MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phương tiện "đắp chiếu", doanh nghiệp vẫn oằn lưng gánh chi phí

07-09-2021 - 15:19 PM | Doanh nghiệp

Việc dừng hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao.

Việc dừng hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải lao đao.

Do liên tiếp chịu tác động của dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người lao động chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ do có nhiều điều kiện ràng buộc, không thể tiếp cận.

Doanh nghiệp vận tải lao đao

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) hiện có hơn 1.600 hội viên, sở hữu khoảng 2/3 tổng số ô tô kinh doanh chở khách toàn quốc. Chia sẻ bức tranh vận tải hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội VATA đánh giá, vận tải hành khách chịu tác động nhất nặng nề nhất. Số xe nằm bãi trên 50%. Còn lại, đối với các xe hoạt động, xe chạy tuyến cố định hoạt động cầm chừng khoảng 30-40%, lượng khách chở ít ỏi. Theo quy định, không được chở quá 50% số ghế ngồi, nhưng thực tế, trên các tuyến cũng không đủ khách để chở.

Vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch gần như “đóng băng”. Tựu chung, doanh thu vận tải hành khách duy trì khoảng 20-30% so với thời điểm trước dịch, vận tải hàng hóa khá khẩm hơn khi doanh thu khoảng 70-80% trước dịch.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch VATA, vận tải có một đặc thù, khi doanh thu giảm xuống, chi phí hoạt động hoạt động không giảm, từ chi phí xăng dầu, lương cho người lái xe, phí giao thông, bảo trì đường bộ... Mọi chi phí vẫn như trước đây khi chở đủ khách, đủ tải. Thậm chí, khó khăn còn đội lên gấp bội do chi phí về việc xét nghiệm thường xuyên, thời gian dừng đỗ ở các cửa khẩu, giao hàng lâu hơn, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của Hội trưởng xe du lịch Việt Nam tỉnh Quảng Bình, những lao động như lái xe, phụ xe tự nghỉ không lương, còn các chủ xe đứng ngồi không yên vì họ chịu cảnh lỗ đơn, lỗ kép. Hiện tại, có những nhà xe trung bình mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng cả trăm triệu đồng, vì vay ngân hàng đầu tư vào phương tiện. Ngoài ra, các chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, đăng kiểm và hàng loạt chi phí khác như bảo hiểm, thuế vẫn không được giãn hay hoãn.

Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Hải Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Đơn vị có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài. Nếu không có dịch, mỗi ngày có 2-3 chuyến/tuyến, nhưng từ năm ngoái đến nay, hàng loạt xe của công ty đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch.

Đặc biệt, năm nay, hầu hết các xe nghỉ từ dịp lễ 30/4-1/5 đến nay, nhúc nhắc được vài xe chạy đến hết tháng 5 rồi nghỉ hẳn. Xe nghỉ nên hàng loạt lao động mất việc làm. Phải ngừng hoạt động do dịch, không có nguồn thu nhưng mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải chi phí cả trăm triệu đồng cho việc tu bổ xe, bảo dưỡng, trả lương cho 6 lao động…; đó là chưa kể đến tiền lãi suất hàng tháng.

Cùng cảnh ngộ, ông Trần Văn Thọ, chủ một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian qua, sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp giảm hơn 80%, nhiều người lao động không có việc làm. Hầu hết các đầu xe phải ngừng chạy do không có hàng nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ. Trong khi đó, nhiều loại thuế, phí, lãi ngân hàng, các loại phí bảo hiểm không được giảm; tiền thu kho bãi cũng tăng cao từ đầu năm đến nay.

“Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn. Thời gian qua, một số chính sách đã được ban hành nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận do thủ tục còn rườm rà, phức tạp”, ông Thọ thông tin.

Doanh nghiệp "ngóng" hỗ trợ

Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tín dụng, giảm các loại thuế phí nhưng trên thực tế còn rất nhiều lực cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Có thể kể đến Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội thông tin, hiện tại đơn vị có khoảng 1.000 lao động đang phải nghỉ việc không lương do tàu chở khách dừng hoạt động vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Ông Hiệp chia sẻ, theo chính sách hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ, Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội đã làm thủ tục để hỗ trợ người lao động, tuy nhiên do có nhiều điều kiện ràng buộc nên rất khó tiếp cận.

Phương tiện đắp chiếu, doanh nghiệp vẫn oằn lưng gánh chi phí - Ảnh 1.

Hơn 5.000 lao động đường sắt đang phải nghỉ việc không lương chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Cụ thể, theo yêu cầu tại quyết định 23 của Chính phủ, người lao động tạm nghỉ việc, mất việc làm để nhận được hỗ trợ thì doanh nghiệp phải lập danh sách gửi xin xác nhận của BHXH, doanh nghiệp phải không nợ BHXH mới nhận được xác nhận.

Trong khi gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động điều kiện đưa ra yêu cầu doanh nghiệp không nợ BHXH, không nợ xấu, không nợ thuế khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.

Trong báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nêu rõ, hiện Tổng công ty có 5.520 người đang phải dừng việc không lương, nhưng đơn vị không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ do vướng mắc về thủ tục hỗ trợ.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu hãng xe khách Sao Việt thông tin: “Không chỉ doanh nghiệp của chúng tôi mà phần lớn các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Bắc đều không tiếp cận được gói hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP. Nguyên nhân là nhiều tỉnh chưa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên doanh nghiệp chưa dừng hoạt động. Hà Nội cũng mới dừng hoạt động từ ngày 24/7 nên chúng tôi không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra”.

Ông Đỗ Văn Bằng dẫn lý do của việc này đó là tại Nghị quyết 68/NQ-CP, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch. Đồng thời, không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng lần 1 thực hiện trước đó, ông Đỗ Văn Bằng cho biết, doanh nghiệp cũng không thể tiếp cận bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội thời điểm trước đó dài nhất mới là 28 ngày.

"Chúng tôi nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được phản hồi là nên chủ động làm việc, đề xuất với tổ chức tín dụng", ông Bằng cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, so sánh với các gói hỗ trợ trước đây mà doanh nghiệp và người lao động phản ánh là quá nhiều tiêu chí, tiếp cận rất khó, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP mang đến hy vọng cho doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, có những quy định về điều kiện hưởng hỗ trợ lại như rào cản khiến doanh nghiệp tiếp tục phải "ngóng chờ". Vì vậy, các cơ quan chức năng cần căn cứ vào tình hình thực tế, đặc biệt là từng đối tượng để nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn.

Theo Khánh Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên