Phòng vệ khi Mỹ - Trung "so găng" tiền tệ (*): Không để hàng ngoại áp đảo
Một trong những nguy cơ lớn nhất mà các doanh nghiệp lo ngại tác động của thương chiến Mỹ - Trung là hàng ngoại giá rẻ, nhất là từ Trung Quốc, sẽ tràn vào, lấn lướt hàng Việt
- 08-08-2019Phó Thủ tướng: Doanh nghiệp phải có lợi ích vật chất như thuế, vốn, tài nguyên... chứ không chỉ là những lời kêu gọi!
- 07-08-2019Bangladesh lo ngại sự trỗi dậy của Việt Nam đe doạ vị thế về xuất khẩu may mặc?
- 07-08-2019Một "ông lớn" muốn mở trường đào tạo kỹ sư theo tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đa số doanh nghiệp (DN) nhìn nhận thương chiến Mỹ - Trung càng kéo dài, đồng nhân dân tệ càng mất giá (tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ so với USD đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua), nguy cơ hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam sẽ nhiều hơn. Khi đó, hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt và khó "sống" hơn. Nhận định là vậy nhưng DN cũng không quá bi quan bởi đã quen áp lực cạnh tranh với hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc.
Khó cạnh tranh về giá
"Tôi vào siêu thị thấy một sản phẩm gia dụng bằng thủy tinh của Trung Quốc bán chỉ 2.000 đồng trong khi tại Việt Nam, giá thành sản xuất sản phẩm đó đã khoảng 10.000 đồng. Chênh lệch giá cao như vậy làm sao DN trong nước cạnh tranh được?". Đây là thực tế được bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc Công ty TNNH Nhựa Đồng Tâm (chuyên sản xuất các loại sản phẩm giữ nhiệt, đồ dùng nhà bếp, móc áo, dụng cụ vệ sinh...), dẫn chứng về chuyện cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Giá thành là yếu tố khiến DN trong nước khó cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Theo nhiều DN, trong lĩnh vực nhựa gia dụng, hiện chỉ vài thương hiệu như Duy Tân, Đại Đồng Tiến là lớn mạnh, còn lại đa phần DN nhỏ. Lâu nay, hàng nhựa gia dụng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt nên giờ nhiều hơn cũng không khiến DN bất ngờ.
"Người tiêu dùng trong nước không thích hàng Trung Quốc nên ở cùng một cửa hàng, đại lý, nếu để nguyên tem mác, thương hiệu Trung Quốc, hàng trong nước vẫn bán được. Lo nhất là hàng Trung Quốc mang thương hiệu Việt hoặc không tem nhãn do DN nhập trực tiếp hoặc nhập tiểu ngạch về phân phối" - bà Bích cảnh báo.
Theo bà Bích, ngoại trừ các DN lớn có vốn mạnh hoặc đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhiều DN nhỏ ngành nhựa đã "chết lâm sàng" từ lâu nên khả năng cạnh tranh rất hạn chế. Trong lĩnh vực nhựa, mỗi bộ khuôn mẫu trị giá vài trăm triệu đồng, DN làm ăn khó khăn nên không thể liên tục đổi khuôn mẫu, làm sản phẩm mới.
"Hàng Trung Quốc thay đổi mẫu mã liên tục, giá lại rẻ hơn hàng trong nước. Nhiều trường hợp DN vừa ra sản phẩm mới, đại lý đang bán ào ào thì có người khác chào hàng y chang về hình thức với giá chỉ bằng 2/3 nhưng chất lượng kém. Khách mua nhầm hàng dỏm nhưng nghĩ đó là hàng của DN khiến DN vừa bị tiếng oan vừa không bán được hàng" - bà Bích nêu.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho biết cuối tuần rồi, đi tham quan hội chợ máy móc công nghiệp ở quận 7, TP HCM, ông thấy gian hàng Trung Quốc bán 14 loại mô-tơ quạt máy với giá chưa tới 200.000 đồng/cái, quá rẻ so với sản phẩm cùng loại trong nước. Trong bối cảnh thương chiến căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc đang tìm kiếm, đa dạng thị trường xuất khẩu. Từ nhiều năm nay, Việt Nam nhập siêu hàng lớn của Trung Quốc, nay hàng giá rẻ nước này sẽ đẩy mạnh hơn nữa vào Việt Nam càng gây khó cho các DN. Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn hơn thì chiều ngược lại, hàng nước này sẽ tràn qua Việt Nam nhờ giá rẻ.
