MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng yêu cầu giảm giá vận tải ở sân bay Điện Biên

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những tồn tại trong hoạt động hàng không tại sân bay Điện Biên để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm giá thành vận tải.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về thực hiện dự án đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu đầu tư, xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 302/TB-VPCP ngày 20-8-2018 của Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cảng hàng không Điện Biên theo quy hoạch được duyệt. Trong văn bản có phản ánh việc chậm, hủy chuyến, việc giá vé tuyến bay Điện Biên - Hà Nội cao, làm ảnh hưởng đến người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực này, đồng thời đề nghị kiểm tra hoạt động của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Chủ tịch Mùa A Sơn đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm triển khai nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.

Theo Vietnam Airlines, đường bay Hà Nội - Điện Biên thuộc nhóm đường bay dưới 500 km, có giá vé trần là 1,7 triệu đồng/vé/chiều. Phía Cục Hàng không Việt Nam khẳng định giá vé mà hãng hàng không bán ra trên đường bay này vẫn đảm bảo dưới mức giá trần quy định.

Phía ACV cho biết đã lên kế hoạch đầu tư đồng bộ các dự án xây dựng nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ; Mở rộng sân đậu máy bay Cảng hàng không Điện Biên theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Tại cuộc họp về phương án giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng Cảng hàng không Điện Biên hồi tháng 8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hàng không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, việc đầu tư theo hình thức PPP rất phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực cảng hàng không, sân bay. Vì vậy, cần nghiên cứu hình thức đầu tư, quản lý và khai thác, trong điều kiện các công trình, tài sản hiện có tại Cảng hàng không Điện Biên đang được quản lý, khai thác bởi Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp khác.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, tổ chức lập hoặc phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo các nhà đầu tư quan tâm, lập đề xuất dự án đầu tư và xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên làm cơ sở để xem xét, phân giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện đầu tư, xây dựng theo đúng quy định pháp luật.

Theo Quyết định số 2501 của Bộ GTVT, giai đoạn đến năm 2020, dự kiến Cảng hàng không Điện Biên sẽ có công suất khoảng 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa/năm. Tạo được 3 vị trí đỗ máy bay, trong đó 2 vị trí cho máy bay ATR72, 1 vị trí cho máy bay A320, A321 hoặc tương đương. Đến năm 2030, dự kiến cảng sẽ nâng công suất lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm.

Dự kiến giai đoạn 2020 sẽ khai thác các tuyến bay theo hướng: Điện Biên-Nội Bài và Điện Biên-Cát Bi. Định hướng đến 2030 dự kiến khai thác thêm 2 tuyến bay là: Điện Biên-Đà Nẵng; Điện Biên-Tân Sơn Nhất.

Trong tương lai, theo xu hướng Cảng hàng không Điện Biên có thể trở thành cảng hàng không quốc tế trực tiếp đón, đưa khách từ Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan...

Theo D.Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên