Giám đốc tư vấn đầu tư DCVFM: Khối ngoại không ảnh hưởng quá lớn tới TTCK Việt Nam như một thập kỷ trước, năm 2021 sẽ có thêm 30.000 tỷ cho vay margin
Theo Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn – Giám đốc tư vấn đầu tư công ty DCVFM, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn dắt xu hướng thị trường, bất động sản và ngân hàng là 2 trong 3 ngành là nhóm hưởng lợi lớn nhất.
Chiều nay, các chuyên gia của Dragon Capital, quỹ nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Việt Nam hiện nay, đã có những chia sẻ tại hội thảo trực tuyến cập nhật về đầu tư công tại Việt Nam cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán năm 2021.
Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn – Giám đốc tư vấn đầu tư công ty DCVFM (Dragon Capital Việt Nam) nhận định động lực tăng trưởng mới của Việt Nam thời gian tới, bên cạnh (i) tăng trưởng ổn định kinh tế, (ii) quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khiến xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, (iii) sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu thì động lực mới hiện tại là (iv) đầu tư công và (v) mặt bằng lãi suất hiện vẫn ở mức tương đối thấp.
Theo ông Tuấn, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn dắt xu hướng thị trường, bất động sản và ngân hàng là 2 trong 3 ngành là nhóm hưởng lợi lớn nhất.
Đầu tư công là động lực tăng trưởng mới
Tăng trưởng GDP quý 1/2021 đạt 4,5%, theo ông Tuấn đúng với ước tính ban đầu của các chuyên gia phân tích là từ 6,5-7%, FDI vào Việt Nam tốt, kim ngạch xuất khẩu bùng nổ tăng 22%, cực tốt so với đoạn trước.
Lạm phát thấp nhất trong 5 năm qua, dự báo lạm phát 2021 là 3,5% khác biệt rất lớn với một số chuyên gia của Tổng cục thống kê.
Dự trữ ngoại hối vượt 100 tỷ USD, tỷ giá liên ngân hàng bình ổn, mất giá 0,3% so với đầu năm, không đáng kể.
Tuy nhiên, theo TS Lê Anh Tuấn, có một nghịch lý rất lớn ở Việt Nam.
Nếu tính về hoạt động đầu tư Việt Nam là số 1 thế giới, xét lượng FDI giải ngân trên GDP cao hơn các nước trên thế giới, kim ngạch XNK trên GDP chỉ thua mỗi Singapore và Hongkong, độ mở và độ hút vốn hàng đầu thế giới. Sự dịch chuyển Trung Quốc vào Mỹ, hơn phân nửa dịch chuyển là đi vào Việt Nam.
Trong nước, sự hình thành tầng lớp trung lưu cực nhanh cực mạnh. Năm 2020 Việt Nam có 32 triệu người trong tầng lớp trung lưu, đến năm 2030 con số này tăng lên 67 triệu người. Số chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội cao hơn 50% từ Singapore qua HongKong như vậy kinh tế nội địa tăng trưởng rất mạnh.
Tuy nhiên, hiện trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang dưới mức trung bình.
Hạ tầng Việt Nam xếp 66/141 nước, là nút thắt cổ chai cho kinh tế phát triển. Chúng ta có 500.000 km đường bộ nhưng chỉ có 25% đạt chất lượng tốt, số đường cao tốc/1triệu dân thấp so với khu vực. 55% lượng xe tải ở các nước phát triển là xe trọng tải lớn trên 10 tấn nhưng ở Việt Nam con số này chỉ 20%, còn 68% lượng xe tải là xe bé nhỏ hơn 10 tấn. Điều này khiến chi phí vận tải trên GDP của Việt Nam chiếm tới 20,8%, trong khi các nước khác chỉ 10-14%.
Hàng không là một kỳ tích, sân bay Tân Sân Nhất đang vận hành vượt 50% công suất thiết kế, Nội Bài vượt 40% công suất thiết kế. Dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành sẽ giúp Tân Sơn Nhất tăng 200% công suất hiện tại.
Về chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới. Trong 10 năm quá khứ chúng ta kết nối được nhiều cụm công nghiệp phía Bắc và hành lang biên giới Trung Quốc. Trong giai đoạn 2021-2030 trọng điểm là cao tốc Bắc Nam và nâng cấp giao thông nội thành (Tp.HCM). TP.HCM có nhiều dự án khởi công như Đường sắt Metro, đường vành đai 3, Cầu Cát Lái, cầu vượt HCM…
Nguồn vốn đầu tư đến từ đâu, nợ công trên GDP hiện dưới 45%, bội chi ngân sách không phải vấn đề quá quan tâm mà nên có bội chi cao hơn, lãi suất trái phiếu 5 năm dưới 1%/năm, lãi suất trái phiếu 10 năm dưới 2%/năm, nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng chưa bao giờ là vấn đề, cái chính là quyết tâm chính trị chúng ta có quyết liệt làm hay không.
Chúng ta có 85 dự án trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, gấp đôi các nước khác trong khu vực nhưng đầu tư công gần như đi ngang trong 3-4 năm qua, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đáng lẽ phải đầu tư cho đầu tư công đã chững lại.
TS Lê Anh Tuấn đánh giá 2021 đầu tư cơ sở hạ tầng là động lực phát triển cực mạnh trong 5-10 năm tới.
