MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phước Hoà: Từ cao su đến khu công nghiệp

Được biết đến là doanh nghiệp thuần cao su, Phước Hòa giờ đây đang đa dạng hóa hơn các nguồn thu từ thanh lý vườn cây, kinh doanh gỗ… đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su.

Những năm gần đây, CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) trở thành một khoản đầu tư giá trị với nhiều nhà đầu tư. Cổ phiếu doanh nghiệp vẫn liên tục tìm đỉnh mới bất chấp thị trường chung biến động khó lường.

Với giá vốn khoảng 10.000 đồng/cp vào 3 năm trước, những cổ đông lâu năm của Phước Hòa đến nay có thể nhận đươc giá trị gấp 7 lần khi cổ phiếu xoay quanh vùng 70.000 đồng/cp.

Phước Hoà: Từ cao su đến khu công nghiệp - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu PHR trong 3 năm. Nguồn VnDirect.

Sự chuyển biến tích cực của thị giá cổ phiếu thường đi kèm với câu chuyện kinh doanh. Với Phước Hòa, công ty không chỉ là đơn vị mạnh trong ngành cao su mà cũng tiên phong trong việc đầu tư mảng khu công nghiệp hình thành trên đất cao su.

Cao su vẫn gặp khó

Tiền thân là đồn điền cao su sau ngày giải phòng, Cao su Phước Hòa chính thức được thành lập năm 1982. Đến năm 2008, Phước Hòa chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần và là doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: GVR).

Nằm tại trung tâm vùng chuyên canh cao su của khu vực Đông Nam Bộ, Phước Hòa là một trong các đơn vị có diện tích lớn trong ngành cao su với khoảng 17.000ha trong nước và hơn 9.000ha tại Campuchia.

Phước Hòa nhiều năm liên nằm trong câu lạc bộ có năng suất bình quân đạt trên 2 tấn/ha thuộc GVR, cũng như duy trì sản lượng khai thác, thu mua trên 10.000 tấn mỗi năm. Riêng năm 2018, Phước Hòa khai thác được hơn 13.000 tấn và thu mua gần 20.000 tấn mủ quy khô.

Mảng cao su dù chiếm phần lớn doanh thu (khoảng 75%) đang dần trở nên khó khăn với Phước Hòa khi diễn biến giá ở mức thấp vài năm gần đây. Đây cũng là tình trạng khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Phước Hoà: Từ cao su đến khu công nghiệp - Ảnh 2.

Giá cao su thế giới từ 2011 đến nay. Nguồn Trading Economics.

Là đơn vị kinh doanh thuần cao su thiên nhiện, Phước Hòa không chỉ chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố giá bán giảm sâu. Doanh nghiệp còn đối mặt với các rủi ro về thời tiết thất thường đầu năm nắng nóng, cuối năm mưa nhiều; rủi ro về lao động khi công ty có gần 500 người nghỉ việc năm 2018; tỷ lệ vườn cây già (trên 20 năm) chiếm trên 50%...

Với nhiều biến số lớn, doanh thu của Phước Hòa tỏ ra thiếu ổn định nhưng vẫn cùng chiều với giá cao su. Từ mức đỉnh gần 2.600 tỷ năm 2011, doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính hiện chỉ quanh 1.600 tỷ đồng.

Phước Hoà: Từ cao su đến khu công nghiệp - Ảnh 3.

Thừa nhận những khó khăn của mảng cao su, Phước Hòa đề ra kế hoạch lãi khoảng 6 triệu đồng/ha trong năm 2019, tương đương khoảng 75 tỷ đồng cho mảng cao su. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đặt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm tăng 60% lên 997 tỷ đồng nhờ nguồn thu lớn từ thoái vốn, thanh lý tài sản, bàn giao đất.

Chuyển hướng sang khu công nghiệp

Từ một công ty chuyên về cao su thiên nhiên, Phước Hòa ngày càng đa dạng các nguồn thu mới như kinh doanh gỗ cao su, thanh lý vườn cây già, thủy điện… đặc biệt là kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN).

Hiện Phước Hòa góp 80% vốn vào KCN Tân Bình với diện tích thương phẩm hơn 240ha. Đây là doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả với lợi nhuận năm 2018 tăng 245% đạt 66 tỷ đồng, đã gần lấp đầy. Tân Bình có chủ trương mở rộng giai đoạn 2 chậm nhất vào 2020 và đang xin phê duyệt của Chính Phủ.

Phước Hòa cũng nắm giữ hơn 32% vốn KCN Nam Tân Uyên (gần 5,3 triệu cổ phiếu) với giá thị trường xấp xỉ 190.000 đồng/cp. Nam Tân Uyên có diện tích hơn 330ha và có phương án mở rộng giai đoạn II. Phước Hòa đang có kế hoạch thoái vốn khỏi Nam Tân Uyên.

Bên cạnh 2 khu công nghiệp lớn trên, Phước Hòa còn nắm giữ cổ phần một số khu công nghiệp khác ở dạng chứng khoán kinh doanh như Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC), Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA), Đầu tư Sài Gòn VRG (UpCOM: SIP).

Trong chiến lược 2020-2025, tầm nhìn 2030, lãnh đạo PHR cho biết sẽ có khoảng 4.500ha được chuyển sang KCN, khu dân cư, nông nghiệp công nghệ cao... Công ty nhận định các vùng đất chuyển đổi đều là đất xấu, hiệu quả trồng cây cao su không cao.

Mới đây nhất, Phước Hòa thông báo sẽ triển khai dự án khu công nghiệp Tân Lập I (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) với quy mô 400ha, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2020 là 200ha. Công ty sẽ tham gia góp vốn 51% vào dự án này.

Hay Phước Hòa cũng có chủ trương đầu tư 560ha tại dự án nông trường cao su Hội Nghĩa với mục tiêu phát triển KCN, khu dân cư, khu tái chế...trong giai đoạn 2020-2025.

Những nguồn thu khác ngày càng lớn

Mảng cao su sa sút là yếu tố khiến cho lợi nhuận gộp của Phước Hòa có chiều hướng đi xuống. Trong khi đó, các nguồn thu từ cổ tức, lãi liên doanh liên kết và nguồn thu từ thanh lý tài sản có chiều hướng gia tăng, đóng góp ngày càng lớn vào lợi nhuận của công ty.

Phước Hoà: Từ cao su đến khu công nghiệp - Ảnh 4.

Mới đây, Phước Hòa cho biết sẽ bàn giao 345ha đất cao su cho dự án Nam Tân Uyên mở rộng II với giá 2,5 tỷ đồng/ha, tạm thu về hơn 863 tỷ đồng. Song song đó, Phước Hòa cũng bàn giao 691ha cho dự án VSIP III với giá bồi thường 1,3 tỷ đồng/ha, thu ít nhất 898 tỷ đồng; đồng thời còn hưởng 20% lợi nhuận cho thuê đất và hưởng lợi nhuận từ góp vốn 20% dự án.

Lãnh đạo Phước Hòa từng cho biết công ty sẽ bàn giao theo tiến độ, cân đối diện tích để đảm bảo lợi nhuận sau thuế bình quân giai đoạn 2019-2021 không dưới 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trong năm 2018, Phước Hòa đã thanh lý khoảng 1.300ha vườn cây cao su với giá 250 triệu/ha. Kế hoạch cho năm 2019, công ty tiếp tục thanh lý 1.000 ha. Đối với diện tích không phù hợp trồng cây cao su thì công ty sẽ có phương án để trồng cây khác hoặc chuyển sang mục đích khác.

Ngoài 6 nông trường và nhiều công ty cao su, Phước Hòa còn đầu tư vào nhiều mảng khác như KCN, mảng gỗ (Cao su Trường Phát, Gỗ MDF VRG Kiên Giang); thủy điện có Thủy điện Geruco Sông Côn, Thủy điện VRG Ngọc Linh; CTCP bóng thể thao ngôi sao Geru…

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên