Phú Thọ: Phát triển các khu, cụm công nghiệp để tăng sức hút đầu tư
Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty Cổ phần KSA Polymer Hà Nội, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Thuỵ Vân (Phú Thọ). Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Tỉnh Phú Thọ đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
- 02-03-2023Bỏ sổ hộ khẩu, tại sao người dân vẫn cần xin cấp giấy xác nhận cư trú?
- 02-03-2023Tiềm lực kinh tế của địa phương vừa có sân bay vừa có cảng biển lớn nhất cả nước
Đây là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời là hướng đi phù hợp, là động lực, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, sớm đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển, tỉnh Phú Thọ sẽ có 7 khu công nghiệp với diện tích 2.256 ha và 28 cụm công nghiệp có diện tích gần 1.470 ha. Các khu, cụm công nghiệp đều được bố trí ở nơi có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Các khu được kết nối với nút lên xuống của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32C và Quốc lộ 2; thông thương với thủ đô Hà Nội, cảng Hải phòng; các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 4/7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút được 193 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó 100 dự án có vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng; 93 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký hơn 1,9 tỷ USD; 21 cụm công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, thu hút được hàng trăm dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho khoảng 16 nghìn lao động.
Tỉnh Phú Thọ xác định, giai đoạn 2021- 2025 là phát triển các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn, nhằm định hướng quỹ đất, phát triển hạ tầng cơ sở trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường; gắn sản xuất với thị trường, vùng nguyên liệu...
Nằm trong vùng công nghiệp động lực trung tâm của tỉnh, những năm qua, huyện Thanh Ba luôn xác định ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, để các cụm công nghiệp thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, huyện Thanh Ba tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đồng thời thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, những năm gần đây, ngành công nghiệp của huyện đã có bước tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GRDP của huyện, của tỉnh.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba Nguyễn Chí Thành cho biết, trên địa bàn huyện hiện có ba cụm công nghiệp đang hoạt động gồm cụm công nghiệp làng nghề phía Nam, cụm công nghiệp Bãi Ba – Đông Thành và cụm công nghiệp Bãi Ba 2 với tổng diện tích gần 190ha. Nhằm thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thu gom và xử lý nước thải cụm công nghiệp. Đặc biệt, đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các cụm công nghiệp đã được huyện Thanh Ba triển khai bài bản, chặt chẽ, nhanh chóng bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư.
Cùng với đó, UBND huyện Thanh Ba đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn huyện, gồm tuyến đường giao thông kết nối từ km30 cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đến trung tâm huyện Thanh Ba; tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi cụm công nghiệp Bãi Ba, qua tỉnh lộ 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài – Lào Cai; tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 413B và đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện. Các tuyến đường huyện, đường xã, đường nông thôn cũng được tập trung phát triển theo quy hoạch kết nối với các tuyến đường tỉnh, đảm bảo phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa, phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Khẳng định việc phát triển các khu, cụm công nghiệp là hướng đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, ngày 15/11/2022, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch số 4601/KH-UBND về phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Phú Thọ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp đang triển khai, đồng thời thành lập và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch và đủ điều kiện thành lập. Hoàn thành quy hoạch, thành lập mới 4 khu công nghiệp là Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh và Đại An. Hoàn thành phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ tích hợp quy hoạch tỉnh trên cơ sở xem xét điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp tại các địa phương có lợi thế, tiềm năng về quỹ đất, kết nối hạ tầng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Ba Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư của các tuyến đường giao thông trên địa bàn, đặc biệt là đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đang được gấp rút hoàn thành, huyện Thanh Ba đã phối hợp cùng các nhà đầu tư tích cực triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, lập nhiệm vụ quy hoạch Khu công nghiệp Thanh Ba giai đoạn một (150ha, thuộc địa bàn ba xã: Đại An, Quảng Yên và Đông Lĩnh), trình thẩm định thành lập Cụm công nghiệp Quảng Yên (70ha), đồng thời xin đề xuất bổ sung cụm công nghiệp Quảng Yên 2 (75ha) và cụm công nghiệp phía Đông Bắc của huyện (75ha) vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Để “mở đường” cho phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, thời gian tới, huyện Thanh Ba sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tranh thủ, tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo liên kết giữa các vùng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, nâng cao tay nghề cho lao động...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương làm tốt việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Đồng thời, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư. Trên cơ sở đó, chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững. Cùng với đó, tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp liên kết, hợp tác với nhau, thực hiện cộng sinh công nghiệp, các biện pháp sản xuất sạch hơn, hình thành các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu, cụm liên kết ngành.
Tỉnh Phú Thọ cũng đang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, mặt bằng, hệ thống thoát nước, điện để thu hút và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án. Cùng đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư phát triển; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển cho ngành công nghiệp...
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 hơn 10,5%/năm; Cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2025 đạt hơn 40,5%, trong đó cơ cấu ngành Công nghiệp đạt hơn 39%; Cơ cấu lao động ngành công nghiệp chiếm khoảng 30%/tổng số lao động toàn tỉnh, trong đó lao động qua đào tạo chiếm hơn 65%...
Báo Tin tức