MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó tổng giám đốc SCIC: Người đại diện vốn Nhà nước chỉ có tiếng không có miếng, thoái vốn xong có khả năng “ra đường”!

Trong buổi hội thảo diễn ra sáng nay (29/11), dành hơn một nửa thời gian phát biểu, ông Lê Song Lai, Phó TGĐ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kêu “khổ” hộ 222 người đại diện vốn Nhà nước của SCIC tại các doanh nghiệp.

Tính đến hết 9/2016, số lượng người đại diện vốn Nhà nước của SCIC là 222 người; trong số đó, cán bộ của SCIC là 54 người, chuyên trách tại doanh nghiệp là 163 người, công chức tham gia kiêm nhiệm là 5 người.

Thông qua chế độ báo cáo của những người này, SCIC đã chỉ đạo, tham mưu và tư vấn kịp thời cho người đại diện trong vai trò là thành viên HĐQT, BKS và lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình quản lý, điều hành và ra các quyết định lớn. Có vai trò quan trọng, nhưng cơ chế cho những người này vẫn còn nhiều bất cập.

Lương thưởng kém, động viên nhau bằng... lời nói

Theo bật mí của ông Lê Song Lai, nguồn cung những người đại diện vốn Nhà nước trên thị trường rất hạn chế, thậm chí là hiếm vì ở Việt Nam chưa ai coi việc ngồi HĐQT là một nghề nghiệp, phần lớn chỉ xem đấy là công việc tay trái.

Dù hiếm, dù quan trọng, nhưng hiện chế độ đãi ngộ, thù lao hay lương thưởng cho những người đại diện đang không tương xứng với công sức họ bỏ ra. “Dù luật đã cho phép người đại diện được hưởng thù lao nhưng thực tế là tất cả 222 người này của SCIC không nhận được bất cứ một đồng nào từ người sử dụng”, ông Lai nói.

Không còn cách nào khác, những người như ông Lai chỉ còn biết cách động viên họ bằng “lời nói” hay dùng lá phiếu của mình để ủng hộ cho họ tham gia vào HĐQT để được hưởng thù lao của Hội đồng này.

“Số tiền này chúng tôi không truy thu lại, họ được hưởng”, ông cho biết.

Bởi lẽ, đối với những người là cán bộ của SCIC, tất cả thù lao họ được nhận tại doanh nghiệp phải nộp hết về cho SCIC.

“Có người bảo tôi, anh ngồi nhiều HĐQT thế anh được hưởng hết. Nhưng không có đâu, nộp về hết. Làm người đại diện vốn Nhà nước quyền lợi không như mọi người nghĩ, trách nhiệm thì có nhưng quyền lợi thì không tương xứng!”, ông Lai hài hước.

Trách nhiệm ở đây có thể đơn giản như là việc báo cáo, mà ông nhận định là “chặt chẽ đến ngột thở”. Cụ thể, đến năm thứ 12, các quy định về báo cáo của người đại diện càng chặt chẽ, càng nhiều, càng thường xuyên liên tục, càng chi tiết cụ thể. Và dù biết là điều này sẽ hạn chế tính sáng tạo, chủ động của người đại diện, nhưng ông cũng không biết làm cách nào bởi đấy là luật, là quy định.

Hay phức tạp nữa là cách mà các cổ đông khác nhìn vào những người đang đại diện cho Nhà nước mà theo đó, họ kỳ vọng cao hơn. Ông Lai kể nhiều khi có những kiện tụng sai phạm của doanh nghiệp, toà án cũng “vời” cổ đông Nhà nước đến, vì nghĩ họ có trách nhiệm.

“Vì chúng tôi là cổ đông Nhà nước nên có quyền và nghĩa vụ liên quan!”, ông nói.

Thoái vốn Nhà nước xong là thất nghiệp?

Cũng theo ông, làm người đại diện rất khổ, vì có thể bị thất nghiệp bất cứ lúc nào sau khi SCIC bán vốn xong. Nếu doanh nghiệp, có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì sẽ được ký hợp đồng, hưởng lương như người lao động bình thường. Nhưng, nếu các ông chủ mới không sử dụng nữa thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng, “thành ra đường”.

“Nhiều người đã đến tìm, bảo: các ông phải bố trí công ăn việc làm cho tôi, tôi vẫn còn tuổi lao động nhưng cũng không biết phải làm như thế nào!”, ông Lai kể.

Do đó, ông cho rằng đây là một chính sách bất cập, cần phải thay đổi. Nó vừa không đúng với người đại diện, vừa nảy sinh vấn đề liên quan đến tốc độ thoái vốn của doanh nghiệp. Bởi lẽ, cứ thoái vốn xong là những người này có thể không được sử dụng nữa, thoái vốn đồng nghĩa với mất hợp đồng, mất công ăn việc làm...

“Nhiều người đại diện không ủng hộ việc thoái vốn, thoái vốn nghĩa là ra đường, nhất là khi họ không sở hữu một tỷ lệ nào trong doanh nghiệp”, ông Lai cho biết.

Mà nếu không vướng vào câu chuyện trên, thì người đại diện cũng gặp nhiều nhiêu khê khác. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, người đại diện vốn Nhà nước được xem như là công chức nên toàn bộ quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bãi miễn thực hiện như một công chức.

Ông Lai kể, có những trường hợp có người đại diện có năng lực nhưng đến tuổi về hưu, doanh nghiệp đang thoái vốn gần xong cũng buộc phải chấm dứt, nếu không, khi thanh tra kiểm tra sẽ phê bình là “níu kéo, để người ta bám giữ ghế lâu dài”. Nhưng cũng có trường hợp mâu thuẫn, nếu thẳng tay làm, thì lại bị bảo là “cứng nhắc, người ta đang làm tốt...”.

Do đó, ông Lai cho rằng việc coi người đại diện như công chức là hạn chế lớn nhất, cần phải thay đổi trong tương lai, để cho người đại diện vốn Nhà nước có thể yên tâm công tác, cống hiến cho nhiệm vụ được giao.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên