MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cướp ngân hàng

18-06-2019 - 11:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cướp ngân hàng với thủ đoạn manh động và liều lĩnh. Nếu như trước đây, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu là những kẻ có tiền án, tiền sự, hoạt động theo các băng, ổ nhóm thì hiện nay một số đối tượng gây án đều hoạt động đơn lẻ...

Nguyên nhân phạm tội chủ yếu là do nợ nần, thua lỗ trong việc làm ăn, cần một khoản tiền lớn phải chi trả. Khi bị thúc ép đòi nợ, các đối tượng túng quẫn, làm liều và các ngân hàng, phòng giao dịch, nằm ở những điểm vắng người qua lại, hệ thống cảnh báo còn nhiều sơ hở là điểm chúng “nhắm” đến. Trước khi gây án, đối tượng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan Công an.

Hành động đơn lẻ, liều lĩnh manh động

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cướp nhằm vào ngân hàng và phòng giao dịch. Trong năm 2018 xảy ra khoảng 6 vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; những tháng đầu năm 2019, đã xảy ra ba vụ cướp manh động và liều lĩnh.

Một điểm chung, dễ nhận thấy của các vụ án này là đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đều là những kẻ chưa có tiền án, tiền sự; nguyên nhân phạm tội bắt nguồn từ việc nợ nần, không có khả năng chi trả.

Trường hợp của Nguyễn Thành Nam (SN 1985, ở khu 5, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), đối tượng gây ra vụ cướp hơn 500 triệu đồng, tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào cuối tháng 5-2019, là ví dụ.

Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, kẻ gây ra vụ cướp 500 triệu đồng chưa từng có tiền án, tiền sự và đã từng làm nhiều nghề khác nhau trong đó có MC đám cưới, kinh doanh game online... Do thường xuyên đánh bạc, Nam rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Theo lời khai của Nam tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ thì trước thời điểm gây án, Nam đã vay tiền của nhiều người. Ngoài các đối tượng xã hội, Nam còn mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều người thân trong gia đình, cầm cố vay tiền... với tổng khoản nợ lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, Nam bị các chủ nợ gây áp lực rất lớn để đòi tiền. Nhiều người thân của Nam cũng có nguy cơ bị đẩy ra ngoài đường khi bị ngân hàng xiết nợ. Cũng chính vì thế, Nam nảy sinh ý định cướp tài sản của ngân hàng để chi tiêu cho bản thân và trả các khoản vay.

Trong quá trình đi chơi, Nam phát hiện phòng giao dịch tại một ngân hàng ở huyện Thanh Ba,  nằm ở khu vực vắng người qua lại; tại phòng giao dịch này chỉ có nhân viên bảo vệ trông nom vào buổi đêm nên lựa chọn địa điểm này thực hiện hành vi pham tội và thời điểm gây án là ngày 31-5.

Để tránh sự phát hiện của Công an, Nam mượn xe máy của người quen ở Tuyên Quang; dùng bùn che biển kiểm soát, dùng khẩu trang để che giấu tung tích... Sau 36h nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Công an huyện Thanh Ba đã bắt giữ đối tượng gây án, trả lại tài sản cho người bị hại.

Trước đó, sau gần 1 ngày tích cực điều tra, Công an tỉnh Thái Bình điều tra, đã làm rõ vụ cướp ngân hàng liều lĩnh, bắt giữ Lê Văn Cẩn (SN 1969, trú tại thôn Kiều Mộc, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình).

Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Lê Văn Cẩn đang là công nhân của một công ty trên địa bàn huyện Vũ Thư. Do nợ nần không có tiền trả chi trả, Cẩn đã nảy ý định cướp ngân hàng. Ngày 23-1, đối tượng bất ngờ ập vào ngân hàng trên địa bàn, dùng súng tự chế uy hiếp nhân viên.

Giữa tháng 1-2019, Trần Thế Khương (SN 1979, ở khu 3, phường Hà Khánh, TP. Hạ Long) mang theo một khẩu súng tự chế đến một ngân hàng, đe dọa nhân viên giao dịch là chị Trần Mai Hương và thủ quỹ là Vũ Thị Nhung, yêu cầu phải chuyển ngay 1.096.000.000 đồng vào tài khoản của Khương. Trong khi Khương đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị bắt giữ.

Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cướp ngân hàng - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Thành Nam cùng tang vật tại cơ quan Công an.


Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Từ các vụ cướp ngân hàng xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy một điểm chung: Đối tượng thực hiện các vụ cướp tài sản có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, trước thời điểm gây án, chúng tìm hiểu quy luật hoạt động, những sơ hở trong công tác bảo vệ của ngân hàng và phòng giao dịch... Khi gây án, thường có từ một đến hai đối tượng, di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, lợi dụng thời điểm phòng giao dịch hoặc ngân hàng vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung thì bất ngờ sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ, nhân viên rồi cướp số tiền lớn, sau đó nhanh chóng tẩu thoát.

Trong quá trình này, để tránh bị phát hiện, đối tượng gây án thường đội mũ, đeo khẩu trang, bịt mặt, đi găng tay. Trong khi đó, các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng xảy ra các vụ cướp thường bộc lộ nhiều sơ hở trong công tác bảo vệ. Thông thường các ngân hàng có lắp đặt hệ thống camera nhưng không có tác dụng.

Điển hình như vụ cướp xảy ra tại một ngân hàng tại huyện Thanh Ba. Ngân hàng này có lắp đặt hệ thống camera nhưng không phát huy tác dụng. Khi vụ cướp xảy ra, camera không ghi lại được hình ảnh của đối tượng nghi vấn.

Một số ngân hàng thì không được lắp đặt hệ thống báo động, hoặc có nhưng không kết nối với cơ quan chức năng. Một số trường hợp, hệ thống báo động không có phát huy tác dụng.., gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.

Trong khi đó, đối tượng gây án phần lớn đều là những kẻ chưa có tiền án, tiền sự nên sau khi sự việc xảy ra, công tác khoanh vùng, truy tìm, bắt giữ đối tượng của lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều vụ cướp xảy ra trong thời gian qua, đối tượng đã sử dụng súng tự chế để đe dọa, uy hiếp nhân viên ngân hàng cướp tài sản.

Để phòng ngừa và ngặn chặn tội phạm cướp ngân hàng, trước hết các ngân hàng, phòng giao dịch.., cần phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Việc lắp đặt các hệ thống camera giám sát cần được bố trí ở những vị trí có thể kiểm soát được người ra, người vào và thu được các hình ảnh rõ nét. Đội ngũ nhân viên bảo vệ không chỉ đủ về số lượng mà còn phải được đào tạo, đáp ứng với nhu cầu công việc.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng phải được các ngân hàng phối hợp với cơ quan Công an trên địa bàn đặt chân tiến hành một cách thường xuyên. Nhân viên ngân hàng và những người làm công tác bảo vệ phải nắm rõ phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng gây án, từ đó nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa.

Trong trường hợp xảy ra vụ việc phải biết bình tĩnh xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng; cung cấp các thông tin cần thiết cho Công an, phục vụ cho quá trình bắt giữ đối tượng.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an cơ sở cũng cần tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đây là nguyên nhân và mầm mống phát sinh của nhiều loại tội phạm. Khi đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ được tiến hành thì các vụ cướp tài sản mới được ngăn chặn và đẩy lùi.

Theo Mai Anh

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên