MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Tổng giám đốc Vinasun: Thị trường còn mình Grab sẽ càng nguy hiểm hơn!

Nhiều bất ngờ đã xảy ra đối với thị trường vận tải trong thời gian qua khi liên doanh taxi ComfortDelgro Savico chính thức đóng cửa và Grab "thâu tóm" Uber, trở thành gã khổng lồ taxi công nghệ duy nhất ở Việt Nam.

Sáng nay (26/3) Grab Việt Nam đã phát đi thông cáo chính thức cho biết đã thâu tóm Uber tại Đông Nam Á. Đổi lại, Uber được 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty. CEO của Uber, ông Dara Khosrowshashi cũng sẽ gia nhập ban lãnh đạo của Grab.

Các tài xế Uber trong ngày cũng đã nhận được thông báo họ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng của Grab từ ngày 8/4/2018.

Thương vụ sáp nhập diễn ra trong bối cảnh những tranh cãi về Uber – Grab và các hãng taxi công nghệ chưa có hồi kết. Thậm chí, trước đó ít hôm, ngày 22/3, liên doanh taxi ComfortDelgro Savico tuyên bố đóng cửa để bảo toàn vốn sau một thời gian không cạnh tranh nổi với Uber và Grab. Đây là hãng taxi Việt Nam đầu tiên đi đến quyết định này.

Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là Phó TGĐ Công ty Vinasun về những diễn biến trên thị trường vận tải taxi.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường khi không còn sự hiện diện của Uber ?

Nó sẽ càng nguy hiểm hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và đi gần đến độc quyền. Bên cạnh đó, Grab còn có tiềm lực tài chính mạnh khiến họ có thể sử dụng chiến lược giá huỷ diệt, rất nguy hiểm với doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 86 đang được lấy ý kiến, được cho là sẽ cởi trói cho các hãng taxi truyền thống. Theo ông, Nghị định này có thể tạo nên những "tươi mới" cho thị trường, giúp cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh?

Với phát biểu của Bộ trưởng GTVT, về phía các doanh nghiệp, chúng tôi có sự tin tưởng và lạc quan nhất định. Thời gian qua, doanh nghiệp khó khăn là vì điều kiện kinh doanh bất bình đẳng. Khi được cởi trói khỏi những điều kiện này thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn.

Tôi nghĩ không một doanh nghiệp Việt Nam nào đòi hỏi sự bảo hộ, họ chỉ cần được cạnh tranh công bằng thôi.

Thực ra phần mềm gọi xe các doanh nghiệp trong nước cũng nghiên cứu nhiều nhưng tại sao mãi đến khi Grab, Uber vào họ mới triển khai là bởi thời điểm 2014 hạ tầng công nghệ thông tin của chúng ta còn yếu. Điều này tôi đã nói nhiều lần tại các hội thảo rồi.

Tôi cho rằng những loại hình mới này kinh doanh taxi thì phải quản như taxi. Trong quá trình như thế việc quyết tâm sửa đổi Nghị định 86 tôi tin rằng khi định danh được những cái mới, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp Việt bằng trí tuệ của mình đủ khả năng để đối đầu.

Cảm ơn ông!  

Đức Minh (Thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên