MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phương Tây trì hoãn viện trợ cho Ukraine khiến Nga càng có lợi thế

05-04-2024 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Tình trạng thiếu hụt đạn dược của Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng nhận thức rõ về cái giá của sự trì hoãn. Trong khi đó, các lực lượng của Moscow hiện đang phóng số lượng đạn pháo gấp 7 lần đối phương.

Phương Tây thấm cái giá của việc trì hoãn hỗ trợ Ukraine

Sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine ngày càng suy giảm và một số hệ thống pháo của Ukraine hiện chỉ phóng khoảng 1 quả đạn/ngày để bảo toàn kho vũ khí đang cạn kiệt.

Điều này khiến cho các đối tác của Ukraine phải cố gắng duy trì dòng chảy vũ khí tới Ukraine bằng cách lùng sục đạn pháo khắp thế giới. Tuy nhiên, những sáng kiến của phương Tây nhằm hỗ trợ quân sự cho Kiev vẫn chậm đạt kết quả và hiện chưa rõ liệu những điều này có đủ để duy trì tiền tuyến Ukraine ổn định trong ngắn hạn hay không.

Phương Tây trì hoãn viện trợ cho Ukraine khiến Nga càng có lợi thế- Ảnh 1.

Binh lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa pháo theo hướng Donetsk ngày 1/4. Ảnh: Getty

"Chúng ta không có thời gian để lãng phí. Những cam kết dài hạn rất quan trọng nhưng có một thực tế là bên nào có nhiều đạn dược nhất thì bên đó sẽ giành chiến thắng", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhận định với Bloomberg.

Theo các quan chức giấu tên, các đối tác của Ukraine đang ngày càng lo ngại rằng cuộc tấn công mùa hè của Nga có thể xuyên thủng các phòng tuyến của Kiev.

Các lực lượng của Moscow hiện đang phóng số lượng đạn pháo gấp 7 lần đối phương. Tỷ lệ này gấp hơn 2 lần so với cuối tháng 1 khi Kiev cảnh báo các nước hỗ trợ rằng, nước này bị áp đảo về đạn dược với tỷ lệ 3:1.

Tình trạng thiếu hụt đạn dược của Ukraine vẫn tiếp diễn bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng nhận thức rõ về cái giá của sự trì hoãn. Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận về hỗ trợ cho Ukraine, giới chức phương Tây hiểu việc bảo vệ lãnh thổ NATO sẽ tốn kém hơn nếu Nga đạt được những bước tiến đáng kể tại Ukraine.

Đó là lý do tại sao các nước châu Âu đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung đạn dược sau nhiều tháng trì hoãn việc trả lời câu hỏi liệu việc sử dụng ngân sách EU để thực hiện các thương vụ bên ngoài có thể chấp nhận được hay không. Cộng hòa Séc đang dẫn đầu một sáng kiến và một nỗ lực tương tự cũng đang được Estonia chuẩn bị.

Đầu tuần này, Ukraine đã đón nhận một thông tin tương đối tích cực khi khoản hỗ trợ quân sự của Mỹ cho nước này trị giá hơn 60 tỷ USD có thể được thông qua. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết ông muốn khoản ngân sách này được thông qua "ngay lập tức", mặc dù các thành viên khác trong giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện đặt tỷ lệ thành công của ông là không hơn 50%.

Vấn đề khan hiếm đạn dược và nguy cơ về cuộc tiến công của Nga diễn ra giữa bối cảnh các ngoại trưởng NATO tập trung tại Brussels để kỷ niệm 75 năm thành lập Liên minh quân sự này.

Tương quan đạn dược của Nga và Ukraine

Tổng thống Zelensky nhận định với Washington Post hôm 28/3 rằng nếu không có sự hỗ trợ nhất định, quân đội Ukraine sẽ buộc phải rút lui và Nga sẽ giành thêm các vùng lãnh thổ.

"Nếu bạn cần 8.000 quả đạn/ngày để bảo vệ tiền tuyến và bạn chỉ có khoảng 2.000 quả đạn thì bạn phải làm ít hơn. Dĩ nhiên là sẽ phải lùi lại. Làm cho tiền tuyến ngắn hơn", ông Zelensky nói.

Các lực lượng của Ukraine đang đối phó với các cuộc tiến công của Nga bằng cách đào hào và xây dựng các rào chắn để củng cố tiền tuyến trải dài 2.000km. Họ cũng đang chiến đấu tại một số mặt trận mới, trong đó có tấn công các cơ sở lọc dầu bên trong nước Nga bằng UAV mang chất nổ.

Điều đó đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nhiên liệu của Nga, động thái mà ông Zelensky tuyên bố sẽ tiếp tục bất chấp sự không tán thành của Mỹ. Một quan chức châu Âu tại Mỹ nói rằng sức ảnh hưởng của Washington lên vấn đề này giảm dần mỗi ngày khi gói hỗ trợ vẫn chưa được thông qua.

Tuy nhiên, tổn thất đang xảy ra với cả hai bên khi các cuộc tấn công của Nga phá hủy các cơ sở hạ tầng của Ukraine. Quan chức trên cho biết, tổn thất trong một vài tuần qua có lẽ là tồi tệ nhất trong xung đột và có thể có những tác động chiến lược dài hạn, đi cùng với tác động của tình trạng thiếu đạn dược.

Bộ Quốc phòng Estonia ước tính, Nga dự kiến sẽ sản xuất hoặc tân trang lại 4,5 triệu quả đạn pháo trong năm nay. Đó là chưa kể số lượng đạn pháo Moscow mua từ các đối tác bên ngoài.

Trái lại, EU chỉ đặt mục tiêu sản xuất 1,4 triệu quả đạn pháo năm 2024 và 2 triệu quả đạn pháo vào năm sau. Mỹ đang làm việc để sản xuất 1,2 triệu quả đạn pháo vào cuối năm 2025 nhưng nỗ lực này đang phụ thuộc vào việc Quốc hội có thông qua gói hỗ trợ Ukraine hay không. Các công ty châu Âu cũng đang hợp tác với các công ty Ukraine để tăng cường sản xuất nội địa nhưng nỗ lực này sẽ cần thời gian để đạt được kết quả.

Một số quan chức cho rằng nguồn cung đạn pháo của Ukraine không cần thiết phải theo kịp Nga giữa bối cảnh các hệ thống vũ khí hiện đại mà nước này sử dụng chính xác hơn các hệ thống của Moscow tuy nhiên, chúng cần tiến gần số lượng đạn pháo mà Moscow sở hữu. Một trong số những quan chức này nhận định, thậm chí chỉ cần tăng tỷ lệ khai hỏa của Ukraine lên 3 quả đạn pháo để đối phó với 7 quả đạn pháo của Nga thì điều này cũng có thể tạo nên khác biệt lớn.

Nỗ lực của phương Tây

Khi Mỹ và châu Âu tăng cường sản xuất vào cuối năm nay và năm sau, nguồn cung vũ khí của Ukraine sẽ bắt đầu ổn định, các quan chức phương Tây cho hay.

Tuy nhiên, với việc đơn đặt hàng của các công ty châu Âu đều đã kín trong năm sau hoặc 2 năm tới, mục tiêu EU gửi 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3 đã bị trì hoãn cho tới cuối năm nay. Chỉ một nửa số lượng trên được cung cấp kể từ khi mục tiêu này được đặt ra cách đây hơn 1 năm.

Các quốc gia như Estonia, nước đã cam kết dành 0,25% GDP để hỗ trợ Ukraine, đã hối thúc các nước châu Âu khác dành nhiều ngân sách hơn và khai thác các khả năng để thúc đẩy ngành quốc phòng của châu lục.

Kế hoạch do Cộng hòa Séc dẫn đầu về việc mua hàng trăm nghìn quả đạn pháo từ ngoài EU, sẽ bắt đầu thu về kết quả vào tháng 6. Điều này sẽ giúp các lực lượng Ukraine có thể tự tin mở rộng việc sử dụng đạn dược hiện nay.

Dù vậy, những nước lớn như Pháp và Tây Ban Nha vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết tài chính nào với kế hoạch của Cộng hòa Séc bất chấp những tuyên bố ủng hộ. Các thành viên EU vẫn đang thảo luận về tính pháp lý của kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga để mua vũ khí.

Các cuộc thảo luận giữa Nhật Bản và Anh về việc mua đạn dược dường như đã chững lại trong khi Brazil bác bỏ yêu cầu của của một số đối tác về việc cung cấp đạn dược cho Kiev.

Thủ tướng Estonia Kallas cho rằng nếu không nhận được sự hỗ trợ, Ukraine có thể sẽ thua trong cuộc xung đột này.

Theo Kiều Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên