cao, việc xử lý nợ xấu một cách thực chất vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức tín dụng cơ bản giữ được an toàn, tránh được nguy cơ đổ vỡ. 

Ở nhiệm kỳ này, vấn đề đặt ra là phải tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể, toàn diện, trong điều kiện chính sách tài khóa phải hết sức chặt chẽ. Vì vậy 1 trong 6 nhiệm vụ đặt ra là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với tập trung xử lý nợ xấu, xử lý căn bản, triệt để các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp dựa trên nguyên tắc thị trường trên cơ sở thận trọng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng...

Trong bối cảnh đó, để thực hiện chủ trương của Đảng thì Chính phủ, đặc biệt là lãnh đạo NHNN đã bám sát nhiệm vụ này, đã tìm kiếm các công cụ, phương cách để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, rà soát các vấn đề pháp lý. "Trong một năm 2016, tôi và lãnh đạo NHNN đã làm việc trực tiếp với VAMC tới 3 lần và trên cơ sở đó chúng tôi mời cả tòa án tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá độc lập về hành lang pháp lý để nhận diện xem còn vướng mắc gì..." - Phó Thủ tướng nói.

Cùng với Nghị quyết 42 và luật sửa đổi luật TCTD, theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã hoàn thành một loạt các khung khổ, trong đó có chiến lược phát triển ngành ngân hàng tầm nhìn đến 2025, Quyết định 1058 về tái cơ cấu nợ xấu, một số đề án lớn của ngành ngân hàng như thanh toán không dùng tiền mặt, đề án liên quan tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém...

Phó Thủ tướng đánh giá, Nghị quyết 42 và Luật TCTD sửa đổi đã có ý nghĩa lịch sử với ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tư duy tầm nhìn của Trung ương, của Quốc hội, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp giữa các ban ngành với nhau, giữa trung ương với địa phương, của ngành ngân hàng. "Trong các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng đã có kết quả rõ rệt" - Phó Thủ tướng nói.

Về tổ chức triển khai Nghị quyết 42 và Luật TCTD sửa đổi và các đề án, ngoài các thuận lợi thì còn có những khó khăn như kinh tế khu vực, đồng USD lên cao, lãi suất thế giới cao, chiến tranh thương mại. Trong khi đó quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, trong năm nay dự kiến vào khoảng 250 tỷ USD, nên thế giới có vấn đề gì là có thể tác động ngay. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn hệ thống thì hoạt động tái cơ cấu đã có những kết quả hết sức căn bản, tạo tiền đề cho giai đoạn tới.

Về nợ xấu nội bảng hiện chỉ còn 2,09%, đã giảm đáng kể kể từ khi thực hiện Nghị quyết 42. Đặc biệt, xử lý nợ xấu đã thực chất hơn, vai trò của các tổ chức tín dụng đã rõ hơn, nhiều ngân hàng đã xử lý hết nợ xấu bán cho VAMC như VietinBank, Vietcombank...Ngành ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và điều này được thế giới công nhận, chẳng hạn vừa qua 12 ngân hàng đã được Moody's nâng hạng tín nhiệm, đó là điều hết sức quan trọng thể hiện đánh giá khách quan về thành quả của ngành ngân hàng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cập nhật thông tin về hoạt động của hệ thống ngân hàng như quy mô tài sản tăng lên ấn tượng, tỷ lệ an toàn vốn cải thiện...Tất cả cho thấy tính đúng đắn của Nghị quyết 42 cũng như sự chỉ đạo của lãnh đạo NHNN.

Nhìn nhận thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết bên cạnh những thành tích ngành ngân hàng đạt được thì còn có hạn chế và các nhiệm vụ phải làm một cách rất nỗ lực, không được để mất đà.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tiếp tục đà này không để quá trình này chậm lại.

Phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu, áp dụng basel II ở các ngân hàng…Đặc biệt đến 2020 phải đưa nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng xuống dưới 3% theo thông lệ quốc tế. Hoạt động xử lý nợ xấu phải không được để nợ xấu mới phát sinh.

Về củng cố và xử lý các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đề án đã đề ra, đặc biệt trong đó có tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân; rà soát lại, tái cơ cấu các công ty tài chính.

Với VAMC, cần có lộ trình tăng vốn cho công ty này; cần có tính toán để cho VAMC được bán nợ theo cơ chế thị trường...

Năm 2018, NHNN thực hiện tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước bằng việc sử dụng nguồn chia cổ tức và các giải pháp cơ cấu lại hoạt động của các ngân hàng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, trong đó coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và sai phạm nội bộ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng đề cập đến hoạt động cốt lõi của các ngân hàng. Phó Thủ tướng cho biết cần phát triển theo kế hoạch gia tăng tỷ trọng dịch vụ trong tổng doanh thu chứ không nên dựa hoàn toàn vào tín dụng. Hai là phải tính toán giữa số liệu với chất lượng tín dụng. "Hiện có nhiều TCTD nói rằng họ cạn room tín dụng nhưng cần phải nhìn nhận chung vào bối cảnh nền kinh tế"- ông nói. Phó Thủ tướng nhắc lại hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán có liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế do vậy phải quản lý tốt tín dụng vào hai lĩnh vực này.


Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên