Phỏng vấn hơn 1000 ứng viên, tôi nhận ra 3 tố chất chỉ xuất hiện ở những nhân tài vượt trội: Hầu hết người bình thường đều không làm được
Ứng viên xuất sắc là người đặt công việc lên trên chuyện tiền bạc.
- 05-11-2020Tỷ phú Bill Gates sẽ trả lời các câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng như thế nào? Chỉ 30 giây thôi nhưng đủ để gây ấn tượng, nghe mà muốn tuyển luôn
- 29-10-2020Phỏng vấn tuyển dụng: Bạn muốn sở hữu siêu năng lực tàng hình hay bay lượn? Câu trả lời được nhận sẽ khiến bạn bất ngờ
- 25-10-2020"Điểm yếu của bạn là gì?" cùng 4 câu hỏi phỏng vấn siêu bẫy từ các nhà tuyển dụng: Cách trả lời chúng đây này
Tất cả các nhà tuyển dụng - đặc biệt là những người đang tìm kiếm nhân sự cấp cao - đều có chung một mong muốn: Ứng viên phải thể hiện niềm tin vào tầm nhìn của công ty, dám chấp nhận rủi ro và thay đổi, có khả năng xây dựng và tiến hành chiến lược, chủ động và cầu tiến, luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Trên thực tế, lĩnh vực nào cũng xuất hiện kiểu ứng viên như vậy. Họ có thể là một nhân viên toàn thời gian, nhân viên bán thời gian, hoặc freelancer/cố vấn.
Sau khi phỏng vấn gần 1.000 người cho 60 vị trí cho công ty khởi nghiệp của mình, tôi đã quan sát và nhận thấy những ứng viên xuất sắc thường có 3 tố chất sau.
Người xuất sắc không câu nệ tiền bạc
Các ứng viên xuất sắc không nghĩ mình cần phải được trả công trước khi chứng minh được sự đóng góp của bản thân.
Chúng tôi từng gặp một người hỏi rất nhiều về chế độ phúc lợi, nhưng lại không hứa hẹn sẽ đem lại điều gì cho công ty. Chúng tôi vẫn tuyển cô ấy, để rồi nhận ra rằng cô ấy không thể đáp ứng các mong muốn từ chúng tôi.
Những ứng viên xuất sắc sẽ hiểu rằng, ý tưởng tuyệt vời nhất cũng trở nên vô nghĩa nếu không bắt tay vào làm. Vì thế, họ không ngại “hy sinh quyền lợi” để chứng minh tiềm năng của mình trước mặt nhà tuyển dụng tương lai. Người biết ghi chép ý tưởng vào sổ, phác thảo kế hoạch hay sản phẩm khi phỏng vấn là người có ý thức đầu tư vào công việc.
Trong buổi gặp đầu tiên với chúng tôi, một ứng viên có tên Scott đã mô tả chi tiết viễn cảnh cạnh tranh, sẵn sàng thảo luận về các chiến lược. Anh ấy hỏi tôi hình dung như thế nào về quy mô chuỗi cung ứng và các kế hoạch kinh tế dài hạn. Sau đó, Scott bắt đầu vẽ sơ đồ ra giấy, nêu từng bước để thực hiện mục tiêu. Anh ấy đã thiết kế một khung hành động
Scott hiểu rõ giá trị của mình, không ngại che giấu kiến thức và sẵn sàng chứng minh khả năng của mình.
Người xuất sắc sẵn sàng chia sẻ thông tin liên lạc và giới thiệu bản thân
Những cá nhân xuất sắc hiểu rằng việc tạo điều kiện cho các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi sẽ giúp cánh cửa cơ hội thêm rộng mở. Trái lại, những người kém cởi mở hoặc coi thường tiềm năng của việc kết nối sẽ khó mà thành công: Họ sẽ chẳng có gì nhiều để làm.
Tư duy hạn chế này sẽ ngăn cản ứng viên vươn lên tầm xuất sắc. Nhà tuyển dụng lúc nào cũng chú ý đến những người sẵn sàng cung cấp thông tin liên lạc và xây dựng quan hệ trong mạng lưới của họ.
Một freelancer chúng tôi thuê từng hứa hẹn: Nếu được nhận vào làm toàn thời gian, cô ấy sẽ giới thiệu cho chúng tôi cấp dưới cũ của mình - người cũng đang đi tìm việc và sở hữu kỹ năng phù hợp với vị trí đang trống.
Cuối cùng, chúng tôi không thể nhận cô ấy vào làm. Vì thế, cô ấy cũng chẳng giới thiệu người cấp dưới cũ ấy cho chúng tôi. Lựa chọn của cô ấy không sai; chỉ đơn giản là một cơ hội đã bị bỏ qua. Nhẽ ra người cấp dưới cũ đó đã có một công việc, còn chúng tôi có thêm một nhân sự cần thiết. Nhẽ ra freelancer kia sẽ có thêm cơ hội tuyển dụng trong tương lai, chưa kể đến lợi ích cô ấy nhận được vì đã giới thiệu cấp dưới cũ.
Tôi cũng phỏng vấn một người phụ nữ khác tên là Elise cho vị trí nhân viên phát triển kinh doanh cấp cao. Tôi đã đề cập với cô ấy về một số vị trí đang trống trong công ty. Ngay từ buổi đầu tiên, Elise đã đề xuất 2 cái tên tiềm năng về bán hàng và vận hành mà cô ấy nghĩ tôi nên nói chuyện. Sau đó, cô ấy còn gửi email giới thiệu, dù nó chẳng liên quan gì đến buổi phỏng vấn.
Tôi quyết định tuyển dụng Elise vì cô ấy đã chứng minh được cách mình xử lý công việc. Trong quá trình làm việc, cô ấy tiếp tục xây dựng các mối quan hệ bên ngoài giá trị cho công ty, đồng thời củng cố mạng lưới nhân viên nội bộ. Điều này đem lại khá nhiều lợi ích cho chúng tôi và cô ấy.
Người xuất sắc ưu tiên văn hóa làm việc hơn lương thưởng
Những ứng viên xuất sắc sẽ xem xét tầm nhìn công ty và những người liên quan để đánh giá cơ hội tuyển dụng. Sau khi xem xét kỹ lưỡng yêu cầu và tiềm năng của vị trí, họ mới bắt đầu thảo luận về vấn đề lương thưởng.
Khi một ứng viên ngay lập tức hỏi về lương thưởng, nhà tuyển dụng có thể sẽ cảm thấy ứng viên không phù hợp với công việc và tầm nhìn của công ty. Một ứng viên chỉ chú trọng chuyện tiền bạc sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy họ giống như một nhà cung cấp hoặc một cố vấn tiềm năng, thay vì là đồng nghiệp tương lai.
Một ứng viên cho vị trí cấp cao trong công ty tôi đã đàm phán rất kỹ về lương thưởng mà không chú ý mấy đến các quyền lợi khác của mình. Cô ấy chỉ tập trung vào những phúc lợi ngắn hạn - điều khiến các nhân viên lâu năm trong công ty tôi đều bất ngờ.
Kết quả là chúng tôi thay đổi ý định và chỉ mời cô ấy làm cố vấn bên ngoài. Nếu chẳng may công ty gặp khó khăn, vị trí của cô ấy sẽ bị cắt giảm đầu tiên.
Trái lại, khi chúng tôi phỏng vấn một người phụ nữ tên Jessica, cô ấy đã hỏi rất nhiều về đội ngũ nhân sự, nhà đầu tư, sứ mệnh và nhiệm vụ tại công ty. Jessica muốn biết liệu vị trí này có đáp ứng nhu cầu thăng tiến và hoàn thiện bản thân của mình không. Sau khi tìm hiểu công ty và văn hóa làm việc tại đây, cô ấy mới bàn đến chuyện lương thưởng.
Khi ấy, tôi biết rằng công ty chúng tôi sẽ làm mọi cách để đáp ứng mức lương mong muốn của Jessica, cũng như giúp cô ấy hưởng nhiều quyền lợi nhất trong phạm vi cho phép. Jessica cũng hiểu mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều để xứng đáng với những gì nhận được.
Rốt cuộc, Jessica trở thành một trong những nhân viên giỏi nhất mà tôi từng thuê. Cô ấy không ngừng hoàn thành mọi nhiệm vụ đã đề ra, không ngại giải quyết những vấn đề khó nhằn nhất. Từ một nhân viên bình thường, Jessica đã tự mở ra trước mắt mình những cánh cửa cơ hội mới, bởi cô ấy là một người xuất sắc.
Bài chia sẻ của Marina Glazman - doanh nhân công nghệ, người sáng lập thương hiệu 2x, hiện đang là CEO của hãng nội thất Suitely.
(Theo The Ladder)