MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà ở riêng ngày một nhiều hơn

07-03-2021 - 20:00 PM | Sống

Phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà ở riêng ngày một nhiều hơn

Trạch Oanh (30 tuổi) đã đứng tên một căn hộ chung cư ở thành phố sầm uất Bắc Kinh, Trung Quốc. Với cô gái độc thân này, ở thời điểm hiện tại thì chỉ cần có nhà là đủ.

Phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà ở riêng ngày một nhiều hơn - Ảnh 1.

Trước đây Trạch Oanh thuê một căn phòng cũ, diện tích 47 mét vuông gần công ty với giá 6.000 tệ (22 triệu đồng). Cân nhắc tiền thuê với giá nhà ở Bắc Kinh, bố mẹ cô đề nghị giúp một phần để con gái mua nhà thành phố.

Diện tích nhà mới rất nhỏ và là một căn hộ độc thân điển hình. Tiền lương hàng tháng của Trạch là hơn 10.000 tệ (38 triệu đồng). Tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng ít hơn 1.000 tệ (3,5 triệu đồng) so với tiền thuê trước đó khiến cô nhanh chóng hạ quyết tâm mua một căn hộ cho riêng mình. Có nhà, Trạch cảm thấy an toàn hơn. Mục tiêu phấn đấu trả nợ khiến cô càng hăng say trong công việc.

Trong thời đại vật chất, khi chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân của bạn bè thất bại, cô không còn tin vào tình yêu. "Vì vậy việc mua nhà trước khi kết hôn giống như để lại một lối đi cho bản thân. Nếu hôn nhân không hạnh phúc, tôi vẫn có chốn dung thân", Trạch Oanh nói.

Phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà ở riêng ngày một nhiều hơn - Ảnh 2.

Mua nhà khi còn độc thân là xu hướng mới của phụ nữ sống tại các thành phố lớn ở Trung Quốc.

Không chỉ Trạch Oanh, rất nhiều phụ nữ độc thân khác ở Trung Quốc đang có xu hướng mua nhà tại các thành phố lớn. Báo cáo nhà ở cho phụ nữ năm 2019 tại nước này cho thấy, tỷ lệ người mua nhà là phụ nữ độc thân đang tăng lên hàng năm. Xu hướng này xuất hiện cách đây 5 năm khi số liệu năm 2016 xác nhận, phụ nữ mua nhà ở Bắc Kinh chiếm hơn 46%, hơn nửa trong số đó chưa lập gia đình.

Hoa Luận, 31 tuổi, sống ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vừa mua chung một căn hộ với bạn thân do cả hai không có ý định kết hôn hay sinh con.

"Ai cũng biết khi lập gia đình, phụ nữ phải trả tiền nhiều hơn nam giới. Họ không chỉ làm việc vất vả kiếm tiền mà phải gánh chịu nỗi đau thể xác như sinh con cũng như chi phí nuôi và giáo dục con cái". Theo Hoa Luận, nếu phụ nữ tiếp tục cho đi mà không nhận được phần thưởng xứng đáng, cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa.

"Những cô gái 30 tuổi không muốn lấy chồng, sinh con, lên kế hoạch ra ở riêng như tôi thì ngôi nhà là tài sản không thể thiếu", Hoa Luận nêu lý do khi mua nhà chung với bạn mình.

Phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà ở riêng ngày một nhiều hơn - Ảnh 3.

Trong khi nhiều phụ nữ độc thân đổ xô mua nhà thì Tô Ngọc, một người bạn của Hoa Luận ở lớp đại học lại có cách làm khác. Cô đã làm việc ở Thâm Quyến hơn mười năm. Trong hội chị em thân thiết 8 thành viên, một nửa đã kết hôn và một nửa còn độc thân. Ngoại trừ Tô, những người còn lại đều đã mua nhà.

Khi được hỏi tại sao những người bạn của cô lại dành hết tiền ki cóp vào nhà cửa, Tô Ngọc nói: "Họ đầu tư để kiếm tiền chứ không liên quan gì đến hôn nhân. Bởi giá nhà ở Thâm Quyến tăng quá nhanh. Nếu không mua, họ có cảm giác mình không còn cơ hội".

Cô gái 32 tuổi đã sử dụng từ "thực dụng" để mô tả bầu không khí của thành phố Thâm Quyến, nơi mọi người luôn phải làm việc chăm chỉ kiếm tiền. "Câu chuyện hàng ngày của chúng tôi và nhiều người khác ở thành phố này chỉ xoay quanh hai chữ: kiếm tiền". Bởi vậy, thấy bạn bè ồ ạt mua nhà riêng, cô cũng cảm thấy dễ hiểu.

Một năm trước, bản thân Tô Ngọc cũng được cha mẹ thuyết phục mua một căn nhà nhỏ, sau đó kết hôn và sinh con. Nhưng Tô lại muốn dùng số tiền tiết kiệm cho mục đích du học. "Tôi hơi nổi loạn và không muốn cuộc sống của mình chỉ có thể nhìn thấy trong nháy mắt. Tôi thích mỗi ngày là một sự khám phá mới", cô nói.

Phụ nữ độc thân Trung Quốc mua nhà ở riêng ngày một nhiều hơn - Ảnh 4.

Hiện tại, cô gái này sống tại nhà thuê, một nơi ở đủ khả năng chi trả với đồng lương nhân viên văn phòng. Tô Ngọc cho rằng so với việc mua nhà thì nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp là điều cấp thiết hơn. Cô từng cảm thấy mệt mỏi vì sự khác biệt với lãnh đạo, đồng thời thiếu kỹ năng trong công việc: "Các nơi làm việc có chế độ rất hà khắc với phụ nữ trên 35 tuổi. Chỉ khi bạn trở nên mạnh mẽ, bạn mới không bị thị trường loại bỏ và có nhiều lựa chọn tại nơi làm việc".

Giữa năm 2020, cô gái này quyết định nghỉ việc. Sau khi tốt nghiệp đại học hơn mười năm trước, giờ Tô Ngọc muốn trở lại con đường học vấn. "Tất cả những gì tôi đang làm chỉ với mục đích cho phép bản thân có quyền lựa chọn tương lai khi về già", cô chia sẻ thêm.

Theo Sohu

Theo Hồng Nhung

Pháp luật và Bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên