Phòng thủ danh mục trở thành ưu tiên hàng đầu, cổ phiếu bảo hiểm có gì hấp dẫn?
Cổ phiếu bảo hiểm nổi sóng
Khi rủi ro dần xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, nhóm cổ phiếu bảo hiểm với nhiều câu chuyện đáng chờ đợi, bắt đầu nổi lên như một lựa chọn khó có thể bỏ qua bởi khả năng chống chịu cao trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.
Khác với những năm gần đây, thị trường chứng khoán từ sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 không được suôn sẻ như kỳ vọng. VN-Index rung lắc mạnh khi gặp nhiều lực cản tại vùng đỉnh và gần như không thể cải thiện về mặt điểm số. Dù vậy, nhóm bảo hiểm vẫn âm thầm đi lên với nhiều cổ phiếu đang tìm đỉnh mới.
Cổ phiếu bảo hiểm vốn được biết đến với vai trò phòng thủ danh mục và thường ít được nhà đầu tư chú ý đến trong giai đoạn thị trường bùng nổ. Tuy nhiên, khi rủi ro dần xuất hiện nhiều hơn, nhóm ngành này bắt đầu nổi lên như một lựa chọn khó có thể bỏ qua, đặc biệt trong môi trường lạm phát và lãi suất tăng.
Nhiều cổ phiếu bảo hiểm có hiệu suất vượt trội so với VN-Index từ sau Tết
Ngay như phiên cuối tuần qua khi VN-Index mất gần 14 điểm, các cổ phiếu bảo hiểm vẫn đua xanh tím nổi bật với BVH, MIG tăng kịch trần. Trong khi VN-Index mất hơn 1% từ sau Tết, hầu hết các cổ phiếu bảo hiểm như MIG (+33%), BVH (+23%), VNR (+22%), BIC (+17%), BMI (+17%), PVI (+15%), PRE (+13%) đều có mức tăng vượt trội hơn.
Nhịp tăng thời gian qua đã đưa BVH tiến gần đến đỉnh 2 năm, BIC, PVI cũng áp sát đỉnh lịch sử, MIG thậm chí còn lập đỉnh mới. Tuy nhiên, cổ phiếu bảo hiểm vẫn còn nhiều câu chuyện đáng chờ đợi trong thời gian tới và nhiều khả năng con sóng mới chỉ bắt đầu?
Cú hích từ thoái vốn
Động thái thoái vốn của SCIC tại một số doanh nghiệp bảo hiểm như BVH, BMI được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Chứng khoán BVSC cho rằng, quá trình thoái vốn có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.
Điển hình như thương vụ Vietnam Post thoái vốn thành công PTI thu về 1.400 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Tại phiên đấu giá ngày 17/12, 100% lượng cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước đã được bán ra với giá đấu thành công bình quân 77.341 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức thị giá cổ phiếu PTI trên sàn thời điểm đó (51.500 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu PTI cũng có nhịp tăng bền bỉ trong thời gian dài trước khi bứt tốc mạnh mẽ từ khoảng gần 1 tháng trước phiên đấu giá.
Việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm cũng sẽ tạo tâm lý tích cực khi mở ra cơ hội cho khối ngoại tiếp cận các đợt thoái vốn Nhà nước. Từ tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.
Theo SSI Research, động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (BMI, PTI, PGI). Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với UBCKNN lên 100% (PTI, PVI, PRE) và 49% (BVH).
Xu hướng tăng lãi suất
Giữa tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm %, lên quanh mức 0,25 - 0,5%; đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất kể từ năm 2018, do lo ngại lạm phát tăng cao kỷ lục.
Ở trong nước, mặt bằng lãi suất cũng khó nằm ngoài xu hướng trên sau khi đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 năm 2020 và 2021 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Trong báo cáo mới đây, SSI Research cũng cho rằng lãi suất đã tạo đáy và hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng sẽ dần tốt hơn khi lãi suất tăng.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, VDSC lại cho rằng lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ chỉ tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản với các kỳ hạn dưới 1 năm (kỳ hạn gửi tiền phổ biến của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ) theo định hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ trong khi quy mô tiền gửi sẽ tăng tương ứng với quy mô phí bảo hiểm (13-14%).
"Mức tăng về lợi nhuận từ tiền gửi sẽ không đủ lớn để bù đắp cho phần giảm của lợi nhuận từ cổ phiếu. Do đó, lợi nhuận đầu tư cũng sẽ suy giảm trong năm nay", VDSC nhận định.
Nhiều chính sách thuận lợi
Các thay đổi về chính sách trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi cũng đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng doanh thu phí của nhiều sản phẩm bảo hiểm.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; tăng vai trò của cơ quan quản lý về quản lý giám sát; thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Do vậy, dự thảo sửa đổi luật này kỳ vọng sẽ tạo ra một bước tiến tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm.
Chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe cơ giới.
Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ tháng 12/2021) được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức rủi ro của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ và giảm tỷ lệ bồi thường của sản phẩm này.
Nghị định số 20/2022 NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, tạo cơ sở tăng trưởng doanh thu cho bảo hiểm trách nhiệm hoặc bảo hiểm xây dựng (tùy theo cách phân loại của công ty bảo hiểm).
Mặt khác, VDSC cho rằng Thông tư 14/2022/ TT-BTC (hiệu lực từ 28/2/2022) về bổ sung quy định về thỏa thuận thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm/nợ phí bảo hiểm và kéo dài thời hạn bảo hiểm đối với các khách hàng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định pháp luật có thể tác động lên doanh số phí bảo hiểm xe cơ giới theo chiều ngược lại.
Triển vọng tăng trưởng hậu Covid
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ 2 tháng đầu năm đạt 11.248 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. VDSC cho rằng tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ có thể sẽ chậm lại trong các tháng tới nhưng tăng trưởng cả năm vẫn có thể đạt xấp xỉ 13-14% hay 65.386 tỷ đồng.
Đánh giá cao triển vọng tăng trưởng khi đại dịch Covid-19 đi qua, BVSC cho rằng ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 -30%/năm.
Lạc quan hơn, SSI Research kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8%-10% so với cùng kỳ (vẫn thấp hơn mức trước Covid). Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18-20% so với năm trước.
Trí Thức Trẻ