Phúc thẩm vụ tiêu cực tại Agribank Trà Vinh: Không lừa đảo, không thiệt hại
Cấp sơ thẩm buộc tội 8 bị cáo nhưng cấp phúc thẩm cho rằng chứng cứ không vững chắc vì bên vay không lừa đảo, Agribank Trà Vinh cũng không bị thiệt hại.
Ngày 11-12, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xử phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh).
Nhóm 5 bị cáo ra toà tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Trần Vũ Dũng (SN 1971), Đỗ Thái Hòa (SN 1975), Nguyễn Hồng Nam (SN 1968), Bùi Thị Tuyết Mai (SN 1962) và Nguyễn Hữu Lộc (SN 1959).
Các bị cáo tại toà
Nhóm 3 bị cáo toà tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gồm: Nguyễn Văn Trực (SN 1957, nguyên phó Giám đốc Agribank Trà Vinh), Nguyễn Quốc Hoàn (SN 1962, nguyên trưởng Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh) và Cao Văn Phong (SN 1976, nguyên phó trưởng Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh).
Trước đó, TAND Trà Vinh xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Lộc 14 năm tù, Đỗ Thái Hòa 12 năm tù, Nguyễn Hồng Nam 10 năm tù, Bùi Tuyết Mai 10 năm tù, Trần Vũ Dũng 7 năm tù. Liên quan, Nguyễn Văn Trực, Nguyễn Quốc Hoàn và Cao Văn Phong bị tuyên cùng mức án 5 năm tù.
Sau một ngày xét xử, chiều tối cùng ngày, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, tuyên huỷ án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Về các bị cáo bị cáo buộc lừa đảo, HĐXX nhận định rằng về mặt khách quan, tội lừa đảo phải có hai hành vi hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt, hành vi gian dối là điều kiện để chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt là kết quả của hành vi gian dối. Theo toà, hành vi gian dối là đưa thông tin không đúng sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khi xét xử, toà đã xem xét đầy đủ chứng cứ, tài liệu và đơn kêu oan của 7 bị cáo (1 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt). Trong số tài liệu toà thu thập được là tài sản của công ty trị giá 132,2 tỉ đồng đủ điều kiện đảm bảo khoản vay tại Agribank Trà Vinh. HĐXX nhìn nhận, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, bên vay không vi phạm hợp đồng, Agribank Trà Vinh cũng không thiệt hại, khoản nợ chưa đến hạn... nên không thể nói bên vay gian dối.
Việc TAND tỉnh Trà Vinh cho rằng việc mua bán hợp đồng khống, không có hàng hóa là không có căn cứ đồng thời không chỉ rõ bị cáo nào chiếm đoạt bao nhiêu tiền nên việc buộc tội chưa có căn cứ vững chắc.Từ đó toà nhận định chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội lừa đảo nên không có cơ sở kết tội nhóm các bị cáo vi phạm về hoạt động cho vay.
HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM và luật sư, tuyên huỷ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên trước đó, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu.
Theo án sơ thẩm, Công ty CP Aquafeed Cửu Long được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 15 tỉ đồng, chuyên kinh doanh - sản xuất thức ăn thủy sản. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Biển Tây do ông Trần Vũ Dũng làm đại diện, góp 7,485 tỉ đồng; Công ty CP Công nghiệp Thủy sản do ông Nguyễn Hữu Lộc làm đại diện, góp vốn 3 tỉ đồng; Công ty Dịch vụ Cảng cá Cát Lở góp 1,5 tỉ đồng… Đến năm 2008, HĐQT thống nhất tăng vốn điều lệ từ 15 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là sản xuất cá giống, nuôi cá thịt…
Đầu năm 2009, ông Phạm Đặng Hữu Thành (quyền Giám đốc Công ty CP Aquafeed Cửu Long) cùng Đỗ Thái Hòa (kế toán trưởng) gặp và trao đổi với ông Phạm Thanh Cần, Giám đốc Agribank Trà Vinh, xin vay vốn.
Từ ngày 30-6-2010 đến 29-12-2011, ông Lộc cùng ông Dũng và các bị cáo khác đã ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Công ty Aquafeed Cửu Long với Công ty CP Công nghiệp Thủy sản, Công ty Biển Tây để Công ty Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống giải ngân chuyển tiền vào tài khoản của công ty. Theo đó, nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo Agribank Trà Vinh đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 52,4 tỉ đồng.
Người lao động