Phụ huynh lên tiếng, phản đối trào lưu khoe trẻ nhỏ là 'lao động chính', kiếm tiền lì xì dịp Tết
Chị Giang cho rằng, dù trend này được hưởng ứng vì có vẻ hài hước, nhưng 'vật chất hóa' chuyện lì xì là một xu hướng và lối suy nghĩ độc hại.
- 08-01-2023Nhộn nhịp thị trường tiền lì xì Tết
- 07-01-2023Có nên giữ tiền lì xì cho con?
- 04-02-2022MC Thảo Vân "nịnh nọt" con trai gửi tiền lì xì, cậu nhăn nhó rồi dứt khoát làm 1 hành động: Đúng là quá tinh tế!
Nếu như người lớn phải đau đầu vì hàng trăm khoản tiền phải lo trong ngày Tết thì trẻ em lại mong chờ từng ngày để được ăn ngon, mặc đẹp, nhận tiền lì xì. Nhiều bố mẹ cũng hài hước cho rằng, số tiền mà các con nhận được chính là... khoản thu nhập duy nhất của gia đình trong những ngày lễ Tết. Một số phụ huynh vì thế còn trêu đùa, đăng tải hình ảnh con cái kèm dòng trạng thái: "Lao động chính những ngày Tết" hay “nguồn thu nhập Tết của cả nhà” và nhận về nhiều sự hưởng ứng.
Hành động này thoạt nhìn thì khá vui vẻ, nhưng theo chị Ngô Hồng Giang, một kỹ sư phần mềm hiện đang sinh sống và làm việc ở Thụy Điển, đồng thời là hot mom trên mạng xã hội vì có nhiều chia sẻ hay về nuôi dạy con ở Bắc Âu thì: "Vật chất hóa" chuyện lì xì là một xu hướng và lối suy nghĩ độc hại.
Ảnh minh họa.
Chị Giang chỉ ra một số lý do:
Thứ nhất, đó là cách dạy con rằng: "Tiền có thể DỄ DÀNG kiếm được".
Với hành động "khoe" lì xì, theo chị Giang, bố mẹ đang dạy con rằng: Tiền lì xì là một nguồn THU NHẬP. Thu nhập này là từ người khác cho. Con chỉ cần chào, chúc một câu (học thuộc) thậm chí lắm khi chẳng cần chào, nhiều người lớn thấy con là "auto" (tự động) đưa phong bao. Vì con nghĩ mình là người làm ra thu nhập mà, nên con có quyền tò mò mở ngay ra xem con kiếm được bao nhiêu.
Những tờ giấy xanh đỏ mà hàng ngày bố mẹ vẫn dạy con rằng: Bố mẹ phải vất vả đi làm thì mới có tiền mua đồ ăn, đồ chơi, cho con đi học... bây giờ lại quá dễ dàng để sở hữu. Điều này sẽ không tránh khỏi việc con có suy nghĩ: "Mình chẳng phải đi làm cũng kiếm được tiền. Thế mà bố mẹ nói kiếm tiền vất vả lắm. Dễ thế này để con đi kiếm thêm. Chú kia chưa cho, để con ra đòi. Cô kia cho con ít, con phải xin nữa"…
Năm nào Tết đến cũng có nhiều chia sẻ của nhiều phụ huynh, rằng thấy trẻ nhỏ ham đi chúc Tết để nhận tiền mừng tuổi, tỏ thái độ mất lịch sự khi nhận được lì xì ít. Chị Giang cũng đã từng cảm thấy rất khó xử khi bị một đứa trẻ 8 tuổi mở phong bao ngay trước mặt, bĩu môi hờn dỗi: "Ít thế!". Bạn có muốn gặp phải tình huống tương tự? Hay muốn con mình cư xử xấu xí như vậy?
Chị Ngô Hồng Giang.
Thứ hai, đó là cách dạy con rằng: "Người lớn thể hiện tình yêu bằng vật chất".
Tục mừng tuổi đầu năm là một phần phần văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến. Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới. Tuy nhiên, theo thời gian, những phong bao đổ ấy dần mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc về nó. Trẻ con cũng không nằm ngoài "quy luật" này mà nguyên nhân là do người lớn không định hình cho con một thái độ và quan điểm đúng đắn.
Chị Giang cho rằng, việc "vật chất hoá chuyện lì xì" cũng sẽ dẫn tới tới tâm lý so sánh, đo tình yêu bằng vật chất. 1, 2 tuổi có thể các con chưa hiểu. Nhưng lớn hơn một chút bắt đầu tiếp xúc với con số, các con biết số 5 lớn hơn số 1. Và các con sẽ nhớ là cô A lì xì con nhiều hơn chú B, tức là cô A yêu con hơn chú B.
Bà mẹ này chia sẻ: "Mình biết một trường hợp, bố mẹ ly hôn, con ở với ông bà. Tết đến, mỗi bố mẹ tranh thủ bù đắp cho con bằng một khoản lì xì lớn. Bé hồn nhiên khoe: Năm nay, bố yêu con hơn vì bố mừng tuổi con nhiều hơn".
Thứ 3, thái độ sống đối với tiền nói chung và vật chất nói riêng.
Mỗi câu nói, mỗi hành vi của bố mẹ đều góp phần định hình tư duy, thái độ sống của con. Những đứa trẻ coi trọng vật chất thường định hình niềm tin rằng thành công được đo bằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền hay lượng lớn của cải vật chất. Điều này khiến chúng coi thường những người nghèo, có cái nhìn sai lệch về giá trị cuộc sống khi trưởng thành.
Không muốn con mình trở nên như vậy, chị Giang quán triệt luôn với con: Con nên hiểu: Tiền lì xì là tiền mừng tuổi với ý chúc con khoẻ mạnh, may mắn. Ý nghĩa tượng trưng, không phân biệt ít nhiều. Mỗi người lì xì khi cho con phong bao đều có tình yêu thương và ý chúc tốt đẹp với con.
Nói cách khác, số tiền trong mỗi bao lì xì, ít hay nhiều không quan trọng, bởi chúng đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm tốt đẹp và sung túc.
Phụ nữ Việt Nam