MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phông bạt tài chính" với bạn đời: Sai lầm lớn trong quản lý chi tiêu gia đình

11-01-2024 - 15:51 PM | Sống

Không thành thật với vợ/chồng về tài chính của bản thân chính là lỗi sai đầu tiên và lớn nhất mà không ít gia đình gặp phải.

Ai cũng biết hoạch định, lên kế hoạch chi tiêu là 1 trong những cách thức để quản lý tài chính gia đình, thế nhưng dù bạn có lên kế hoạch chỉn chu hay ghi chép cẩn thận việc chi tiêu hàng ngày đến đâu mà vẫn mắc phải lỗi này thì việc quản lý tài chính gia đình cũng khó thành công.

"Phông bạt tài chính" với bạn đời, nghe thì có vẻ kì lạ nhưng chắc hẳn không ít cặp vợ chồng đặc biệt là những cặp đôi mới cưới mắc phải. "Phông bạt" ở đây không có nghĩa là "flex" những thứ viển vông hão huyền không có thật về tiềm lực kinh tế của bản thân mà nhiều khi nó xuất phát từ những suy nghĩ tốt cho đối phương. Nhưng vô tình, suy nghĩ tốt đó lại trở thành trướng ngại lớn trong công cuộc quản lý tài chính gia đình.

Độc lập tài chính - bài toán khó cho các cặp vợ chồng

Việc hai vợ chồng độc lập tài chính không phải là hiếm gặp và cũng không hoàn toàn là xấu, nó chỉ trở thành vấn đề bất cập khi cả hai không chia sẻ với nhau.

Lựa chọn độc lập tài chính, tiền anh anh tiêu - tiền tôi tôi tiêu, gia đình của Liên (trú tại Thủ Đức - TP.HCM) trước khi tìm được cách thức hài hòa như hiện tại cũng đã từng có lúc không tìm được tiếng nói chung.

"Phông bạt tài chính" với bạn đời: Sai lầm lớn trong quản lý chi tiêu gia đình- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cả hai vợ chồng Liên đều vui vẻ và đồng thuận với việc độc lập tài chính với nhau. Liên đã lên danh sách dự trù chi tiêu trong gia đình và của hai thống nhất mỗi tháng sẽ nộp vào tài khoản chung để chi tiêu những thứ chung của cả hai. Ban đầu mọi thứ đều ổn, cho đến khi xuất hiện những phát sinh bất thình lình.

Tháng đầu tiên phát sinh, Liên lựa chọn tự trích tiền của mình bù vào với suy nghĩ số tiền phát sinh đó chẳng đáng là bao nhiêu. Tuy nhiên, càng về sau, số tiền Liên phải bù vào càng ngày càng nhiều và gần như tháng nào cũng phải bù.

Cho đến khi sau khi bù thêm vào tiền chung, Liên hết sạch tiền để chi cho các khoản riêng của mình. Lúc này cô mới nhận ra mình đã sai lầm ngay từ đầu. Thay vì ngồi xuống nói chuyện với chồng về việc thay đổi quỹ tiền chung thì cô lại chọn việc tự bù tiền để rồi mọi chuyện cứ càng ngày càng rối tinh rối mù.

Thà đi vay tiền chứ không đề nghị chồng phụ tiền học cho con

Không chọn độc lập tài chính như gia đình Liên, thế nhưng Trinh (29 tuổi, trú tại Ba Đình - Hà Nội) cũng rơi vào tình huống khá giống khi không chia sẻ vấn đề tài chính với bạn đời.

Mỗi tháng, chồng của Trinh sẽ chủ động chuyển tiền để cho lo liệu mọi việc trong nhà, bản thân anh vẫn giữ lại một khoản nhỏ để chi tiêu cho mình.

Thế nhưng sau khi bị cắt giảm thu nhập tại nơi làm việc, Trinh không hề bàn bạc với chồng về việc gia đình sẽ bị thâm hụt một khoản để tìm ra phương án hợp lý để xử trí các hạn mục chi tiêu mà lựa chọn im lặng và tự tìm cách xoay xở.

"Phông bạt tài chính" với bạn đời: Sai lầm lớn trong quản lý chi tiêu gia đình- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Mình có suy nghĩ rằng chồng đã đưa tiền cho mình tay hòm chìa khóa rồi, việc không biết sắp xếp chi tiêu để thiếu trước hụt sau là lỗi của mình nên có những tháng đến hạn đóng tiền học cho con dù tài khoản không đủ để đóng mình vẫn thà đi vay bạn bè người thân chứ không chủ động nhờ chồng phụ giúp".

Hậu quả của hành động này là đùng một cái, cô giáo gọi điện cho chồng Trinh để nhắc nhở về việc chậm đóng tiền học của con. Lúc này, Trinh mới chấp nhận đối diện và nói chuyện với chồng về vấn đề kinh tế trong gia đình.

"Phông bạt tài chính" với bạn đời: Sai lầm lớn trong quản lý chi tiêu gia đình

Phông bạt ở đây là khi vợ/chồng khi thiếu hụt trong chi tiêu nhưng vẫn nói với nửa kia của mình rằng bản thân có thể tự lo được, tự thu xếp được dù rằng vẫn đang quay quắt không biết lấy đâu ra để chi vào nhưng khoản bắt buộc.

Có rất nhiều lý do cho việc "phông bạt" này như ngại phải đề cập đến chuyện tiền nong, không muốn bạn đời phải lo lắng... để rồi dẫn đến việc không chia sẻ vấn đề tài chính mình đang gặp phải với chính vợ hoặc chồng của mình.

Dù bạn đã có kế hoạch chi tiêu cụ thể thì việc thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn hoặc chính kế hoạch chi tiêu đó chưa hợp lý cần phải có điều chỉnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi gặp phải tình huống này bạn nên bàn bạc và hỏi ý kiến của bạn đời thay vì im lặng và tự tìm cách giải quyết. Bởi vì nếu không có cách xử lý đúng đắn, bạn vừa không thể quản lý được chi tiêu của gia đình mình lại vừa có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ của hai vợ chồng.

Theo Mạn Ngọc

Phụ nữ số

Trở lên trên