MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phố Wall thích Trump hay Biden thắng cử Tổng thống Mỹ?

01-10-2020 - 14:55 PM | Tài chính quốc tế

Bầu không khí thận trọng, lo lắng, thậm chí là hoang mang đang bao trùm Phố Wall khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang bước vào giai đoạn quyết định.

Thị trường phản ứng thận trọng sau cuộc tranh luận đầu tiên

Tối ngày 29/9 theo giờ Mỹ, cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu phó Tổng thống Joe Biden đã kết thúc với điểm nhấn là sự đối đầu nảy lửa giữa hai ứng viên. Theo đánh giá của CNN, Tổng thống Trump có vẻ như kiểm soát cuộc tranh luận, nhưng điều này không đồng nghĩa với một chiến thắng.

Phố Wall thích Trump hay Biden thắng cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ chưa tạo ra tác động lớn lên thị trường chứng khoán (Nguồn: Reuters)

Theo CNBC, giới đầu tư đã theo dõi phiên tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên với một thái độ hết sức thận trọng. Chốt phiên giao dịch ngày 29/9 – trước thời điểm diễn ra phiên tranh luận, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức giảm điểm nhẹ. Trong thời gian diễn ra cuộc tranh luận, các chỉ số tương lai có dấu hiệu tăng nhẹ lúc đầu, nhưng sau đó nhanh chóng đánh mất thành quả này khi phiên tranh luận kết thúc, và có xu hướng giảm nhẹ khoảng gần 0,5%.

Phố Wall thích Trump hay Biden thắng cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 2.

Các chỉ số chứng khoán tương lai chính của Mỹ đều giảm điểm nhẹ sau khi kết thúc phiên tranh luận Tổng thống đầu tiên hôm 29/09 (Nguồn: CNBC)

Hiện vẫn chưa rõ sự thay đổi này có liên quan đến những lập luận gây tranh cãi mà các ứng viên trao đổi qua lại hay không. Một số nhà đầu tư hy vọng rằng, các phiên tranh luận có thể mang lại những tín hiệu rõ ràng hơn về một người chiến thắng trong cuộc bầu cử, và sự bất ổn sẽ không kéo dài.

Tuy nhiên, điều này có thể mất một vài ngày. Theo bà Rebecca Felton – chiến lược gia thị trường cấp cao tại Richmond, "Có lẽ sẽ không thể thấy được phản ứng tức thời của dư luận ngay sau cuộc tranh luận, nhưng có thể tìm kiếm chúng trong dữ liệu thăm dò sau đó". Các dữ liệu có thể cho thấy ông Biden tiếp tục nới rộng khoảng cách hoặc Tổng thống Trump tiến lại gần đối thủ hơn.

Lịch sử cho thấy, thị trường thường không chứng kiến những biến động quá lớn sau các cuộc tranh luận đầu tiên – cũng là cuộc tranh luận có nhiều người theo dõi nhất. Các số liệu từ Dữ liệu thị trường Dow Jones cho thấy, trong những lần bầu cử kể từ năm 1960 - khi diễn ra các cuộc tranh luận Tổng thống, mức biến động trung bình của chỉ số S&P 500 vào ngày hôm sau là -0,14%.

Thắng lợi của các ứng viên sẽ tác động thế nào tới thị trường?

Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về những tác động đối với thị trường trong trường hợp Tổng thống Trump hoặc cựu phó Tổng thống Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo Market Watch, nhìn chung, các nhà phân tích xem triển vọng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán, trong khi một chiến thắng của ứng viên Biden sẽ dẫn đến sự sụt giảm, đặc biệt là trong trường hợp đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện từ tay đảng Cộng hòa, đồng thời vẫn giữ vững quyền kiểm soát Hạ viện.

Về cơ bản, một chiến thắng của Tổng thống Trump sẽ đảm bảo cho việc cắt giảm thuế doanh nghiệp hồi năm 2017 vẫn được duy trì. Ông sẽ thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn, nhưng cũng nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì lập trường đối đầu với Trung Quốc.

Ông Biden cũng là người đề xuất tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, tuy nhiên đồng thời cũng kêu gọi tăng thuế đối với các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao. Bên cạnh đó, ông cũng được coi là có nhiều khả năng thúc đẩy các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với một số lĩnh vực nhất định như năng lượng, ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Ở chiều ngược lại, ông Biden được coi là ít có khả năng sử dụng thuế quan đối với Trung Quốc, châu Âu và các đối tác thương mại khác – điều có thể đem lại tác động tích cực đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Phố Wall thích Trump hay Biden thắng cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 3.

Thắng lợi của mỗi ứng viên sẽ mang lại những tác động khác nhau đến thị trường chứng khoán Mỹ (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, phân tích của nhóm nghiên cứu Cornerstone Macro lại đưa ra kết luận hoàn toàn ngược lại. Theo đó, chiến thắng của ông Biden có thể làm tăng chỉ số S&P 500 khoảng 1% vào ngày hôm sau, trong khi sự tái đắc cử của ông Trump sẽ đẩy chỉ số này xuống khoảng 4%. Phân tích của Cornerstone Macro dựa trên so sánh thống kê về giá tài sản gần đây và tỷ lệ cá cược bầu cử. Nhóm nghiên cứu này nhận định "Có thể giải thích kết quả này là các thị trường ngày càng tăng giá khi ông Biden thắng và coi phương án ông Trump thắng là yếu tố tiềm ẩn một số rủi ro, có thể bắt nguồn từ căng thẳng thương mại leo thang hoặc các yếu tố tương tự".

Quỹ đầu tư Gullane Capital Partners LLC tại Memphis, Tennessee cho biết đang tập trung vào nghiên cứu ảnh hưởng có thể có của từng ứng cử viên tổng thống đối với các cổ phiếu cụ thể mà họ sở hữu, thay vì ảnh hưởng của từng ứng viên đối với Phố Wall nói chung. Phó tổng giám đốc Trip Miller của quỹ này nhận định: "Ông Biden thắng sẽ tốt cho một số cổ phiếu của chúng tôi, như năng lượng mặt trời, và ông Trump thắng sẽ tốt hơn cho một số mảng khác khi các quy định có thể sẽ ít hơn".

Bất ổn kéo dài – kịch bản tệ nhất cho phố Wall

Theo Market Watch, kết quả của cuộc bầu cử không phải là mối bận tâm lớn nhất của phố Wall. Có một kịch bản đang ngày càng được bàn đến nhiều hơn: rất có thể cuộc bầu cử sẽ chưa thể ngã ngũ sau ngày 3/11, và có khả năng kể cả khi đã xác định được ông Trump hay ông Biden sẽ chiến thắng thì cuộc chuyển giao quyền lực sẽ không suôn sẻ.

"Nỗi sợ ở đây là nếu chúng ta có 1 cuộc bầu cử bị gián đoạn, dẫn đến cả nền kinh tế bị gián đoạn và thậm chí là bạo lực. Khi đó, thị trường sẽ chịu tác động cực lớn", ông Brad McMillan – giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network nhận định trong 1 báo cáo được công bố mới đây.

Theo ông Daniel Deming – giám đốc điều hành KKM Financial, "Đó sẽ là một đêm dài và có rất nhiều thứ cần giải quyết. Rõ ràng là mọi chuyện sẽ không kết thúc ngay trong ngày 3/11 và thị trường không quá kỳ vọng vào điều đó". Ông cũng cho biết thêm, "Áp lực biến động ngắn hạn có thể sẽ không giảm bớt ngay sau cuộc tranh luận này. Trên một phương diện nào đó, nó thậm chí còn tạo ra nhiều bất ổn hơn".

Trong khi đó ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại National Securities, cho biết những ngày này quỹ của ông nhận được rất nhiều câu hỏi từ khách hàng về bầu cử. "Câu hỏi số 1 hiện nay là cuộc bầu cử ảnh hưởng như thế nào đến thị trường và nền kinh tế?" Ông Hogan nhận định: "Việc có nhiều sự lo lắng trước khi bước vào tháng Mười Một là điều hết sức tự nhiên. Đây là tình thế có một không hai. Đại dịch khiến chúng ta có rất nhiều cử tri bỏ phiếu qua thư và cuộc bầu cử trở nên hết sức khó đoán".

Tổng thống Donald Trump càng khiến phố Wall lo lắng hơn khi nhiều lần lảng tránh cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho ông Biden nếu như đảng Dân chủ chiến thắng. Đương kim Tổng thống cho rằng bỏ phiếu qua thư sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và không thể kiểm soát được quá trình bỏ phiếu. Bình luận về vấn đề này, trong một bức thư gửi tới các khách hàng, chiến lược gia cấp cao John Normand của JPMorgan đã cảnh báo rằng, "nền chính trị Mỹ đang ngày càng trở nên kỳ lạ hơn, ngay cả khi so với tiêu chuẩn của 4 năm qua (dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump)".

