Phút cuối kịch tính của COP26
Mắt ngấn lệ, ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), gõ búa chính thức thông qua thỏa thuận của hội nghị hôm 13-11 (giờ địa phương).
- 15-11-2021Người đứng sau quyết định từ chối núi USD để mang vắc xin Covid-19 phủ khắp thế giới
- 14-11-2021“Gáo nước lạnh” dội vào tham vọng của hai tỷ phú lão làng Bill Gates và Warren Buffett
- 14-11-2021Câu hỏi lớn ở Ấn Độ: "Chúng ta phải sống thế nào đây?"
Thỏa thuận này có nội dung chính là duy trì mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, tức không để nhiệt độ bình quân toàn cầu vào cuối thế kỷ này tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và lần đầu tiên đề cập nhiên liệu hóa thạch trong cuộc khủng hoảng khí hậu.
Gần 200 đoàn đại biểu cấp quốc gia đã tham gia "đàm phán marathon" hơn 2 tuần tại TP Glasgow - Scotland. Không lâu trước lúc gõ búa, chính ông Sharma sửa miệng thỏa thuận theo yêu cầu của Ấn Độ, thành "loại bỏ dần dần" than đá.
Yêu cầu phút chót của Ấn Độ được Trung Quốc và nhiều nước phát triển ủng hộ trong khi nhiều nền kinh tế giàu có của Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ và các đảo quốc nhỏ có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm phản đối.
Đáp lại, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu của Ấn Độ - ông Bhupender Yadav - nói với Reuters: "Chúng tôi cố gắng tạo ra sự đồng thuận hợp lý cho các nước đang phát triển và cũng hợp lý đối với công lý khí hậu". Theo ông Yadav, chỉ có than đá bị "loại trừ" trong khi dầu và khí thiên nhiên thì không.
Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, ông Simon Kofe, phát biểu với COP26 giữa bốn bề nước biển nhằm nhấn mạnh nguy cơ bị nhấn chìm của đảo quốc này Ảnh: REUTERS
Ngoài nhiên liệu hóa thạch, theo đài CNN, giữa các nước phát triển và đang phát triển chia rẽ sâu sắc về chuyện đóng quỹ để thích ứng với khủng hoảng khí hậu, đặc biệt là khi các nước giàu bác bỏ thẳng thừng ý tưởng lập một quỹ "bồi thường thiệt hại" mới.
Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng chính các nước giàu đã thải ra lượng khí nhà kính lớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử, là thủ phạm chính làm trái đất nóng lên và do đó phải bồi thường cho các nước đang chịu ảnh hưởng hiện nay.
Thỏa thuận tại COP26 kêu gọi các nước giàu trước năm 2025 sẽ đóng góp gấp đôi mức của năm 2019. Reuters lưu ý các nước giàu hứa đóng góp 100 tỉ USD/năm vào năm 2020 nhưng tới nay chưa thấy tiền đâu. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc ước tính đến trước năm 2030, các nước nghèo có thể cần tới 300 tỉ USD.
"Mục tiêu 1,5 độ C" cũng bị phê bình là quá khiêm tốn. Bởi lẽ, cho dù các nước thực hiện đúng cam kết cắt giảm khí thải nhà kính tại COP26 thì cũng chỉ ngăn nhiệt độ bình quân toàn cầu không tăng quá 2,4 độ C, theo nghiên cứu gần đây của tổ chức Climate Action Tracker.
NLĐ