MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Viện trưởng CIEM: Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh rất tốt, nhưng đã 5 năm mà mục tiêu cơ bản vẫn như ban đầu!

95% thành công năm ở việc tổ chức thực thi chính sách. Nhưng đây cũng là khâu có nhiều yếu kém, khiến Nghị quyết 19 không được thực thi đầy đủ. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Chính phủ cần áp dụng cùng lúc 2 biện pháp để tạo đột phá về thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Khi đó, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ trở nên “rất khiêm tốn”.

Thể chế thúc đẩy lối kinh doanh ngắn hạn

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với báo chí, bên lề Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 19/6.

Thay vì được ban hành ngay trong Quý I như 4 lần trước đó, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh đã được ban hành vào giữa năm (15/5/2018). Trong khi đó, điều kiện kinh doanh trói buộc, nhiều giấy phép con vẫn là điều được các doanh nghiệp phản ánh.

"Theo ghi nhận của chúng tôi, luôn có sự chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách theo đúng yêu cầu của Chính phủ. Cho đến nay, Nghị quyết 19 đã bước sang năm thứ 5 thực hiện với những mục tiêu cơ bản vẫn như ban đầu… Nghị quyết 19 là một bản nghị quyết rất tốt về nội dung và cam kết chính trị, nhưng hàng năm vẫn có đánh giá rằng nghị quyết chưa được thực thi đầy đủ, toàn diện, đúng thời hạn. Cái cần suy nghĩ hiện nay chính là cách thức thực hiện" – ông Phan Đức Hiếu nói.

Phó Viện trưởng CIEM: Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh rất tốt, nhưng đã 5 năm mà mục tiêu cơ bản vẫn như ban đầu! - Ảnh 1.


Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, khâu tổ chức thực hiện chiếm tới 95% thành công của chương trình cải cách. Giải pháp trên giấy cùng các cam kết chỉ đóng góp 5%, dù cho điều đó mạnh mẽ đến đâu.

Do thể chế chậm được thay đổi, doanh nghiệp tiếp tục lối tư duy ngắn hạn thay vì đầu tư, kinh doanh theo hướng bền vững.



"Giấy phép kinh doanh thường có thời hạn 5 năm và doanh nghiệp phải làm các thủ tục gia hạn sau đó. Rủi ro rất lớn sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp nếu giấy phép không được gian hạn. Theo đúng pháp luật, nhà máy sẽ bị dừng hoạt động, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Nếu tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp có thể bị rút giấy phép kinh doanh. Rủi ro pháp lý được đặt ra đối với doanh nghiệp và thúc đẩy họ kinh doanh theo ngắn hạn, làm sao thu hồi vốn nhanh nhất và rút khỏi thị trường. Câu chuyện sẽ khác nếu giấy phép có thời hạn 20 năm hoặc lâu hơn" – ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề.

Rủi ro pháp lý có tác động lớn nhưng hiếm khi được bàn thảo. Nguyên nhân của vấn đề này có thể do chi phí cơ hội không được tính toán để có con số cụ thể. Nhưng trong trường hợp cụ thể của một doanh nghiệp, số tiền thiệt hại còn lớn hơn cả giá trị một nhà máy.

Để thay đổi tư duy kinh doanh ngắn hạn của doanh nghiệp, việc cần làm là tạo nên thể chế tốt. 2 cách thức phải được thực hiện đồng thời: Một là, các bộ ngành tự rà soát và cải cách (cách thức đã được áp dụng tại Việt Nam); Hai là, Chính phủ chủ động rà soát và áp đặt các phương án cải cách xuống bộ, ngành.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có thể quá khiêm tốn

Theo ông Phan Đức Hiếu, có 2 cách hiểu về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp được đề ra trong Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

"Hiểu theo nghĩa tích cực, con số 1 triệu doanh nghiệp đã loại trừ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Về bản chất, họ đã gia nhập thị trường và chỉ chuyển đổi hình thức khác. Nhưng ở nghĩa ít tích cực hơn, có thể chúng ta phải chấp nhận việc đó. Khi hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, nghĩa là họ đã thay đổi tư duy, kinh doanh chuyên nghiệp hơn, đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh rộng lớn hơn" – ông Phan Đức Hiếu nói.

Phó Viện trưởng CIEM: Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh rất tốt, nhưng đã 5 năm mà mục tiêu cơ bản vẫn như ban đầu! - Ảnh 2.

Hiện tại, không thiếu những hộ kinh doanh đặt dấu hỏi lợi ích trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nếu lợi ích này chưa rõ ràng hoặc chưa đủ lớn, việc chuyển đổi sẽ không dễ dàng. Ngược lại, khi rào cản pháp luật đối với doanh nghiệp bị gỡ gỏ, hộ kinh doanh hẳn sẽ cân nhắc chuyển thành mô hình doanh nghiệp.

"Khi đó, ngay cả không có sự ép buộc, tự các hộ kinh doanh cũng lựa chọn mô hình doanh nghiệp vì yếu tố an toàn, vì yếu tố an toàn, bền vững. Xét về lâu dài, biện pháp căn cơ vẫn phải là cải cách triệt để, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Nếu làm được những cải cách mang tính đột phá như vậy, tôi cho rằng con số 1 triệu doanh nghiệp vẫn còn là khiêm tốn" – ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên