MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phục hồi kinh tế năm 2022: Giám sát và hướng dòng tiền vào sản xuất

Phục hồi kinh tế năm 2022: Giám sát và hướng dòng tiền vào sản xuất

Năm 2022, nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch trở nên cấp bách. Theo các chuyên gia, để kinh tế phục hồi, bứt tốc sau đại dịch, đầu tư hoàn thiện hạ tầng phải là khâu đột phá chiến lược, tiếp đó là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2025. Có thêm nhiều DN sẽ thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, thêm nguồn lực cho phát triển và giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội.

Phục hồi kinh tế năm 2022: Giám sát và hướng dòng tiền vào sản xuất - Ảnh 1.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)


Để làm được điều này, việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển DN cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu của bộ máy chính quyền các cấp.

Phục hồi kinh tế năm 2022: Giám sát và hướng dòng tiền vào sản xuất - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, việc tăng đầu tư công cho hạ tầng giao thông cần được đẩy mạnh hơn nữa (trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Ảnh: Lê Việt


Theo ông Tuấn, dịch COVID-19 trong 2 năm qua khiến nhiều DN phải dừng hoạt động, rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, sau đại dịch nhiều cơ hội kinh doanh cũng được mở ra, sẽ có thêm nhiều DN mới ra đời. Để phục hồi kinh tế, cũng cần các chính sách hỗ trợ cần hướng tới nhóm hộ kinh doanh cá thể, các DN nhỏ và siêu nhỏ. Đây là nhóm bị tác động mạnh từ dịch suốt 2 năm qua.

Cũng theo ông Tuấn, các biện pháp về thích ứng an toàn với dịch bệnh cần lộ trình rõ ràng, sự phối hợp và thống nhất từ trung ương tới địa phương. Có như vậy mới đảm bảo phục hồi và ổn định chuỗi cung ứng, DN chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, giảm rủi ro về đứt gãy nguồn cung, đơn hàng.

Nắn dòng tiền vào sản xuất

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, gói kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, một nguồn tài chính lớn sẽ được đưa vào nền kinh tế. Do đó, việc điều tiết, hướng nguồn lực hỗ trợ phải giải quyết được bài toán thị trường.

Phục hồi kinh tế năm 2022: Giám sát và hướng dòng tiền vào sản xuất - Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân


Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, nguồn lực này thường được đưa vào nền kinh tế thông qua ngân hàng theo con đường cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, hướng tới phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng sẽ gỡ nút thắt, tạo việc làm, kích thích sản xuất ở các lĩnh vực liên quan. Nếu đúng định hướng như vậy, nguồn lực về vốn sẽ đi vào khu vực sản xuất để phục hồi, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nếu không quản lý được, dòng vốn sẽ chảy vào các lĩnh vực nhiều rủi ro, không tạo ra tài sản, như chứng khoán, bất động sản. Nếu xảy ra trường hợp này sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì vậy, khi thực hiện các gói hỗ trợ cần đi kèm biện pháp giám sát cho vay, việc sử dụng vốn vay, không để tiền bị sử dụng sai mục đích.

Với vốn đầu tư công, cần hướng đúng các khu vực được xem là “nút thắt” của nền kinh tế, như hỗ trợ DN chuyển đổi phương thức kinh doanh, hỗ trợ du lịch, vận tải; đầu tư các lĩnh vực hỗ trợ người có thu nhập thấp. Nguồn lực Nhà nước có hạn, trong khi giai đoạn phục hồi rất ngắn, nên nếu không làm đúng, chúng ta sẽ tụt hậu và bị mắc kẹt.

Tập trung "mũi nhọn" kinh tế số

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để phục hồi kinh tế nhanh trong năm 2022 điều kiện đầu tiên là kiểm soát được dịch bệnh, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, tăng cường đội ngũ y tế cơ sở. Cùng đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tăng cường công khai minh bạch, khắc chế “tham nhũng vặt”, áp dụng phổ biến Chính phủ điện tử ở cấp độ cao nhất có thể, như công khai ngay trên mạng đề nghị của doanh nghiệp A nhập hồ sơ ngày nào, do chuyên viên nào xử lý, dự kiến bao giờ trả lời… Việc điện tử hóa quy trình sẽ giúp cắt giảm mạnh chi phí về thời gian và tiền bạc cho các doanh nghiệp và người dân.

Để phát triển được kinh tế số, bên cạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, ông Doanh cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho khu vực doanh nghiệp, trong đó, bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận với công nghệ, hình thành kho dữ liệu phục vụ cho kinh tế số, chuyển đổi số.

Về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng phục hồi kinh tế phát huy tác dụng, ông Doanh cho rằng, phải giải ngân kịp thời. “Để giải ngân nhanh, đúng đối tượng cũng phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số. Hồ sơ doanh nghiệp đến đâu đưa lên mạng để người dân và doanh nghiệp yên tâm”, ông Doanh nói.

Tạo đột phá lĩnh vực giao thông

Phục hồi kinh tế năm 2022: Giám sát và hướng dòng tiền vào sản xuất - Ảnh 4.

TS Phan Lê Bình


Về những thách thức của ngành giao thông trong năm 2022, trao đổi với PV Tiền Phong, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, hơn 20 năm qua, Nhà nước luôn ưu tiên nguồn vốn cho giao thông, qua đó đã tương đối hoàn thiện mạng lưới đường bộ, cao tốc, sân bay, cảng biển, đảm bảo kết nối trong nước và quốc tế. Hạ tầng giao thông được đầu tư giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Dù vậy, chúng ta vẫn thiếu rất nhiều để có được hệ thống giao thông hoàn chỉnh, hiện đại, như tuyến cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa nối thông, mạng đường sắt còn lạc hậu, thiếu hệ thống đường sắt đô thị…

Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công cho ngành GTVT tổng số 304.104 tỷ đồng. Với số vốn này, ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước. Còn 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới, trong đó bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới.

Theo ông Bình, cần lưu ý, hiện nước ta có tốc độ già hóa dân số khá nhanh. Trong giai đoạn dân số còn trẻ, nếu không tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng, khi dân số già sẽ không còn đủ nguồn lực để đầu tư nữa. Điều này rất đáng lưu tâm khi đầu tư hạ tầng giao thông khoảng 5 năm gần đây có phần chững lại, một phần do giảm vốn vay ODA, huy động vốn xã hội (chủ yếu là BOT) gặp khó khăn.

Để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, giao thông vẫn cần được ưu tiên đầu tư công, đặc biệt là 12 đoạn còn lại của cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến cao tốc kết nối vùng; đầu tư nâng cấp và mở rộng các sân bay; nghiên cứu đầu tư hiện đại hoá đường sắt…

Theo VIỆT LINH - HỮU VIỆT- NGỌC MAI

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên