Phú Yên: Tăng cường khâu chế biến sắn để gia tăng giá trị
Hơn 90% đầu ra của sản phẩm sắn củ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, phần lớn giao dịch là qua đường tiểu ngạch.
- 05-12-2018Xuất khẩu sắn tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong tháng 11/2018
- 16-11-2018Xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Hàn Quốc tăng “sốc”
Nông dân huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đang bước vào thời điểm thu hoạch sắn củ niên vụ 2018- 2019. Giá 1kg sắn được thu mua từ 2.300 -2.600 đồng, trừ chi phí đầu tư và nhân công, người trồng sắn có lãi từ 10 - 12 triệu đồng/ha.
Hơn 90% đầu ra của sản phẩm sắn củ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, phần lớn giao dịch là qua đường tiểu ngạch.
Bà La O Thị Thu ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết, sắn bán được giá, thương lái đến tận ruộng thu mua cả ngày lẫn đêm nên bà con rất vui.
Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy tinh bột sắn huyện Đồng Xuân đã thu mua hơn 44.000 tấn sắn nguyên liệu và sản xuất được 11.000 tấn tinh bột.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ, nhà máy sẽ thu mua khoảng 88.000 tấn nguyên liệu sắn để xuất thêm 22.000 tấn tinh bột sắn. Nhà máy đã đặt các Trạm cân tại vùng nguyên liệu để hạn chế được khâu trung gian, đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Đồng, Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân, hiện nay, Trung Quốc có sự điều chỉnh chính sách và áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu. Vì vậy, thị trường xuất khẩu sắn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch bị hạn chế.
Ông Huỳnh Văn Đồng cho biết, đơn vị phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác. Đặc biệt năm nay, nhà máy đã đầu tư lắp đặt 5 trạm cân trị giá hơn 2 tỷ đồng để thu mua sắn tại vùng nguyên liệu. Việc này đã hạn chế đến mức thấp nhất các khâu trung gian và đạt tối đa lợi nhuận cho nông dân.
Niên vụ sắn 2018- 2019, toàn tỉnh Phú Yên trồng 22.000 ha cây sắn, ước tổng sản lượng khoảng 478.000 tấn. Các nhà máy chế biến xây dựng kế hoạch sản xuất 116.000 tấn tinh bột, tăng hơn 35% so với vụ trước. Thực tế cho thấy, có năm nông dân ồ ạt phá mía trồng sắn, gặp thời điểm giá sắn hạ, nhiều người thua lỗ nặng.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên khẳng định “Sẽ có đối thoại các chính quyền địa phương, kể cả hộ nông dân để triển khai tốt sau vụ việc bất lợi vừa rồi xảy ra, để người dân thấy được, họ canh tác theo diện tích chuyển dịch thích đáng”.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã yêu cầu các nhà máy quy mô nhỏ, hộ gia đình phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người nông dân và các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, tăng cường khâu chế biến sắn để gia tăng giá trị và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mặt hàng này.
VOV