MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phơi bày "mảng tối" đằng sau những chiếc iPhone, Macbook hào nhoáng

20-01-2018 - 10:56 AM | Tài chính quốc tế

Đằng sau các sản phẩm iPhone, Macbook hào nhoáng, biểu tượng cho sự giàu có là giọt mồ hôi của các công nhân làm việc vất vả trong môi trường độc hại với mức lương hạn chế.

Tổ chức Giám sát điều kiện lao động Trung Quốc (CLW) vừa có báo cáo về môi trường làm việc tại Catcher, nhà máy khổng lồ chuyên sản xuất và cung ứng phụ tùng cho Macbook, iPhone và iPad đặt ở Trung Quốc.

Li Qiang, người sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết ông đã gửi một điều tra viên bí mật đến làm việc tại Catcher trong ba tháng.

Phơi bày mảng tối đằng sau những chiếc iPhone, Macbook hào nhoáng - Ảnh 1.

Công nhân tại nhà máy Catcher mệt mỏi gục xuống bàn trong căng tin nhà máy trong giờ nghỉ.

Kết quả điều tra cho thấy các công nhân ở đây phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, dưới áp lực công việc vô cùng lớn. Các ca sản xuất kéo dài 10 tiếng đồng hồ trong các nhà xưởng chật hẹp, ồn ào và độc hại.

Theo tổ chức này, mặc dù điều kiện làm việc khắc nghiệt, các công nhân chỉ nhận được mức lương gần 6,5 triệu một tháng. Sau ca làm việc, những người lao động mệt nhọc lại trở về các ký túc xá tồi tàn, nơi họ ở 8 người một phòng và nhà tắm thì không có bình nước nóng.

Phơi bày mảng tối đằng sau những chiếc iPhone, Macbook hào nhoáng - Ảnh 2.

Những phòng vệ sinh chật hẹp chỉ có vòi hoa sen và nước máy lạnh.

Theo báo cáo công bố vào ngày 16/1, các công nhân không được trang bị găng tay phù hợp khiến họ bị kích ứng, lột da tay. Cửa nhà xưởng chỉ mở được 30 cm và ký túc xá thì không có lối thoát hiểm, nguy cơ hỏa hoạn cao.

Báo cáo bao gồm những bức ảnh về các khu ký túc xá chật chội, mất vệ sinh, nước thải đầy bọt đã tràn cả lên vỉa hè.

Những phát hiện được công bố chỉ 10 ngày sau khi một nhân viên của một nhà máy Trung Quốc sản xuất iPhone đã chết vì nhảy từ cửa sổ ở tầng 12.

"Apple cần phải thực hiện đúng tuyên bố của họ về việc tôn trọng luật pháp Trung Quốc", Li Qiang khẳng định trong một báo cáo.

Phản ứng trước báo cáo, Catcher đã lập tức lên tiếng kịch liệt phủ nhận những cáo buộc trên. Ngày 17//1, Catcher cho biết đã kiểm tra và "xác nhận rằng không điều gì trong báo cáo là chính xác."

Phơi bày mảng tối đằng sau những chiếc iPhone, Macbook hào nhoáng - Ảnh 3.

Công nhân làm việc 10 tiếng một ca mà không được trả lương tăng ca.

Apple cũng cho biết nhóm điều tra riêng của mình đã làm việc tại nhà máy ở Suqian, cách Thượng Hải khoảng 300 dặm về phía Tây Bắc. Tại đây, họ đã phỏng vấn hơn 150 công nhân, nhưng "không tìm thấy bằng chứng cho thấy Catcher đã vi phạm các tiêu chuẩn của hãng".

"Chúng tôi biết công việc của mình không bao giờ kết thúc và chúng tôi điều tra mọi cáo buộc", người phát ngôn của Apple cho hay. "Chúng tôi luôn nỗ lực làm tất cả những gì có thể để bảo vệ công nhân trong chuỗi cung ứng của mình và tạo ra một tác động tích cực đến môi trường."

Apple tiết lộ họ duy trì một đội giám sát ngay tại nhà máy Catcher, và ở đây đã có những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao các tiêu chuẩn từ năm 2012.

Có thông tin rằng họ sẽ xây dựng ký túc xá mới trên khu đất gần nhà máy để "nâng cao mức sống cho nhân viên của chúng tôi."

Tháng 5/2017, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin hơn 80 công nhân Catcher đã phải nhập viện sau khi tiếp xúc với khí độc.

Trở lại năm 2013 và 2014, tổ chức này đã từng lên tiếng về những vi phạm tương tự đối với quyền an toàn và lao động tại đây.

Phí tổn cho việc quản lý các chuỗi cung ứng toàn cầu đầy phức tạp là một khó khăn lớn, ngay cả đối với các công ty, như Apple, một hãng đã tuyên bố chấp nhận tìm nguồn cung ứng có đạo đức như một ưu tiên kinh doanh.

Theo The Sun

Theo Minh Vân

Thời Đại

Trở lên trên