Ông DJ Peterson, Chủ tịch công ty tư vấn địa chính trị Longview Global Advisors đã đưa ra một số dự báo về các kịch bản rủi ro cho cuộc bầu cử năm nay:

- Kết quả bầu cử bị công bố chậm 48 giờ (tối đa là 72 giờ)

- Tổng thống Donald Trump tuyên bố có gian lận trong quá trình kiểm phiếu

- Tình trạng hỗn loạn tại các văn phòng bầu cử hay trên đường phố Washington

- Tổng thống Donald Trump phải ra lệnh cho quân đội vào cuộc để vãn hồi trật tự, bảo vệ Nhà Trắng; việc sử dụng quân đội bị coi là để bảo vệ ông Trump và bị chính trị hóa.

Ông Peterson miêu tả đây là những "yếu tố rủi ro lớn nhất", đồng thời nhắc lại cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2000. Khi đó, cuộc đấu giữa ứng viên đảng Dân chủ Al Gore và ứng viên đảng Cộng hòa George W.Bush đến tận giữa tháng 12 mới ngã ngũ vì những tranh cãi xung quanh việc kiểm phiếu lại ở bang Florida. Các dữ liệu cho thấy, từ ngày 7/11 (ngày bầu cử) đến ngày 15/12/2000 (ngày công bố người chiến thắng cuối cùng), chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 8%.

Phố Wall thích Trump hay Biden thắng cử Tổng thống Mỹ? - Ảnh 4.

Chỉ số S&P 500 giảm 8% trong quãng thời gian tranh cãi của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 (Nguồn: Market Watch)

Những lời khuyên cho giới đầu tư

Theo ông Brian Levitt, chiến lược gia trưởng tại Invesco, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục băn khoăn về việc, liệu có nên đứng ngoài thị trường để không chịu tác động từ cuộc bầu cử hay không? Sự sợ hãi là điều có thể dễ dàng nhận thấy đặc biệt là sau khi tháng Chín vừa mang lại kết quả tồi tệ nhất đối với thị trường chứng khoán, và tình hình trong tháng Mười được dự báo sẽ không khá hơn là bao.

Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 45% kể từ khi rơi vào "thị trường con gấu" hồi cuối tháng 3 do tác động của COVID-19, nhưng chỉ số này cũng đang sắp rơi vào giai đoạn điều chỉnh (tức giảm ít nhất 10% so với đỉnh gần nhất). Trong khi đó chỉ số Nasdaq đã rơi vào vùng điều chỉnh cách đây ít ngày, sau khi tăng 55% kể từ tháng 3.

Việc không có gói kích thích bổ sung dành cho những người bị mất việc làm và sự mơ hồ trong việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể làm gì để giúp nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, cùng với cảm giác rằng thị trường quá hưng phấn là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an.

Theo bà Victoria Fernandez – giám đốc chiến lược thị trường của Crossmark Global Investments có trụ sở tại Houston, các nhà đầu tư nên hạn chế đưa ra những phản ứng vội vàng đối với những diễn biến của cuộc bầu cử, bởi trong bối cảnh triển vọng kinh tế gần như chỉ xoay quanh đại dịch COVID-19, sự khác biệt trong chính sách của chính quyền thuộc mỗi đảng sẽ trở nên ít rõ ràng hơn. Bà cho biết "Nếu chúng ta có một chính quyền của đảng Dân chủ, thông thường có thể nói điều đó không thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi lớn đối với nền kinh tế khi mà ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn bao trùm". Do đó, ngay cả bản thân kết quả của cuộc bầu cử cũng không thể tạo ra nhiều tác động rõ ràng.

Còn theo ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại National Securities, với cuộc bầu cử năm nay, sẽ "không thể biết trước kết quả cuối cùng là gì, cũng như sự kết hợp giữa Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng ra sao". Chuyên gia này đồng tình rằng nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục đầu tư vào thị trường nhưng tốt hơn hết là nên tái cân bằng danh mục, bằng việc bán bớt một số cổ phiếu đã thắng lớn trong thời gian qua (như nhóm công nghệ), và rót tiền nhiều hơn vào các nhóm như ngân hàng. Bên cạnh đó, ông Hogan cũng lưu ý rằng, trong khi cuộc bầu cử đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế tổng thể sau đại dịch, các phương pháp điều trị và kiểm soát dịch bệnh vẫn sẽ động lực chính của thị trường.

Nguồn Financial Times, Reuters, CNBC, Market Watch

Theo Thanh Hiệp

VTV,vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên