Phụ huynh hoang mang khi sách lớp 1 dạy trẻ đọc bằng ô vuông, hình tròn: Tìm hiểu kỹ trước khi tranh luận
Cộng đồng mạng đang tranh cãi gắt gao về clip trẻ em được dạy đọc theo mô hình ô vuông, hình tròn. Nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng phương pháp dạy học mới có vấn đề.
Trong những ngày đầu năm học mới, hàng loạt vấn đề về việc giáo dục cho học sinh tiểu học được lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Trong đó, một clip ghi lại cảnh cô giáo tiểu học đang hướng dẫn học sinh tiểu học tập đọc một bài thơ với những hình vuông, hình tròn đang gây bão trong cộng đồng mạng.
Trong clip, thay vì viết các từ ngữ lên bảng thì cô giáo lại sử dụng những hình tròn, hình vuông để mô phỏng 2 câu thơ: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" và chỉ để các bé đọc theo.
Trong clip cô giáo giảng rằng: "Mỗi một tiếng cô thay bằng một vật thật, mỗi một vần thật cô lại thay bằng một mô hình hình vuông. Hai câu thơ này đã được ghi lại bằng các mô hình hình vuông. Chúng mình được đọc ở trên vật thật, được đọc ở trên mô hình tiếng, bây giờ cả lớp mình sẽ cùng đọc trong sách giáo khoa. Các bạn chú ý, mỗi một tiếng được ghi lại bằng một mô hình. Khi đọc, ngón trỏ tay phải chúng mình chỉ đến đâu đọc đến đấy".
Vừa giảng cô giáo vừa chỉ vào hai hàng hình vuông vẽ sẵn mô phỏng cho các âm của 2 câu thơ lục bát trên bảng (trên 6 hình, dưới 8 hình).
Clip cô giáo dạy học sinh tập đọc theo những ô vuông, hình tròn. Nguồn: Facebook
Vị phụ huynh trong clip tỏ ra rất bức xúc khi nhận thấy con mình có thể đọc mấy câu thơ khi chỉ vào những ô vuông, ô tròn nhưng lại không thể nhận biết mặt chữ. Thậm chí, anh còn bắt con nghỉ học vì "đi học mà con cũng không biết gì".
Trong cuốn sách giáo khoa mà cô giáo dùng để dạy học sinh đọc, dưới mỗi câu thơ là những hình vuông, hình tròn.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều, nhiều người có con em đã theo học chương trình thực nghiệm cho rằng, đây là một phương pháp học tiếng Việt khác, con em họ đã theo học và tiếp thu kiến thức bình thường.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới: "Cách đọc chữ “ô vuông, tam giác” là cách dạy của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Cách dạy này đã được đưa vào thực tế, thực nghiệm ở một số trường học cách đây mấy chục năm chứ không phải mới. Có thể đây là lứa phụ huynh mới nên thấy ngạc nhiên với cách dạy này”.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, những bài học đầu tiên trong cuốn sách có mục đích giúp học sinh học cách tách lời nói thành các tiếng, để học sinh hiểu cách đọc lời thơ đó chứ học sinh chưa phải học cách đánh vần, học chữ. Theo đó đó, trẻ sẽ hình dung mỗi ô vuông, tam giác là khối chữ trên trang sách. Trẻ sẽ không đọc thừa chữ, thiếu chữ.
Một trang trong tài liệu hướng dẫn dạy tiếng Việt lớp 1.
Nói cách khác, hình tròn, hình vuông, hình tam giác... được dùng để mô tả các câu thơ chỉ là những gợi mở ban đầu cho trẻ chưa biết gì về tiếng Việt. Từ bài thứ 3 trong cuốn sách trở đi, chúng ta có thể thấy các hình vuông, tròn, tam giác được thay thế bằng các chữ tiếng Việt.
Chị Nguyễn Phương Ánh, sinh năm 1991, từng học chương trình thực nghiệm hết cấp 1 cho biết: "Khi học thì phương pháp có vẻ khác mọi người, nhưng về bản chất kiến thức như nhau. Các bạn học cùng tôi đến khi vào cấp 2 ai cũng thi đậu vào trường điểm của tỉnh. Điều đó cũng có nghĩa là, kiến thức về sau không khác biệt với các bạn học theo chương trình khác".
Chị Tú Uyên, một phụ huynh có con sắp vào lớp 1 chia sẻ: "Chị sếp mình có con học trường Công nghệ giáo dục, trực tiếp học theo chương trình này. Thằng bé năm nay học lớp 4 và theo mình thấy là có tư duy ngôn ngữ rất tốt!".
Hoang mang trước những thông tin trái chiều trên Internet, chị Uyên cũng tự mình tìm hiểu về phương pháp giáo dục mới này và nhận thấy đây là một cách học hiện đại, không những giúp học sinh viết vần, biết đọc chữ mà còn cho học sinh tự tư duy, không chỉ học vẹt. Bản thân chị là một người học ngoại ngữ (tiếng Anh) thì đánh giá rằng, các học mới này giống với việc nước ngoài dạy tiếng Anh: Họ dạy từ âm, chứ không đơn thuần chỉ ghép chữ, đánh vần như người Việt Nam.
Theo tìm hiểu, sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục chỉ áp dụng một phương pháp dạy tiếng Việt khác, bên cạnh cách dạy truyền thống trong mấy chục năm qua. Chắc chắn, khi đưa vào giảng dạy những giáo trình này đã được đánh giá, thẩm định, sửa chữa nhiều năm bởi những người có chuyên môn. Mặc dù có hạn chế, nhưng về cơ bản, đây là phương pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, hỗ trợ học sinh trong việc học tiếng Việt.
Nhiều bậc phụ huynh có thể chưa bao giờ tiếp xúc với cách học này nên hoang mang cũng là điều dễ hiểu. Nhưng khi dạy con, hãy tìm hiểu thật kỹ càng, cẩn thận. Đừng để việc hấp tấp, "vô minh" của mình làm ảnh hưởng đến con trẻ.