Phó Tổng cục trưởng TCTK giải mã nguyên nhân lạm phát Việt Nam không tăng cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ảnh: Linh Pham/Bloomberg
Tháng 2/2022, một số nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát cao hơn Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan...
- 03-04-2022Thủ tướng: 'Dứt khoát không để khủng hoảng năng lượng, bảo đảm cung ứng đủ điện cả trước mắt và lâu dài'
- 02-04-2022Điều tra những cá nhân giúp ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán
- 01-04-2022Bổ sung 449 tỷ đồng để chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31
Quý 1/2022, nền kinh tế thế giới đang lấy lại đà phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh, gây áp lực lạm phát lên nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát tăng cao tại nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Mức tăng lạm phát tháng 2/2022 svck của một số nước
Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 2/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 01/1982. Lạm phát tại Anh lên mức cao nhất trong 30 năm qua (tháng 2 tăng 6,2%).
Lạm phát tháng 2/2022 của các nước khác thuộc khu vực châu Âu cũng tăng cao như: Pháp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, Đức tăng 5,1%, Tây Ban Nha tăng 7,6%, Italy tăng 5,7%...
Ở châu Á, Nhật Bản tháng thứ 6 liên tiếp có lạm phát tăng (tháng 1 tăng 0,5%, tháng 2 tăng 0,9%), Hàn Quốc tháng 2 tăng 3,7%.
Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam như Indonesia tăng 2,1%, Malaysia tăng 2,2%, Philippines tăng 3,0%, Singapore tăng 4,3%, Thái Lan tăng 5,3%...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đối với Nga, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới đã đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao, đặc biệt giảm mạnh nguồn cung cho các nước châu Âu vốn phụ thuộc đáng kể vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và lúa mì quan trọng, tình trạng thiếu hụt hai mặt hàng này làm tăng giá lương thực toàn cầu và gây áp lực lạm phát thêm trầm trọng.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3 và quý I các năm giai đoạn 2018-2022 (%)
Ở trong nước, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý 1/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý 1 các năm 2017-2020.
Lý giải về việc lạm phát của Việt Nam trong quý 1 năm nay không tăng cao như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ông Nguyễn Trung Tiến chỉ rõ:
Thứ nhất, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính CPI của các quốc gia khác nhau do phụ thuộc vào tập quán tiêu dùng, cũng như cơ cấu chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng không đồng nhất.
Đơn cử, Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn trong khi Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%).
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng nhanh hơn trong thời gian vừa qua. Mỹ và các nước phương Tây có tỷ trọng chi tiêu dùng các nhóm hàng này lớn nên tỷ lệ lạm phát cao hơn Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi đào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định.
Nhóm thực phẩm quý 1/2022 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm.
Trong đó, giá thịt lợn giảm 21,55%; mỡ ăn giảm 22,6% và giá thịt chế biến giảm 4,63%. Giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do Việt Nam đã sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi nên chủ động trong phòng ngừa dịch khiến nguồn cung đảm bảo, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao làm cho các hộ chăn nuôi phải bán sớm cắt lỗ.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số địa phương miễn giảm học phí từ học kỳ 1 năm học 2021-2022 làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm. Nhiều hộ gia đình trong quý 1 đã giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến giá thuê nhà ở giảm 15,14%.
Thứ ba, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Các chính sách, giải pháp tài chính tiền tệ được ban hành kịp thời đã giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01 đến hết 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, công tác điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới, nguồn cung xăng dầu được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Các địa phương tăng cường quản lý giá trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình bình ổn giá.