Hệ quả tích cực là gì khi đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện? Theo TS Lê Anh Tuấn, cách đây 20 năm ở văn hoá xe đạp thì việc mua bất động sản chỉ quanh 2-5km quanh trung tâm, đến thời văn hoá xe máy, mua bán bất động sản quanh 5-10km trung tâm, văn hoá xe hơi hình thành thì bán kính khu vực trung tâm có thể dịch chuyển từ 50-200km. Ngành ngân hàng và vật liệu xây dựng được hưởng lợi lớn, chuyên gia Dragon Capital kết luận.
Nguồn: Dragon Capital
TTCK Việt Nam không còn phụ thuộc vào khối ngoại
Theo TS Lê Anh Tuấn, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay độ sâu độ rộng thị trường tăng trưởng so với cách đây 5-10 năm không phải tính bằng lần mà là chục lần: Vốn hoá thị trường năm 2015 chỉ 40 tỷ USD, hiện tại vốn hoá thị trường đạt 250 tỷ USD. Chúng ta có 42 công ty có giá trị vốn hoá lớn hơn 1 tỷ USD, có 3 công ty có vốn hoá vượt 10 tỷ USD, thanh khoản 800 triệu USD/ngày so với hơn 100 triệu USD/ngày trước kia.
TTCK Việt Nam năm 2021 so với 2010. Nguồn: Dragon Capital
Trước đây khối ngoại dẫn dắt thị trường trong suốt một thập kỷ qua, tuy nhiên gần đây hoạt động khối ngoại không còn ảnh hưởng quá lớn tới thị trường nữa. Từ Covid-19 (tháng 2/2020), khối ngoại bán ròng gần 3 tỷ USD nhưng thị trường vẫn tăng trưởng rất tốt. Nhà đầu tư cá nhân tham gia rất mạnh kể từ tháng 3/2020.
TTCK Việt Nam không còn phụ thuộc khối ngoại
Theo ông Tuấn, GDP bình quân đầu người theo số liệu của Tổng cục Thống kê khoảng 3.700 USD/năm. Nếu tính GDP trên đầu người dựa vào thu nhập, nếu tính lương thưởng của 1600 doanh nghiệp trên sàn chia cho nhân viên, đạt trên 10.000 USD/người. Số doanh nghiệp trên sàn thuê hơn 2 triệu lực lượng lao động, khá đại diện cho nền kinh tế. Theo ước tính của chuyên gia Dragon Capital, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 5.000 USD/đầu người. Đài Loan (Trung Quốc) khi GDP/đầu người vượt 5000 USD thì lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK tăng rất mạnh trong những năm tiếp theo. Vì lúc này người dân không phải lo cơm áo gạo tiền nữa, người dân bắt đầu đầu tư vào sản phẩm tài chính dẫn đến bùng nổ về số lượng tài khoản, không phải người dân Việt Nam ở nhà Covid rảnh mở tài khoản mà do nhiều yếu tố cộng lại.
Một yếu tố nữa là việc mở tài khoản chứng khoán hiện nay đã tăng gấp đôi nhờ eKYC (mở tài khoản trực tuyến). Theo chuyên gia Dragon Capital, 3-5 năm tới mỗi tháng số tài khoản mở mới từ 50.00 - 70.000 tài khoản/tháng là bình thường, như vậy độ rộng thị trường sẽ khác đi.
Về vay ký quỹ, thời gian qua gần như không còn tiền để vay. Lượng margin/vốn chủ sở hữu đã tăng tương đối, tuy nhiên nút thắt cổ chai từ 2017-2020 vốn chủ sở hữu của các CTCK tăng lên quá thấp, không đuổi kịp tốc độ tăng của thị trường. Theo DC tính toán, vốn chủ sở hữu của các CTCK sẽ tăng 650 triệu USD, khoảng 30.000 tỷ có thể cho vay ký quỹ thêm trong năm 2021.
Vốn chủ sở hữu các CTCK sẽ tăng 652 triệu USD năm 2021, qua đó sẽ có 30.000 tỷ cho vay margin mới
Về hệ thống quá tải, chúng ta có nhiều phương án khắc phục, đại diện Dragon Capital kỳ vọng với ý chí của các Sở, với sự quyết liệt của Chính phủ và sự tham gia của các tập đoàn lớn, hệ thống được xử lý vào tháng 8/2021, và hệ thống của Hàn Quốc có thể đi vào vận hành vào quý 1/2022.
Về mặt định giá, một số cổ phiếu đã tăng 50-70% nhưng đó là tăng từ đáy từ đợt Covid. Top 60 cổ phiếu lợi nhuận tăng trưởng sau thuế tăng 30%, định giá PE khoảng 12 lần, nếu xét trong khu vực chúng ta vẫn là một trong các nước định giá thấp nhất khu vực. Theo ông Tuấn, việc định giá bằng các nước trong khu vực sẽ không diễn ra nhanh chóng vì cơ sở nhà đầu tư của chúng ta không theo kịp, nhưng sẽ diễn ra 3-5 năm tới.
Định giá TTCK Việt Nam vẫn rẻ so với khu vực - Nguồn: Dragon Capital
Chuyên gia Dragon Capital cho rằng đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản và ngân hàng là nhóm hưởng lợi lớn nhất.
Với ngành ngân hàng, chúng ta đang chuyển hoá từ xấu sang tốt (đỏ là xấu, vàng là trung bình, xanh là tốt), chúng ta đang tốt hơn rất nhiều so với các năm trước. Ngành ngân hàng đang chiếm 28% index, 5 năm qua ngành ngân hàng đều tăng vượt index, và 2021 vẫn là một năm tốt của ngành ngân hàng.