Từ mặt hàng cà phê, ông Trần Thanh Hải nêu thực tế, trong chuyến tham quan Trung Quốc gần đây, ông thấy DN nước này đang đẩy mạnh mua nguyên liệu thô từ Việt Nam rồi chế biến, đóng gói thành cà phê hòa tan thương hiệu Trung Quốc và xuất sang nước khác. Thậm chí, cà phê hòa tan của Trung Quốc xuất sang Việt Nam, cạnh tranh với mặt hàng này của DN trong nước. Cái lợi của DN Trung Quốc là họ có sẵn thị trường lớn, nhiều vốn và công nghệ cao.
Đầu tư mạnh vào chất lượng, hệ thống phân phối
Ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Vinavit (chuyên sản xuất ốc vít, bù loong...), cho biết đang theo dõi tình hình để chuẩn bị chiến lược kinh doanh nếu doanh thu bị ảnh hưởng. Hiện tại, Vinavit chủ yếu sản xuất hàng cho các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy tại Việt Nam và xuất khẩu nên đơn hàng chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số DN cùng lĩnh vực làm hàng cho thị trường tự do hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước trong khu vực, đã bắt đầu bị giảm đơn hàng đến 20%.
"Nhiều DN cùng ngành nói sản lượng đang giảm nhiều do tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang tìm nguyên nhân sụt giảm, do chưa vào cao điểm sản xuất hoặc do tác động từ thương chiến và tỉ giá, cũng có thể hàng lắp ráp ở Trung Quốc, Đài Loan gặp khó khăn đầu ra" - ông Đức băn khoăn.
Học sinh chuẩn bị tựu trường nhưng ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (thương hiệu Miti), lại không vui vì sức mua balô, cặp học sinh không như kỳ vọng. Mặt hàng balô, cặp sách, vali Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều. Mặc dù giá balô, cặp sách Miti rẻ hơn, mẫu mã chất lượng tốt hơn, tính năng đa dạng hơn nhưng người tiêu dùng vẫn chọn hàng Trung Quốc vì... ở đâu cũng có.
"Một số chuỗi cửa hàng đồ chơi, đồ dùng trẻ em gần đây chủ động nhập hàng về bán chứ không nhận phân phối sản phẩm từ nhà cung cấp trong nước. Người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm theo sự tiện lợi, vào một cửa hàng mua cùng lúc nhiều món nên DN không vào được chuỗi là mất cơ hội bán hàng" - ông Kiên lý giải.
Sắp tới, hàng Trung Quốc có thể vào nhiều hơn và "phá giá" hơn nữa; nhất là ở phân khúc hàng giá rẻ, hàng nhập khẩu theo đường biên mậu. Trong cuộc chiến giành thị phần này, DN nội địa muốn "sống" phải linh hoạt giải pháp, đặc biệt là truyền thông, quảng cáo cho người tiêu dùng biết và phải xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh.
"Miti đã xây dựng được 60-70 cửa hàng, từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm khoảng 20 cửa hàng nữa. Mở rộng chuỗi trong điều kiện giá thuê mặt bằng tăng quá cao, sức mua thị trường không tốt là thách thức cho DN nhưng không thể không làm" - ông Kiên khẳng định.
Theo các chuyên gia, khi đồng nhân dân tệ giảm giá, hàng ngoại tràn vào, trong đó nhiều nhất là hàng Trung Quốc, người dùng trong nước có thể thấy lợi trước mắt là mua được hàng giá rẻ, DN nhập nguyên liệu, máy móc, linh kiện đầu vào từ nước này rẻ hơn. Tuy nhiên về lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành sản xuất và DN nội địa là rất lớn. Do đó, cả DN và cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để ứng phó, trong đó quan trọng là kiểm soát, ngăn chặn tình trạng núp bóng, gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam rồi xuất sang các nước khác.
Người Lao động