MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phú Yên: Nông dân chịu thiệt vì nhà máy 'rào' giá thu mua mía vùng nguyên liệu

13-03-2019 - 10:13 AM | Thị trường

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 3 nhà máy đường. Hiện nay giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp, 3 nhà máy lại đưa ra 3 giá thu mua mía khác nhau, xảy ra tình trạng tranh chấp nguyên liệu, người trồng mía chịu thiệt.


Huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) với diện tích mía hơn 5.000 ha là vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa (Nhà máy đường Tuy Hòa). Từ đầu niên vụ 2018 - 2019, nhiều nông dân ký hợp đồng bao tiêu cây mía với nhà máy đã được cấp phiếu đốn chặt. Tuy nhiên giá bán thấp hơn so với các nhà máy khác trong tỉnh.

Hiện nhà máy đường Tuy Hòa “treo bảng” (niêm yết giá) mua mía có 10 chữ đường với giá 750.000 đồng/tấn. Trong khi đó nhà máy Vạn Phát (huyện Sơn Hòa) mua mía 10 chữ đường là 820.000 đồng/tấn và nhà máy đường KCP (có hai nhà máy đặt tại huyện Sơn Hòa và huyện Đồng Xuân) mua mía 10 chữ đường với giá cao nhất là 850.000 đồng/tấn.

Trong khi đó, huyện Sông Hinh và Sơn Hòa cách nhau con sông Ba. Với giá thu mua mía chênh lệch khiến nông dân bức xúc. Người dân đã phản ánh đến các tổ điều hành má đường ở cấp xã mong muốn có sự đồng đều trong giá mua mía.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người trồng mía ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) phân trần: Hiện nay giá thu mua mía nguyên liệu được áp dụng cho mía đạt 10 chữ đường. Tuy nhiên thực tế, khó có thể đạt được mức chữ đường này nên giá mía còn thấp hơn nhiều. Nhiều diện tích mía đạt khoảng 8 chữ đường thì giá chỉ còn 620.000 đồng/tấn. Trong khi đó các chi phí sản xuất, nhân công chặt mía lại tăng dẫn đến nông dân chắc chắn bị lỗ. Thế nhưng, nhà máy đường lại “rào” vùng nguyên liệu mua giá thấp, nông dân lỗ nặng.

Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: Giá mía mà chúng tôi so sánh giữa ba nhà máy trong tỉnh Phú Yên thì có sự chênh lệch với nhau. Người nông dân người ta rất bức xúc về vấn đề này. Nông dân họ muốn có sự bình đẳng trong vấn đề giá cả. Giá thị trường có thể lên hoặc xuống còn cơ chế giá trong một tỉnh thì phải được áp dụng như nhau. Với giá cả thấp và chênh lệch lớn giữa các nhà máy khiến nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy mua thấp bị lỗ nặng.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), ông Nguyễn Văn Hùng, cũng nêu kiến nghị: So sánh giá của nhà máy đường Tuy Hòa thì rõ ràng là thấp. Mong muốn Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh cũng như Ban điều hành mía đường tỉnh Phú Yên có sự điều chỉnh về giá làm sao chỉ có sự chênh lệnh nhỏ thôi để nông dân ổn định đời sống. Với mức độ năng suất mía đạt 60 tấn/ha mà giá mua chỉ 750.000 đồng/tấn thì nông dân chỉ cầm chắc lỗ.

Trước việc giá mía chênh lệch đã có hiện tượng nông dân ở vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa đã bán mía cho tư thương vận chuyển sang nhà máy khác tiêu thụ. Điều này đã dẫn đến tranh chấp vùng nguyên liệu trong các ngày 23/2/2019 và 24/2/2019 và cần có sự can thiệp của Công an huyện Sông Hinh. Để giải quyết vấn đề này, Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh đã tổ chức đối thoại giữa nhà máy đường Tuy Hòa với tổ điều hành mía đường các xã, thị trấn trong huyện. Tuy nhiên, đại diện nhà máy lại cho rằng việc xảy ra tranh chấp nguyên liệu không phải do cơ chế về giá.

Phú Yên: Nông dân chịu thiệt vì nhà máy rào giá thu mua mía vùng nguyên liệu - Ảnh 1.

Nhà máy đường lại “rào” vùng nguyên liệu mua giá thấp, nông dân lỗ nặng


Ông Nguyễn Đình Chiến, đại diện nhà máy đường Tuy Hòa lý giải: Thương lái họ vẫn gom mía về nhà máy, họ không đòi hỏi bất kỳ chính sách gì. Họ chỉ nói là gom về ít nhất phải cố định một giờ vào nhà máy. Người ta gom mía về người ta không hỏi giá. Như vậy là đâu phải là do giá. Tư thương nếu giá thấp thì có nói đến mấy cũng bán ra ngoài chứ không đưa về nhà máy.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho rằng: Về giá, khó khăn là chung của cả tỉnh. Vì thế các nhà máy cũng phải đảm bảo sự công bằng. Điều này để cho nông dân không có sự so bì nhà máy này mua thấp nhà máy kia mua cao. Nếu vấn đề này cứ tiếp diễn thì tranh chấp nguyên liệu chắc chắn sẽ xảy ra. Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh đã đề nghị phía nhà máy phải làm rõ việc này. Có như vậy nông dân mới có sự tin tưởng và tiếp tục đầu tư trồng mía cho vùng nguyên liệu.

“Khi được phân bổ vùng nguyên liệu và lúc sản xuất kinh doanh đường thuận lợi, các nhà máy luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nông dân. Nay gặp phải những khó khăn, thiết nghĩ cần có cơ chế hỗ trợ nông dân phù hợp từ phía các nhà máy”, ông Dạn nói.

Theo Mạnh Hoài Nam

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên