MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn về chất lượng sữa học đường: Nếu minh bạch và có ban giám sát, phụ huynh sẵn sàng tham gia

01-10-2018 - 17:27 PM | Sống

Chương trình Sữa học đường bắt đầu được triển khai tại Hà Nội khiến nhiều phụ huynh băn khoăn lo lắng với câu hỏi: Có nên đồng ý cho con tham gia? Liệu sữa có ảnh hưởng tới sức khỏe của con trẻ?

Với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy sinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, Chương trình Quốc gia Sữa học đường đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết định phê duyệt ngày 8/7/2016. Theo kế hoạch, ngày 1/10 (tức hôm nay) là ngày đóng thầu đề án "sữa học đường của Hà Nội". Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ lùi thời gian đấu thầu đến ngày 10/10 đến các bên liên quan có thêm thời gian chuẩn bị.

Phụ huynh băn khoăn về chất lượng sữa học đường: Sẽ đồng ý ký nếu con được mang vỏ hộp về nhà  - Ảnh 1.

Theo đề án, mỗi trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp 180ml. Tại Hà Nội, chi phí sữa cho các em được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cũng cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Đặc biệt, đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, các em không bắt buộc phải tham gia. Tuy nhiên, xung quanh việc các trường tiểu học, mẫu giáo triển khai chương trình Quốc gia Sữa học đường, rất nhiều ý kiến trái chiều của các phụ huynh được bàn luận, nhất là khi chương trình Sữa học đường quốc gia được triển khai tại Hà Nội.

Hầu hết các phụ huynh đều còn lo ngại về chất lượng sữa mà con em mình được uống ở trường. Họ băn khoăn vì mỗi hộp sữa đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con, trong khi đó, họ chưa có bất cứ thông tin gì về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, đơn vị - ngày sản xuất. Đặc biệt là sau thông tin về việc 73 học sinh nghi bị ngộ độc sữa ở tỉnh Đồng Nai hồi tháng 3/2018. Mặc dù kết luận điều tra, sữa cung cấp cho trẻ đều đạt tiêu chuẩn chất lượng, hiện tượng ngộ độc có thể do hệ tiêu hóa của một số bé chưa thích nghi với loại sữa uống nên gây ra hiện tượng kích thích đường ruột.

Nhiều phụ huynh đặt ra nghi vấn: Liệu có cung cấp sữa cận "date" cho các em nhỏ uống khi giá thành rẻ? Liệu sữa con được uống ở trường có phù hợp với thể trạng, thói quen của trẻ? Cơ sở nào để đánh giá chất lượng sữa? Bên cạnh đó, nhiều người tự hỏi rằng, liệu thêm 1 lít sữa mỗi tuần liệu có giải quyết được vấn đề "cải thiện tầm vóc" cho trẻ em, khi mà thời gian ngủ của các bé ngày càng bị "rút ngắn" bởi các chương trình học, hoạt động thể chất chỉ dừng lại ở mức tập đội hình đội ngũ, những động tác thể dục giữa giờ đơn giản?

Chị Nguyễn Hoa có con học tại trường ở Hà Đông cũng chia sẻ: "Mình ký "không đồng ý cho con uống" và giải thích cho con. Con vui vẻ, cô giáo không ý kiến gì. Mình có quyền lựa chọn những gì tốt nhất cho con mà".

Mặc dù vậy, dưới sự vận động của nhà trường, của cô giáo, nhiều phụ huynh vẫn ký đồng ý tham gia chương trình này dù trong lòng vẫn đầy băn khoăn. Chị Lan có con học tại Thanh Xuân cho biết: "Mình ghi rõ lý do: Không đồng ý vì không tin tưởng vào chất lượng sữa, đã có vụ ngộ độc xảy ra. Hôm họp phụ huynh, mình thấy nhiều phụ huynh băn khoăn, không muốn ký nhưng thấy đa số phụ huynh ký đồng ý thì cũng ký theo".

Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, đây là một chương trình tốt, tạo điều kiện cho các em có gia cảnh khó khăn được uống sữa hàng ngày. Tuy nhiên, Sở giáo dục - đào tạo Hà Nội nên có quy định cụ thể về khâu kiểm tra chất lượng sữa. Có thể để ban phụ huynh học sinh tham gia kiểm tra, lưu mẫu để kiểm tra chất lượng và cho nhiều hãng sữa cung cấp để các cháu lựa chọn tùy theo khẩu vị. Họ sẵn sàng ký đồng ý cho con tham gia chương trình nếu các khâu được làm công tâm, minh bạch và các con được mang vỏ hộp sữa đã uống về nhà. 

Minh An

Tài chính Plus

Trở lên trên